Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Nội soi can thiệp tiêm cầm máu là gì?

13/01/2021
Nội soi can thiệp tiêm cầm máu là gì?

Nội soi can thiệp cầm máu là một trong những kỹ thuật được ứng dụng nhiều nhất trong lĩnh vực nội soi tiêu hóa. Nhờ có phương pháp này, hàng loạt người bệnh được điều trị với mức độ xâm lấn tối thiểu, rút ngắn thời gian phục hồi. Vậy, Nội soi can thiệp cầm máu là gì?, khi nào xử dụng và quy trình thực hiện như thế nào?

1. Nội soi can thiệp cầm máu là gì?

Nội soi can thiệp tiêm cầm máu là một phương pháp can thiệp điều trị nhằm mục đích cầm chảy máu tổn thương qua nội soi ống tiêu hoá. Biện pháp này có thể áp dụng cho tổn thương ở bất kể vị trí nào trong quá trình nội soi với ưu điểm là kỹ thuật đơn giản, tích kiệm chi phí, có thể áp dụng dễ dàng.

Cơ chế tác dụng dung dịch tiêm gồm nước muối sinh lý pha Adrenalin gây phồng lớp tổ chức dưới niêm mạc ép vào mạch máu đang chảy máu để làm cầm máu và Adrenalin gây co mạch tại chỗ. Tuy nhiên ngày nay không khuyến cáo dùng đơn thuần phương pháp này mà phối hợp với các phương pháp cầm máu khác.

2. Khi nào cần nội soi can thiệp cầm máu?

Nội soi can thiệp cầm máu có chỉ định trong phần lớn các trường hợp bệnh nhân nhập viện trong bệnh cảnh xuất huyết tiêu hóa trên hoặc xuất huyết tiêu hóa dưới. Các bệnh lý cụ thể cho các chỉ định này là:

  • Giãn vỡ tĩnh mạch thực quản.
  • Hội chứng Mallory Weiss.
  • Viêm - loét – ung thư xuất huyết ở thực quản.
  • Viêm - loét – ung thư xuất huyết ở dạ dày – tá tràng.
  • Viêm - loét – ung thư xuất huyết ở đại tràng.
  • Trĩ nội xuất huyết.

3. Quy trình nội soi can thiệp cầm máu như thế nào?

Quy trình nội soi can thiệp cầm máu trên đường tiêu hóa về mặt cơ bản cũng tương tự như mọi quy trình nội soi can thiệp khác.

Trước khi vào phòng thủ thuật can thiệp, bệnh nhân đều được thăm khám kỹ lưỡng và thực hiện các Xét nghiệm thường quy. Qua đó, bác sĩ sẽ đánh giá được tổng quát tình trạng sức khỏe. Nếu bệnh nhân không đáp ứng được với điều trị nội khoa mới được chỉ định nội soi can thiệp cầm máu.

Bệnh nhân và thân nhân đều được tư vấn, giải thích về sự cần thiết của nội soi cầm máu trên đường tiêu hóa trong chẩn đoán kết hợp điều trị bệnh nếu đúng chỉ định.

Ngoài ra, cách thức thực hiện và cả những nguy cơ có thể xảy ra cũng được trình bày kỹ lưỡng để người bệnh hiểu rõ và chấp thuận. Sau đó, những chuẩn bị trước nội soi như nhịn ăn hoặc thụt tháo và các phương tiện theo dõi được sắp xếp sẵn sàng trước khi cuộc nội soi chính thức bắt đầu.

Đối với những bệnh cảnh xuất huyết thuộc ống tiêu hóa trên (thực quản – dạ dày – tá tràng), bệnh nhân sẽ được hướng dẫn nằm nghiêng về bên trái, không gồng người, cố gắng hít thở sâu và đều đặn bằng mũi và miệng phối hợp với động tác nuốt xuống khi kỹ thuật viên đưa ống nội soi vào đường miệng. Bề mặt các đoạn ống tiêu hóa sẽ được quan sát và đánh giá kỹ lưỡng và can thiệp ngay khi phát hiện ra nơi chảy máu. Cụ thể là bệnh nhân nhập viện do bệnh cảnh nôn ói ra máu ồ ạt, nội soi thấy tĩnh mạch thực quản đang giãn vỡ thì sẽ được nhanh chóng đưa dụng cụ vào để cầm máu tại chỗ bằng cách chích xơ, cột thắt... nhằm bít tắc ngòi chảy máu.

Nếu bệnh nhân đến vì tiêu phân đen kèm đau thượng vị kéo dài, bác sĩ cũng sẽ tập trung tìm kiếm các ổ loét trên niêm mạc dạ dày – tá tràng và tiêm thuốc cầm máu tại chỗ, kẹp clip. Không chỉ như vậy, một mẫu niêm mạc sẽ được gắp lấy và đưa ra ngoài, làm Xét nghiệm kiểm tra đánh giá sự có mặt của vi khuẩn Helicobacter Pylori ngay tại phòng nội soi.

Với những bệnh cảnh xuất huyết thuộc ống tiêu hóa dưới (khung đại tràng), con đường tiếp cận sẽ đi vào lỗ hậu môn. Thông thường nguồn gốc chảy máu là từ ổ Viêm loét đại tràng hay khối u, polyp sẽ được Nội soi đại tràng cầm máu bằng tiêm thuốc, chích xơ để ngăn chặn chảy máu tiếp diễn.