1. Xoắn trung tràng là gì?
Trung tràng là từ dùng để chỉ một phần của ống tiêu hóa từ phần bóng Vater đến phần giữa của đại tràng ngang trong bào thai. Trong quá trình phát triển của thai, trung tràng sẽ quay quanh trục động mạch treo tràng trên, cố định vào thành bụng để tạo nên đoạn tá tràng dưới bóng Vater, ruột non, manh tràng, đại tràng lên và nửa đại tràng ngang bên phải.
Xoắn trung tràng là một bất thường bẩm sinh trong đó ruột xoay và cố định không hoàn toàn trong quá trình phát triển của bào thai. Toàn bộ ruột non và một phần đại tràng chỉ được cố định ở thành bụng bởi một mạng treo hẹp khiến trung tràng dễ bị xoắn. Xoắn trung tràng xảy ra ở 0.5-1% dân số, chủ yếu ở trẻ sơ sinh. Hình thái lâm sàng từ không có triệu chứng cho đến xoắn ruột. Nếu ruột quay dở và không có xoắn ruột thì bệnh nhân không có triệu chứng thực thế. Nếu ruột quay dở dang có xoắn ruột thì có triệu chứng. Tỷ lệ có triệu chứng là 1/6.000. Xoắn trung tràng thường kèm theo các bệnh lý như tắc tá tràng cấp hoặc mạn tính, thoát vị cơ hoành bẩm sinh, khe hở thành bụng, Túi thừa Meckel, bất thường của đường mật.
Xoắn trung tràng tuy hiếm gặp nhưng là một bệnh lý rất nghiêm trọng, nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời, toàn bộ ruột non và một phần đại tràng trẻ có thể bị hoại tử. Các biểu hiện thường gặp khi trẻ bị xoắn trung tràng là:
- Trẻ bú kém, thường xuyên nôn trớ nhiều dịch vàng xanh
- Thể trạng mất nước, suy dinh dưỡng, Xét nghiệm rối loạn điện giải nặng
- Nhịp tim nhanh, thở nhanh, thở mạnh
- Nếu thể tích tuần hoàn mất, thiếu máu ruột non tiến triển, trẻ có thể bị sốc nhiễm trùng với các biểu hiện như tụt huyết áp, suy hô hấp, tiêu ra phân đen, nôn ra máu, toan chuyển hóa, giảm bạch cầu, tiểu cầu,...
2. Phẫu thuật điều trị xoắn trung tràng
Trẻ khi được chẩn đoán xoắn trung tràng cần được nhanh chóng phẫu thuật, trừ trường hợp bị rối loạn đông máu. Có hai hình thức phẫu thuật xoắn trung tràng là phẫu thuật mở và phẫu thuật nội soi. Trước khi phẫu thuật trẻ sẽ được bồi phụ nước, điện giải, đặt ống hút dạ dày, dùng kháng sinh dự phòng, làm đủ các Xét nghiệm để đánh giá tổng trạng.
2.1 Phẫu thuật điều trị xoắn trung tràng bằng phương pháp mổ hở
Trẻ nằm trên bàn mổ, bác sĩ phẫu thuật đứng bên phải, người phụ mổ đứng bên trái trẻ. Sau khi gây mê, bác sĩ tiến hành rạch da ngang dưới hạ sườn phải. Các thì phẫu thuật gồm:
- Tháo xoắn
- Cắt dây chằng Ladd, giải phóng tá tràng, tải rộng mạc treo chung
- Cắt ruột thừa
- Đưa manh tràng trái và cố định vào thành bụng
2.2 Phẫu thuật Nội soi điều trị xoắn trung tràng
- Trẻ nằm trên bàn mổ, bác sĩ phẫu thuật đứng ở phía chân trẻ, người phụ cầm camera đứng ở bên phải của phẫu thuật viên. Màn hình đặt ở phía đối diện phẫu thuật viên.
- Đặt 3 trocar vào ổ bụng ở các vị trí rốn, hạ sườn phải và hạ sườn trái. Áp lực bơm hơi duy trì từ 7-9 mmHg với lưu lượng 2-3 l/phút tùy theo tuổi. Các thì phẫu thuật tương tự như phương pháp mổ hở.
Phương pháp mổ Nội soi ít xâm lấn, trẻ hồi phục nhanh, Sẹo nhỏ và nhanh lành, tỷ lệ xảy ra tai biến thấp. Tuy nhiên, để thực hiện mổ nội soi cần có trang thiết bị hiện đại, bác sĩ phẫu thuật có chuyên môn, tay nghề cao, được đào tạo về phẫu thuật nội soi.
3. Chăm sóc trẻ sau phẫu thuật điều trị xoắn trung tràng
Trẻ sau mổ cần được duy trì thân nhiệt bằng lồng ấp, cân bằng nước, điện giải nếu cần. Sử dụng kháng sinh để chống nhiễm khuẩn.
Nuôi dưỡng trẻ bằng đường tĩnh mạch hoàn toàn trong 3 ngày đầu. Thực hiện hút ngắt quãng dịch dạ dày, đến khi dịch không có mật có thể cho trẻ bú với số lượng tăng dần. Nếu có ống thông dạ dày đặt qua miệng nối thì bơm sữa qua ống thông từ ngày thứ 3 sau mổ để cho ăn sớm.
Theo dõi sát tình trạng của trẻ, nếu có biến chứng tắc ruột hoặc xoắn ruột thì tiến hành mổ lại.