1. Cột sống thắt lưng những bệnh thường gặp
Cột sống thắt lưng là cấu trúc trung tâm của cơ thể người, giữ vai trò chống đỡ sức nặng của toàn cơ thể. Theo khảo sát, có tới 80% dân số trên thế giới ít nhất 1 lần từng mắc các bệnh lý liên quan tới cột sống thắt lưng.
Một số bệnh lý thường gặp ở cột sống thắt lưng, gây triệu chứng đau gồm:
Thoái hóa cột sống thắt lưng do lão hóa hoặc từng bị Chấn thương do tai nạn, đặc thù nghề nghiệp, chơi thể thao,...;
- Thoát vị đĩa đệm;
- Lao cột sống;
- Viêm đốt sống;
- Ung thư.
Tình trạng đau vùng cột sống thắt lưng nếu nhẹ sẽ làm ảnh hưởng tới sinh hoạt hằng ngày của bệnh nhân, gây khó khăn khi đứng lên, ngồi xuống, xoay mình,... Nếu đau do Thoát vị đĩa đệm thì có thể gây đau dây thần kinh tọa, lâu dần dẫn tới teo cơ đùi và cẳng chân, rối loạn tiểu tiện, thậm chí để lại di chứng nặng nề như liệt.
Để phát hiện các bệnh lý ở vùng cột sống thắt lưng, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện chụp cắt lớp vi tính cột sống thắt lưng có tiêm thuốc cản quang.
2. Quy trình chụp cắt lớp vi tính cột sống thắt lưng
Chụp cắt lớp vi tính cột sống thắt lưng được chia làm 2 loại: Tiêm thuốc cản quang và không tiêm thuốc cản quang
2.1. Quy trình chụp cắt lớp vi tính cột sống thắt lưng có tiêm thuốc cản quang
Đây là kỹ thuật sử dụng máy chụp cắt lớp vi tính để tạo ảnh cột sống thắt lưng, giúp đánh giá các tổn thương của xương, đĩa đệm cũng như ống sống và các thành phần lân cận. Khi phối hợp với tiêm thuốc cản quang i ốt, đường tĩnh mạch Chụp CT cột sống thắt lưng giúp đánh giá các bệnh lý viêm, lao, khối u cột sống hoặc tổn thương mạch máu,...
2.1.1. Chỉ định và chống chỉ định
- Chỉ định: Các trường hợp nghi ngờ bệnh lý chấn thương, viêm, khối u xương và phần mềm cột sống thắt lưng; Những trường hợp nghi ngờ tổn thương mạch máu vùng cột sống thắt lưng như phình mạch, dị dạng động tĩnh mạch...
- Chống chỉ định: Kỹ thuật này không có chống chỉ định tuyệt đối. Tuy nhiên, chụp CT cột sống thắt lưng chống chỉ định tương đối với phụ nữ có thai, bệnh nhân suy thận hoặc người bị Dị ứng thuốc cản quang i ốt.
2.1.2. Chuẩn bị trước khi thực hiện
- Người thực hiện: Bác sĩ chuyên khoa, điều dưỡng và kỹ thuật viên điện quang;
- Vật tư y tế: Kim tiêm, bơm tiêm các cỡ, bơm tiêm cho máy bơm điện, khay, kẹp phẫu thuật, nước muối sinh lý hoặc nước cất, thuốc đối quang iod tan trong nước, dung dịch sát khuẩn da, găng tay, mũ, khẩu trang, bông, gạc, hộp thuốc và dụng cụ cấp cứu tai biến thuốc đối quang;
- Phương tiện kỹ thuật: Máy bơm điện chuyên dụng, máy chụp cắt lớp vi tính, phim, máy in phim và hệ thống lưu trữ hình ảnh;
- Bệnh nhân: Được giải thích rõ ràng về thủ thuật; cần nhịn ăn và uống trước 4 giờ thực hiện, có thể uống dưới 50ml nước; tháo bỏ vòng cổ, khuyên tai và các vật dụng bằng kim loại khác; có thể được cho dùng thuốc an thần nếu quá kích thích, không nằm yên;
- Phiếu xét nghiệm: Phiếu chỉ định chụp cắt lớp vi tính và hồ sơ bệnh án, các kết quả chẩn đoán hình ảnh khác nếu có.
2.1.3. Tiến hành kỹ thuật
- Tư thế bệnh nhân: Người bệnh cần nằm ngửa trong khung máy, vai hạ thấp tối đa và 2 tay đưa lên cao theo trục cơ thể. Bệnh nhân nhịn thở, không nuốt trong quá trình chụp CT;
- Chụp định khu toàn bộ cột sống thắt lưng ở 2 bình diện;
- Lấy hình định vị theo hướng bên, bắt đầu từ bờ trên D12 tới bờ dưới S1;
- Đặt chương trình chụp theo yêu cầu lâm sàng. Bác sĩ có thể sử dụng các lớp cắt theo hướng các đĩa đệm để đánh giá bệnh lý thoát vị đĩa đệm hoặc chụp toàn bộ cột sống thắt lưng và sử dụng các phần mềm xử lý ảnh sau chụp;
- Chọn ảnh chụp phim trên các cửa sổ xương và cửa sổ đĩa đệm;
- Chụp lại sau khi tiêm thuốc cản quang tĩnh mạch.
