Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Quy trình chụp cắt lớp vi tính khớp thường quy có tiêm thuốc cản quang

07/06/2021
Quy trình chụp cắt lớp vi tính khớp thường quy có tiêm thuốc cản quang

Chụp cắt lớp vi tính khớp thường quy có tiêm thuốc cản quang được sử dụng rộng rãi để đánh giá các bệnh lý ở khớp như viêm, thoái hóa, khối u,... Từ kết quả chụp CT khớp tiêm thuốc cản quang, bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán chính xác và đề nghị phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân.

1. Sơ lược về Chụp CT khớp thường quy có tiêm thuốc cản quang

Thuốc cản quang là loại thuốc được bác sĩ chỉ định đưa vào cơ thể bệnh nhân trước khi chụp CT nhằm thu được hình ảnh tốt hơn. Cụ thể, các thuốc này có thành phần i ốt, giúp làm sáng lên các cấu trúc hoặc nội tổn thương bắt được thuốc. Nhờ đó, bác sĩ sẽ phân biệt được, dễ dàng phân tích được các tổn thương hơn. Đồng thời, thuốc cản quang không giới hạn khu vực mô hoặc tổn thương cần kiểm tra nên sử dụng rất hiệu quả.

Chụp cắt lớp vi tính khớp thường quy có tiêm thuốc đối quang i ốt được thực hiện bởi các lớp cắt ngang bao phủ toàn bộ khớp và đầu các xương tạo nên khớp. Sau đó, kỹ thuật viên sẽ sử dụng các phần mềm chuyên dụng để tái tạo ảnh theo hướng đứng dọc, đứng ngang và ảnh 3D. Phương pháp này giúp đánh giá được các bệnh lý của khớp một cách hiệu quả.

2. Chỉ định và chống chỉ định chụp cắt lớp vi tính khớp có tiêm thuốc cản quang

2.1 Chỉ định chụp cắt lớp vi tính khớp có tiêm thuốc cản quang

  • Đánh giá các bất thường bẩm sinh của khớp;
  • Chẩn đoán Tình trạng viêm xương khớp, thoái hóa khớp;
  • Đánh giá tổn thương u xương khớp.

2.2 Chống chỉ định chụp cắt lớp vi tính khớp có tiêm thuốc cản quang

Cần xem xét chống chỉ định tiêm thuốc đối quang i ốt cho bệnh nhân suy thận, Dị ứng với thuốc đối quang i ốt hoặc phụ nữ mang thai.

Quy trình chụp cắt lớp vi tính khớp thường quy có tiêm thuốc cản quang - ảnh 1
Chỉ định chụp để chẩn đoán Tình trạng viêm xương khớp, thoái hóa khớp

3. Chuẩn bị trước khi thực hiện chụp cắt lớp vi tính khớp có tiêm thuốc cản quang

  • Nhân sự thực hiện: Kỹ thuật viên điện quang, bác sĩ chuyên khoa và điều dưỡng;
  • Phương tiện kỹ thuật: Gồm máy bơm điện chuyên dụng, máy chụp cắt lớp vi tính và phim, máy in phim, hệ thống lưu trữ hình ảnh;
  • Vật tư y tế: Gồm thuốc đối quang iod tan trong nước, bơm và kim tiêm các loại, dung dịch sát khuẩn da, dụng cụ phẫu thuật, hộp thuốc và dụng cụ cấp cứu tai biến thuốc đối quang;
  • Bệnh nhân: Được giải thích chi tiết về kỹ thuật; trao đổi với bác sĩ nếu bệnh nhân đang mắc các bệnh như hen suyễn, tiểu đường, suy giảm chức năng gan - thận hoặc có tiền sử Dị ứng thuốc đối quang; tháo bỏ các vật bằng kim loại trên cơ thể như dụng cụ nha khoa, khuyên tai, vòng cổ, kẹp tóc; nhịn ăn uống trước 4 giờ, có thể uống dưới 50ml nước; được dùng thuốc an thần nếu quá kích thích, không nằm yên;
  • Phiếu xét nghiệm: Có phiếu chỉ định chụp cắt lớp vi tính và các loại giấy tờ khác theo quy định.

