1. Xét nghiệm Pap là gì?
Xét nghiệm Pap hay còn gọi là phết Pap, được phát minh bởi một bác sĩ nổi tiếng người Hy Lạp - Georgios Nikolaou Papanikolaou. Đây là một Xét nghiệm giúp tìm kiếm những thay đổi bất thường trong các tế bào cổ tử cung cho thấy có dấu hiệu của Ung thư cổ tử cung, hoặc điều kiện để phát triển thành ung thư.
Thời điểm thích hợp nhất để thực hiện Xét nghiệm Pap là 21 tuổi, tuy nhiên bác sĩ thường khuyến cáo phụ nữ ở độ tuổi từ 21- 65 nên đi kiểm tra định kỳ ba năm một lần. Ngoài ra, bạn cũng có thể cân nhắc thực hiện xét nghiệm phết Pap kết hợp với Xét nghiệm HPV (sàng lọc papillomavirus ở người) khoảng 5 năm một lần sau 30 tuổi.
Có thể nói, xét nghiệm Pap chính là công cụ tốt nhất giúp phụ nữ phát hiện sớm các tình trạng tiền Ung thư cổ tử cung, từ đó có biện pháp điều trị kịp thời và đạt được tỷ lệ thành công cao khi chữa bệnh.
2. Có nên thực hiện xét nghiệm Pap khi đã mãn kinh?
Ngay cả khi đang trong thời kỳ mãn kinh, hoặc sau mãn kinh, bạn vẫn nên tiếp tục thực hiện xét nghiệm Pap.
Đối với những phụ nữ đã trải qua phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tử cung khi có một khối u lành tính, hoặc chưa có tiền sử xét nghiệm Pap tiền ung thư có thể dừng sàng lọc Pap. Điều này cũng phụ thuộc phần lớn vào tiền sử bệnh và nguy cơ nhiễm vi rút HPV ở phụ nữ mãn kinh.
Sàng lọc Pap có thể được ngừng thực hiện ở độ tuổi 65 hoặc 70 nếu bạn đã có ít nhất ba xét nghiệm Pap liên tiếp cho kết quả bình thường và không có xét nghiệm Pap bất thường nào trong vòng 10 năm trước.
3. Phụ nữ mãn kinh nên thực hiện xét nghiệm Pap bao lâu một lần?
Phụ nữ ở độ tuổi mãn kinh có thể làm xét nghiệm Pap ba năm một lần nếu có các điều kiện sau:
- Đã có kết quả xét nghiệm Pap bình thường trong ba năm liên tiếp
- Không có tiền sử về kết quả xét nghiệm Pap tiền ung thư
- Không bị HIV
- Hệ miễn dịch không bị suy yếu
- Chưa từng sử dụng thuốc Diethylstilbestrol (DES), một loại thuốc Estrogen không steroid.
Phụ nữ là đối tượng có nguy cơ mắc ung thư cao hơn so với những người khác. Do đó họ cần thực hiện xét nghiệm Pap thường xuyên để phòng ngừa và phát hiện sớm ung thư.
4. Những triệu chứng cần được theo dõi khi thực hiện Pap Smears
Thông thường, tình trạng tiền ung thư cổ tử cung hiếm khi có các biểu hiện hay triệu chứng cụ thể. Để phát hiện ra những dấu hiệu bất thường trong cổ tử cung, phụ nữ cần phải thực hiện kiểm tra vùng chậu và phết tế bào Pap.
Khi ung thư đã thực sự xuất hiện ở cổ tử cung, triệu chứng điển hình nhất là chảy máu bất thường ở âm đạo. Tình trạng này có thể bắt đầu và dừng lại ở giữa các kỳ kinh nguyệt, hoặc xảy ra khi quan hệ Tình dục hay thụt rửa âm đạo.
Một triệu chứng phổ biến khác của ung thư cổ tử cung là dịch tiết âm đạo bất thường. Khi xuất hiện những triệu chứng này, tốt nhất bạn nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán sớm nhất có thể.
5. Quy trình thực hiện xét nghiệm Pap
5.1 Trước khi thực hiện xét nghiệm Pap
Trước khi tiến hành xét nghiệm phết Pap, bạn nên tuân thủ theo những điều sau đây:
- Không quan hệ tình dục, và tránh thụt rửa hoặc sử dụng các loại thuốc diệt tinh trùng, thuốc đặt âm đạo, hay kem bôi trong vòng 2 ngày trước khi xét nghiệm.
- Không nên xét nghiệm Pap trong kỳ kinh nguyệt. Để đảm bảo kết quả chính xác nhất, bạn nên thực hiện phết Pap vào giữa chu kỳ kinh nguyệt.
- Nên đi tiểu trước khi bắt đầu xét nghiệm, vì bàng quang đầy có thể đem lại cảm giác khó chịu trong quá trình làm xét nghiệm Pap.
5.2 Trong khi thực hiện xét nghiệm Pap
Trong quá trình xét nghiệm Pap, bác sĩ sẽ đặt dụng cụ mỏ vịt âm đạo để quan sát rõ hơn tử cung của bệnh nhân. Sau đó, tế bào cổ tử cung sẽ được lấy ra và đưa đến phòng thí nghiệm để kiểm tra dưới kính hiển vi.
Thông thường, bệnh nhân sẽ nhận được kết quả trong vòng một tuần sau khi thực hiện xét nghiệm Pap.
5.3 Sau khi thực hiện xét nghiệm Pap
Một số người cảm thấy không được thoải mái khi thực hiện phết Pap, tuy nhiên xét nghiệm này thường không gây ra đau đớn cho bệnh nhân.
Trong một số trường hợp nhất định, mẫu xét nghiệm có thể không đạt yêu cầu và bệnh nhân cần phải tiến hành xét nghiệm lại một lần nữa. Điều này có thể là do các tế bào cổ tử cung được lấy ra bị các chất nhầy hoặc máu làm mờ đi, gây khó khăn cho việc phân tích tế bào.
Mọi thắc mắc cần được bác sĩ chuyên khoa giải đáp cũng như quý khách hàng có nhu cầu khám và thực hiện xét nghiệm Pap tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc hoặc đăng ký trực tuyến TẠI ĐÂY.
Nguồn tham khảo: webmd.com