2.1.4. Đánh giá kết quả
- Đối chiếu hình ảnh trước và sau khi tiêm thuốc cản quang, nhận định các bệnh lý đi kèm; Có thể sử dụng kỹ thuật xóa nền để tái tạo ảnh mạch máu.
- Đánh giá những bất thường bẩm sinh của cột sống;
- Đánh giá tổn thương cung sau, tổn thương thân đốt (xẹp thân đốt, vỡ thân đốt, trượt thân đốt), tổn thương tường sau thân đốt, máu tụ do chấn thương, dấu hiệu thoát vị đĩa đệm, tổn thương phần mềm rãnh sống,...;
- Đánh giá tổn thương ở bệnh lý thoái hóa đốt sống như thoái hóa dây chằng, thoái hóa khối khớp bên, hẹp ống sống, Trượt đốt sống do thoái hóa,...
- Đánh giá mức độ ngấm thuốc cản quang của các tổn thương mô mềm quanh cột sống.
2.1.5. Nguy cơ tai biến và biện pháp xử trí
Có thể phải thực hiện lại kỹ thuật nếu xảy ra một số sai sót như người bệnh không giữ Bất động trong quá trình chụp CT, không bộc lộ rõ nét hình ảnh,...;
Các tai biến liên quan tới thuốc cản quang: Gồm phản ứng nhẹ, phản ứng vừa và phản ứng Sốc phản vệ nghiêm trọng. Tùy từng phản ứng sẽ có lựa chọn xử trí phù hợp theo phác đồ điều trị chuẩn.
Chụp cắt lớp vi tính cột sống thắt lưng có thể phải thực hiện lại nếu bệnh nhân không tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình thực hiện kỹ thuật. Do đó, để quá trình chụp CT diễn ra thuận lợi, không mất nhiều thời gian, bệnh nhân nên làm theo mọi chỉ dẫn của bác sĩ.
2.2. Kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính cột sống cổ có và không tiêm thuốc cản quang
2.2.1. Tư thế người bệnh
Ê-kíp hỗ trợ đặt người bệnh trong khung máy tư thế nằm ngửa, để vai hạ thấp tối đa, hai tay xuôi dọc theo cơ thể. Người bệnh cần nhịp thở và không nuốt trong quá trình chụp.
2.2.2. Các bước tiến hành
- Bác sĩ chụp định khu toàn bộ cột sống cổ. Lấy hình định vị theo hướng bên, bắt đầu từ khớp thái dương hàm cho tới bờ dưới D1.
- Tùy theo từng trường hợp bệnh cụ thể, bác sĩ sẽ đặt chương trình chụp phù hợp. Có thể sử dụng các lớp cắt theo hướng các đĩa đệm để đánh giá bệnh lý thoát vị đĩa đệm hoặc chụp toàn bộ cột sống cổ. Sau khi chụp, sử dụng các phần mềm để xử lý hình ảnh sau chụp. Thường chọn ảnh chụp phim trên các cửa sổ xương, cửa sổ đĩa đệm.
- Nếu có tiêm thuốc cản quang, chụp lại sau khi tiêm thuốc đối quang i-ốt. Hình ảnh thu được sẽ được dựng hình để bộc lộ bệnh lý.
2.2.3. Nhận định kết quả
- Các tổn thương thân đốt sống như vỡ thân đốt, trượt thân đốt, xẹp thân đốt sống, đặc biệt là hình ảnh di lệch tổn thương tường sau thân đốt vì nguy cơ Chèn ép tủy và rễ tủy rất cao. Các tổn thương cung sau, máu tụ do chấn thương, các dấu hiệu thoát vị đĩa đệm, những tổn thương phần mềm rãnh sống, vị trí các dị vật đối quang i-ốt.
- Các tổn thương trong bệnh lý thoái hóa đốt sống như: thoái hóa khối khớp bên, thoái hóa dây chằng, Trượt đốt sống do thoái hóa, hẹp ống sống. Đánh giá các bất thường bẩm sinh cột sống.
- Đối với chụp cắt lớp vi tính có tiêm thuốc đối quang, ngoài giúp đánh giá các bệnh lý nêu trên, việc đối chiếu ảnh trước và sau tiêm thuốc giúp nhận định các bệnh lý đi kèm.
2.2.4. Tai biến khi chụp cắt lớp vi tính cột sống cổ và xử trí
Sai sót về kỹ thuật thường gặp là do người bệnh không giữ Bất động trong quá trình chụp phim, làm hình ảnh thu được không rõ nét. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể chỉ định chụp lại.
Nếu có tiêm thuốc cản quang, người bệnh có thể gặp tai biến do thuốc cản quang. Ê-kíp thực hiện sẽ áp dụng quy trình chẩn đoán và xử lý tai biến thuốc cản quang để cấp cứu người bệnh.