4. Quy trình chụp cắt lớp vi tính khớp thường quy có tiêm thuốc cản quang

  • Thiết lập thông số máy chụp cắt lớp vi tính: Nhập dữ liệu thông tin của bệnh nhân; cắt theo chương trình vòng xoắn với độ dày lớp cắt 1,25 - 2,5mm; Kv 120, mÁ 150 - 250; tốc độ vòng quay bóng dưới 1s, FOV thay đổi tùy từng bệnh nhân
  • Tư thế bệnh nhân: Nằm ngửa. Tư thế chụp sẽ phụ thuộc vào vị trí khớp chụp CT
  • Thực hiện chụp CT: Cắt định hướng theo 2 mặt phẳng ngang với vùng thăm khám bao phủ toàn bộ khớp và đầu trên - đầu dưới các xương cấu tạo nên khớp. Tiếp theo, thực hiện các lớp cắt ngang theo chương trình đã chọn không tiêm thuốc cản quang i ốt. Sau đó, lặp lại các lớp cắt có tiêm thuốc cản quang i ốt tĩnh mạch với liều 1 - 1.5ml/kg, tốc độ 2 - 3ml/s;
  • Dựng ảnh: Sử dụng các phần mềm chuyên dụng để tái tạo ảnh xương chi theo các hướng, ưu tiên bộc lộ tại vị trí tổn thương; bộc lộ theo cửa sổ xương và phần mềm;
  • In phim theo cửa sổ xương hoặc cửa sổ mô mềm tùy chỉ định.

Lưu ý khi thực hiện chụp CT khớp tiêm thuốc cản quang:

  • Chụp CT cản quang không đau nên bệnh nhân cần thả lỏng tinh thần, tập trung thực hiện theo các hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
  • Cần giữ tư thế nằm yên tuyệt đối, không cử động, có thể phải nín thở trong một khoảng thời gian nếu bác sĩ có yêu cầu. Nguyên nhân vì việc hô hấp có thể gây chuyển động tại vùng ngực, làm nhiễu hình ảnh chụp CT.
  • Bệnh nhân sau chụp CT tiêm thuốc cản quang cần được theo dõi thêm khoảng 30 phút trước khi ăn uống hoặc hoạt động bình thường trở lại để đảm bảo không gặp các vấn đề bất thường do sử dụng thuốc.
  • Trong 24 giờ tiếp theo, người bệnh nên uống nhiều nước hơn bình thường để cơ thể đào thải hết thuốc cản quang ra ngoài theo đường bài tiết. Dù thuốc cản quang được tính toán để sử dụng với liều lượng hợp lý nhưng nếu nó không được bài tiết ra ngoài sớm thì có thể gây quá tải cho gan và thận, về lâu dài gây suy giảm chức năng các cơ quan này.
  • Nếu bệnh nhân có dấu hiệu nôn mửa nghiêm trọng hoặc bị mẩn ngứa, Sốt cao kèm khó thở sau khi chụp CT cản quang thì cần đến cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi, xử lý.
Quy trình chụp cắt lớp vi tính khớp thường quy có tiêm thuốc cản quang - ảnh 2
Quy trình chụp cắt lớp vi tính khớp thường quy có tiêm thuốc cản quang

5. Nhận định kết quả chụp cắt lớp vi tính khớp thường quy có tiêm thuốc cản quang

  • Hình ảnh hiển thị rõ các cấu trúc giải phẫu trong khu vực thăm khám
  • Có thể phát hiện được các tổn thương nếu có.

6. Tai biến và cách xử trí

  • Có thể xảy ra sai sót đòi hỏi phải thực hiện lại kỹ thuật nếu người bệnh không giữ Bất động trong quá trình chụp CT, không bộc lộ rõ nét hình ảnh chụp;
  • Tác dụng phụ liên quan tới thuốc đối quang: Cơ bản chỉ gây ra một số triệu chứng khó chịu và bất tiện cho bệnh nhân chứ không nguy hiểm. Thông thường người bệnh chỉ bị đỏ da, buồn nôn, Sốt nhẹ hoặc nổi mề đay, mẩn ngứa,... Tuy nhiên, có một số bệnh nhân bị Dị ứng với thuốc cản quang thì có thể gặp tai biến nghiêm trọng hơn và sau này sẽ không được chỉ định dùng loại thuốc này. Các tai biến liên quan tới thuốc đối quang sẽ được xử trí theo đúng phác đồ điều trị chuẩn.

Để không phải thực hiện lại kỹ thuật hoặc giảm bớt nguy cơ tai biến sau khi chụp CT khớp, bệnh nhân cần làm theo mọi hướng dẫn của bác sĩ, chia sẻ rõ ràng về tiền sử Dị ứng thuốc đối quang của mình,... Khi có những dấu hiệu bất thường người bệnh cần liên hệ ngay với bác sĩ để được hướng dẫn xử trí kịp thời.