1. Tổng quan về nang vú
Nang vú là những túi chứa dịch lỏng trong vú, thường lành tính. Nang vú có hình tròn hoặc oval, di động nhiều, trơn láng, bờ giới hạn rõ, xuất hiện 1 hoặc nhiều nang ở 1 hoặc cả 2 bên vú. Nang vú thường hơi căng, hơi cứng, không cần điều trị nếu kích thước nhỏ và không gây đau đớn, khó chịu.
Nang vú gặp ở mọi lứa tuổi, phổ biến hơn ở phụ nữ 35 - 50 tuổi. Sự phát triển của nang vú được cho là kết quả của sự thay đổi Nội tiết tố nữ theo chu kỳ kinh nguyệt. Biểu hiện của người có nang vú là: Sờ thấy khối tròn, trơn láng ở vú; dịch tiết núm vú trong, vàng hoặc nâu sậm; vùng vú có nang thường hơi căng đau, lớn hơn khi ở thời kỳ kinh nguyệt; khi hết kinh khối nang vú thường nhỏ lại, không gây khó chịu.
Nang vú thường không làm tăng nguy cơ ung thư vú nhưng sẽ gây khó khăn hơn cho bác sĩ và bệnh nhân trong việc phát hiện những khối u mới ở trong vú. Nếu phát hiện có những khối u mới trong vú dù đã qua giai đoạn kinh nguyệt hoặc cảm thấy các khối nang vú đang to lên, có sự thay đổi thì bệnh nhân nên đi khám bác sĩ ngay.
2. Tìm hiểu phương pháp chọc hút nang vú dưới hướng dẫn của siêu âm
2.1 Chọc hút nang vú là gì?
Sau khi thăm khám, hỏi bệnh sử của người có nang vú, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân siêu âm hoặc chụp nhũ ảnh. Từ kết quả thu được, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện sinh thiết hoặc chọc hút kim nhỏ. Phương pháp siêu âm vú giúp bác sĩ phát hiện khối u là dịch lỏng hay đặc, nếu là dịch lỏng thì đó là biểu hiện của nang vú. Còn chọc hút bằng kim nhỏ sẽ giúp kiểm tra tế bào học của nang vú.
Khi thực hiện chọc hút nang vú, bác sĩ sẽ dùng 1 kim mảnh chọc vào nang vú và rút dịch ra dưới hướng dẫn của siêu âm để đảm bảo độ chính xác. Nếu dịch hút ra không có máu, khối u hoàn toàn biến mất sau hút dịch thì đây là nang vú, bệnh nhân không cần làm thêm xét nghiệm. Ngược lại, nếu dịch hút ra có máu và khối u không biến mất hoàn toàn thì bác sĩ sẽ gửi dịch hút đi xét nghiệm, Chẩn đoán hình ảnh và có phương hướng xử trí tiếp theo.
2.2 Quy trình chọc hút nang vú dưới hướng dẫn của siêu âm
Chuẩn bị
- Bệnh nhân hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục cần thiết;
- Người bệnh cởi bỏ đồ đang mặc và một số nữ trang nếu cần;
- Bệnh nhân thông báo cho bác sĩ về loại thuốc đang sử dụng, tình trạng Dị ứng (nếu có) đặc biệt là với thuốc gây tê. Nếu bệnh nhân có sử dụng thuốc chống đông máu thì cần ngưng thuốc trong vòng 3 ngày trước chọc hút;
- Người bệnh thông báo cho bác sĩ về tình hình sức khỏe gần đây.
Thực hiện
- Bệnh nhân nằm ngửa ngay ngắn hoặc hơi nghiêng về một bên tùy hướng dẫn của bác sĩ;
- Bác sĩ đặt đầu dò siêu âm lướt qua vùng thương tổn để thấy được tổn thương trên màn hình. Khi định vị được thương tổn, vùng da liên quan sẽ được sát trùng. Bác sĩ có thể Gây tê tại chỗ để giảm đau cho bệnh nhân;
- Bác sĩ rạch một vết rất nhỏ tại vị trí đâm kim;
- Bác sĩ quan sát vị trí tổn thương liên tục với đầu dò siêu âm, đâm kim qua da tới đúng vị trí nang vú. Sau đó, dùng kim hút dịch trong nang vú ra;
- Khi hoàn tất quá trình, đè lên vùng chọc kim để ngừa chảy máu và băng kín lại để che vết rạch da;
- Đưa mẫu bệnh phẩm thu được tới phòng Xét nghiệm để khảo sát dưới kính hiển vi.
