1. Tìm hiểu về phương pháp phẫu thuật Epicanthus tạo hình Mắt điều trị quặm mi
1.1 Chỉ định
Phẫu thuật Epicanthus được chỉ định cho các bệnh nhân bị quặm mi (lông mi cọ vào giác mạc) với nguyên nhân chính đến từ sẹo kết mạc hoặc biến dạng sụn mi.
1.2 Chống chỉ định
Ngoài ra, phẫu thuật Epicanthus tạo hình mắt điều trị quặm mi chống chỉ định với một số trường hợp sau:
- Bệnh nhân đang bị nhiễm trùng mắt nghiêm trọng như viêm mủ túi lệ, Viêm kết mạc cấp, viêm loét giác mạc, Loét giác mạc thủng...
- Bờ mi biến dạng như hếch mi, hở mi... Tình trạng này sẽ gây ra sự thất bại của phẫu thuật. Do đó, ở nhóm đối tượng này, bệnh nhân cần được phẫu thuật quặm mi kết hợp tạo hình mắt.
2. Phẫu thuật Epicanthus được tiến hành như thế nào?
Bước 1: Bệnh nhân sẽ được Gây tê cục bộ ở vị trí phẫu thuật.
Bước 2: Bác sĩ phẫu thuật sẽ tiến hành rạch da mi và bộc lộ sụn mi:
- Rạch da mi: Đường rạch sẽ đi xuyên suốt từ góc trong ra bên ngoài mí mắt và song song với bờ mi, cách bờ mi khoảng 2mm. Sau khi nhận thấy bờ trên sụn và phần cân treo sụn, bác sĩ sẽ tách mép da mi phía trên. Khi thấy bóng hàng chân lông mi, mép da mi phía dưới cũng sẽ được tách ra.
- Cắt sụn mi: một lưỡi dao nằm ngang sẽ di chuyển từ 1 góc của mắt đến góc còn lại, đường cắt sẽ cách bờ sụn dưới 2mm.
Bước 3: Tiến hành khâu sụn mi
4 vị trí khâu sẽ được đặt cách quãng đều nhau và bác sĩ sẽ tiến hành luồn kim từ trên xuống dưới, sau đó luồn kim lên nửa trên và nửa dưới của sụn, tiếp theo là luồn ra đằng sau chân lông mi rồi ra ngoài da. Cuối cùng, 2 mép da sẽ được vuốt lại đẻ hai nửa sụn sát lại và thắt nhẹ từng nốt chỉ, hoàn tất quá trình khâu sụn mi.
Sau khi thực hiện khâu sụn mi, bước cuối cùng của quá trình phẫu thuật là khâu da và băng mắt.
3. Những lưu ý trong chăm sóc bệnh nhân trước khi cắt chỉ
Bệnh nhân sẽ được cắt chỉ sau khoảng 5 ngày phẫu thuật Epicanthus. Trong thời gian này, bệnh nhân cần được theo dõi các vấn đề liên quan đến nhiễm trùng, viêm bờ mi, mào thịt thừa...
Một số hoạt động cần thực hiện gồm:
- Thay băng mắt hàng ngày, vệ sinh đúng cách.
- Uống thuốc kháng sinh để hạn chế tình trạng nhiễm trùng.
4. Cần làm gì để phòng ngừa sự trở lại của quặm mi?
Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân cần thực hiện một số bước sau để hạn chế tình trạng quặm mi trở lại:
- Sử dụng nước muối sinh lý thường xuyên để vệ sinh mắt, lau mắt bằng khăn sạch và cá nhân, không dùng chung với người khác.
- Khi ra ngoài hoặc làm việc trong môi trường nắng, bụi... cần sử dụng kính để bảo vệ mắt.
- Cần điều trị dứt điểm các vấn đề liên quan đến mắt có khả năng gây ra quặm mi.
- Môi trường xung quanh cần được giữ sạch sẽ, trong lành...
Có thể nói, bệnh quặm mi là nguyên nhân chính gây ra lông mi cọ vào giác mạc và một trong những phương pháp tốt nhất để khắc phục tình trạng trên tính đến thời điểm hiện tại là phẫu thuật Epicanthus.