1. Xét nghiệm Pap Smears là gì?
Pap Smears là một Xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung, nhằm tìm kiếm những tế bào tiền Ung thư cổ tử ở phụ nữ. Sự ra đời của Xét nghiệm Pap chính là một bước đột phá lớn trong nền y học, giúp phụ nữ có cơ hội được chẩn đoán và ngăn ngừa ung thư phát triển từ sớm.
Thông thường, xét nghiệm Pap Smears sẽ được thực hiện bằng cách lấy các mẫu tế bào từ cổ tử cung của người phụ nữ. Sau đó đem đi kiểm tra dưới kính hiển vi tại phòng thí nghiệm để tìm kiếm những dấu hiệu bất thường trong các tế bào. Quy trình này diễn ra khá nhanh gọn, mặc dù bệnh nhân có thể cảm thấy hơi khó chịu, tuy nhiên các trường hợp bị đau sau xét nghiệm thường rất ít.
2. Những đối tượng nên thực hiện xét nghiệm Pap Smears
Theo khuyến cáo từ các chuyên gia y tế hàng đầu trên thế giới cho biết, phụ nữ ở độ tuổi từ 21 trở lên nên thường xuyên đi xét nghiệm Pap cứ sau 3 năm một lần. Ngoài ra, một số trường hợp sau cũng cần được thực hiện xét nghiệm Pap, bao gồm:
- Những người có xét nghiệm dương tính với HIV
- Người có hệ thống miễn dịch kém do cấy ghép nội tạng hoặc đã trải qua hóa trị liệu cho một tình trạng ung thư khác
- Những phụ nữ trên 30 tuổi nên thực hiện xét nghiệm Pap đồng thời với Xét nghiệm HPV (vi rút gây u nhú ở người) để sàng lọc Ung thư cổ tử cung. Tần suất thực hiện xét nghiệm là khoảng 5 năm/lần
- Những người bị nhiễm vi rút HPV, đặc biệt là HPV 16 và 18- hai chủng vi rút chính gây ra bệnh ung thư cổ tử cung ở nữ giới, cũng cần phải thực hiện xét nghiệm Pap Smears.
3. Có cần xét nghiệm Pap Smears nếu đã cắt bỏ tử cung?
Điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau và tình trạng sức khỏe của mỗi người.
Nếu bạn đã thực hiện cắt bỏ một phần của tử cung, tuy nhiên cổ tử cung vẫn còn (phần dưới của tử cung), thì bác sĩ vẫn có thể yêu cầu bạn tiếp tục thực hiện xét nghiệm Pap.
Trong trường hợp bạn được chẩn đoán là tiền ung thư hoặc ung thư, và đã cắt bỏ hoàn toàn tử cung, nghĩa là cả tử cung và cổ tử cung đều bị cắt bỏ, xét nghiệm Pap thường xuyên vẫn có thể được đề nghị như một biện pháp nhằm phát hiện sớm những thay đổi tiền ung thư.
Ngoài ra, nếu phụ nữ đang Mang thai sử dụng thuốc Diethylstilbestrol (DES), các xét nghiệm Pap cũng cần được thực hiện thường xuyên, bởi vì việc tiếp xúc với DES sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ phát triển ung thư cổ tử cung.
Tuy nhiên, bạn có thể ngừng xét nghiệm phết Pap nếu đã trải qua phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn tử cung cho một tình trạng không phải ung thư. Bên cạnh đó, những phụ nữ sau 65 tuổi cho dù đã phẫu thuật cắt bỏ tử cung hay không, miễn là có kết quả sàng lọc Pap bình thường liên tiếp và không có nguy cơ cao mắc ung thư cổ tử cung thì hoàn toàn có thể dừng việc sàng lọc xét nghiệm Pap thường quy.
4. Một số điều cần lưu ý trước khi thực hiện xét nghiệm Pap Smears
Kết quả xét nghiệm Pap sẽ có độ chính xác cao hơn nếu được thực hiện vào giữa chu kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ. Do đó, khi đến ngày “đèn đỏ”, bạn không nên tiến hành xét nghiệm này. Nếu đã lên lịch kiểm tra từ trước, bạn và bác sĩ có thể trao đổi chuyển sang một thời gian khác để kết quả có tỷ lệ chính xác và tin cậy hơn.
Ngoài ra, trước ngày thực hiện phết Pap, bạn nên tránh thụt rửa sâu âm đạo, quan hệ Tình dục hoặc sử dụng một số loại thuốc diệt tinh trùng để không làm ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm.
Trong một vài trường hợp nhất định, xét nghiệm Pap có thể gây cảm giác khó chịu và đau đớn, vì vậy, bạn nên giữ bình tĩnh, thả lỏng cơ thể và hít thở sâu trong suốt quá trình thực hiện. Điều này sẽ giúp cho cuộc xét nghiệm diễn ra một cách nhanh chóng và thuận lợi hơn.
5. Ý nghĩa của kết quả xét nghiệm Pap Smears
Thông thường, bệnh nhân sẽ nhận được kết quả của xét nghiệm phết Pap chỉ sau 1 ngày. Dưới đây là ý nghĩa của các kết quả xét nghiệm Pap Smears, bao gồm:
5.1 Kết quả bình thường
Tức là không có bất cứ tế bào bất thường nào được tìm thấy và bạn sẽ không cần phải thực hiện xét nghiệm Pap trong vòng 3 năm tới.
5.2 Kết quả bất thường
Cho thấy có sự hiện diện của ung thư. Những tế bào này có thể là các tế bào tiền ung thư. Các cấp độ chính của những tế bào bất thường trong cổ tử cung, bao gồm: không điển hình, nhẹ, vừa phải, loạn sản nặng, và cuối cùng là ung thư mô ngoài. Từ kết quả xét nghiệm Pap, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện soi cổ tử cung, hoặc xét nghiệm phết Pap khác.
Nhìn chung, xét nghiệm Pap thường cho kết quả có độ chính xác cao, vì vậy, việc sàng lọc thường xuyên sẽ giúp giảm nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung lên đến 80% ở nữ giới.
Nguồn tham khảo: webmd.com, mayoclinic.org