2.3 Tai biến và cách xử trí
- Chảy máu: Tại vị trí chọc hút nang vú. Để tránh nguy cơ gặp phải tai biến này, bác sĩ cần băng ép chặt sau khi thực hiện xong thủ thuật, đồng thời kiểm tra siêu âm lại sau 1 giờ;
- Nhiễm trùng: Là biến chứng ít gặp. Biện pháp đề phòng là sát khuẩn cẩn thận trước khi thực hiện kỹ thuật. Đồng thời, có thể sử dụng kháng sinh dự phòng nếu cần thiết sau khi chọc hút;
- Da vú bị bầm nhẹ: Tình trạng này thường tự biến mất sau vài tuần;
- Hình thành tổ chức Sẹo cứng ở vị trí tổn thương: Tổn thương thường từ từ mất đi sau vài tháng tới 1 năm;
- Trường hợp tổn thương quá sâu sát thành ngực thì kỹ thuật chọc hút có thể gây tràn khí hoặc chảy máu màng phổi. Để xử trí, nếu nghi ngờ cần chụp X-quang ngực, siêu âm kiểm tra và đặt dẫn lưu màng phổi nếu có chỉ định;
- Sẹo: Thường ít để lại sẹo trên da ở vị trí chọc kim hoặc khó thấy. Sẹo sẽ mờ dần theo thời gian.
2.4 Ưu điểm của chọc hút nang vú dưới hướng dẫn siêu âm
Phương pháp chẩn đoán này sở hữu nhiều ưu điểm như:
- Siêu âm cho phép nhìn thấy vị trí kim bên trong tổn thương để bác sĩ đổi hướng kim hoặc đưa kim tới nhiều vùng khác nhau của nang vú, cho phép lấy mẫu bệnh phẩm nhiều và chính xác hơn;
- Chẩn đoán nhanh;
- An toàn, ít nguy cơ tai biến;
- Độ chính xác cao;
- Thực hiện đơn giản, có thể lặp lại xét nghiệm khi cần thiết;
- Trang thiết bị thực hiện kỹ thuật đơn giản;
- Chi phí xét nghiệm thấp.
Kỹ thuật chọc hút nang vú dưới hướng dẫn siêu âm thực hiện khá đơn giản và an toàn, ít tai biến. Tuy nhiên, người bệnh vẫn cần tuân thủ đúng theo mọi hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình thực hiện để quá trình thực hiện thủ thuật diễn ra nhanh chóng, chính xác.
3. Kỹ thuật diệt nang tuyến vú
Nang tuyến vú là tổn thương lành tính, thường không gây ảnh hưởng tới sức khỏe và cũng không tiến triển thành tổn thương ung thư. Do vậy thông thường, nang tuyến vú là tổn thương không cần điều trị. Tuy nhiên, trong những trường hợp nang tuyến vú to lên, gây đau, chảy máu hoặc nhiễm trùng trong nang, thì vấn đề điều trị cần phải đặt ra. Dưới hướng dẫn của siêu âm, dịch nang sẽ được hút ra gần như hoàn toàn, sau đó bác sĩ sẽ tiêm chất diệt nang (thường là cồn tuyệt đối) với thể tích khoảng 90%, đợi một thời gian rồi rút ra hoàn toàn. Bệnh nhân sẽ được theo dõi lại sau điều trị, phương pháp này an toàn và thường có tỷ lệ thành công trong khoảng 80% các trường hợp. Ngược lại với phương pháp hút dịch thông thường, tỷ lệ tái phát dịch của nang sau hút dịch thường là 80%.