1. Kỹ thuật nha khoa bọc răng sứ
1.1 Bọc sứ là gì?
Bọc răng sứ là một phương pháp hiện đại, giúp phục hình răng trong các trường hợp như răng sứt mẻ, răng thưa, hô hoặc móm nhẹ, răng nhiễm màu kháng sinh, Sâu răng, viêm tủy,...
Nha sĩ sẽ tiến hành tạo Cùi răng trụ ngay từ chính những chiếc răng thật bằng cách mài bớt lớp men răng theo một tỷ lệ thích hợp, sau đó sẽ lắp thân răng sứ bọc ra bên ngoài vừa để bảo vệ phần răng thật, vừa phục hình chiếc răng, tạo nên hàm răng mới đẹp hơn.
1.2 Mục đích của bọc răng sứ
Mục đích của bọc răng sứ nhằm phục hồi chức năng răng; đảm bảo kích thước Thẩm mỹ của răng; cải thiện màu răng.
Răng sứ không tồn tại mãi mãi mà nó có tuổi thọ nhất định, tuổi thọ của răng sứ phụ thuộc vào loại sứ cũng như quy trình, công Nghệ phục hình răng, tình trạng của răng thật như răng đã lấy tủy hay sống tủy, mô răng còn nhiều hay ít, khớp cắn như thế nào, răng còn nhiều hay ít.
1.3 Các loại bọc răng sứ
Hiện nay trên thị trường có hai loại sứ chính:
- Răng sứ kim loại (titan) có tuổi thọ từ 5 - 10 năm, nếu chăm sóc tốt có thể giữ được tới 15 năm
- Răng toàn sứ có thể tồn tại từ 15 - 20 năm, đây là răng sứ cao cấp nên có mức giá cao hơn so với răng sứ kim loại
1.4 Chi phí bọc răng sứ
Chi phí bọc răng sứ phụ thuộc vào loại sứ bạn lựa chọn và số răng bạn cần bọc sứ.
Phương pháp bọc răng sứ mang lại nhiều lợi ích như khắc phục được rất nhiều trường hợp gặp vấn đề về răng (răng sứt mẻ, răng thưa, hô hoặc móm nhẹ, răng nhiễm màu kháng sinh, răng sâu, viêm tủy, mòn men...), thời gian thực hiện tương đối ngắn, bọc sứ mang lại cho bệnh nhân một hàm răng khỏe đẹp, nụ cười tươi sáng, đảm bảo các chức năng ăn, nhai như răng thật.
Tuy nhiên, bọc răng sứ cũng có một số tác hại nhất định như khi bọc răng sứ, độ nhạy cảm của răng khi cảm nhận thức ăn sẽ giảm đi, răng dễ tổn thương hơn, nhất là khi ăn các đồ ăn cứng hoặc bị va đập, việc mài bớt chân răng để bọc sứ có thể ảnh hưởng đến tủy răng, khiến răng không còn khỏe như trước.
2. Kỹ thuật nha khoa trám răng
2.1 Trám răng là gì?
Trám răng hay hàn răng là một kỹ thuật nha khoa sử dụng vật liệu nhân tạo để bổ sung vào phần mô răng bị thiếu do răng bị sâu, sứt mẻ, răng thưa.
Trám răng giúp cải thiện chức năng nhai, đảm bảo yếu tố thẩm mỹ cho hàm răng. Để thực hiện việc trám răng, đầu tiên nha sĩ sẽ loại bỏ các chất liệu gây sâu răng, làm sạch vùng bị ảnh hưởng, sau đó sẽ dùng chất chuyên dụng lấp kín vùng khoảng trống, từ đó ngăn cản được sự xâm nhập của vi khuẩn lên bề mặt răng.
Phương pháp này có ưu điểm so với bọc sứ là không gây ảnh hưởng đến cấu trúc của răng cũng như hàm mặt, bởi không cần mài Cùi hay chụp răng.
2.2 Các loại trám răng
Hiện tại trên thị trường có 4 loại hình trám răng thẩm mỹ phổ biến, mỗi loại có những ưu, nhược điểm nhất định:
2.2.1 Trám răng vàng
Là trám răng sử dụng chất liệu vàng để làm chất làm đầy những vị trí lõm của răng. Vàng có thể chịu được lực nhai lớn, mang lại vẻ sang trọng và sẽ bị mài mòn chậm hơn so với những loại vật liệu khác. Tuy nhiên, đây là hình thức trám răng tốn kém nhất, đòi hỏi phải thực hiện nhiều lần, và rất dễ bị phát hiện.
2.2.2 Trám răng hỗn hợp bạc (amalgam)
Amalgam là hỗn hợp bao gồm bạc, thiếc, kẽm, đồng và thủy ngân (chiếm gần 50% hỗn hợp). Chất liệu này có khả năng chịu mài mòn, chịu lực tốt; thường được dùng để trám vùng răng trong hàm, nơi dùng lực mạnh và khó bị phát hiện.Đây là loại trám răng có giá thành thấp nhất trong số các vật liệu trám hiện tại. Tuy nhiên dễ bị phát hiện bởi màu sắc vùng trám tối hơn màu răng tự nhiên
2.2.3 Trám răng plastic tổng hợp composite
Đây là phương pháp trám răng thẩm mỹ hiệu quả cao và được nhiều người lựa chọn hiện nay, chất liệu có màu sắc tương tự với màu răng tự nhiên. Tuy nhiên nó thường chỉ thích hợp khi sử áp dụng với các lỗ sâu nhỏ bởi vật liệu này rất dễ mòn và bong bật, hơn nữa, còn rất dễ nhuốm màu của thực phẩm. Vì thế tuổi thọ của nó thấp hơn các loại vật liệu khác.
2.3.4 Trám răng sứ
Trám răng sứ có vật liệu sứ có màu gần giống răng tự nhiên, không bị nhuộm màu thực phẩm khi ăn uống nên có ưu điểm về thẩm mỹ, khả năng chống bám bẩn và ăn mòn tốt hơn so với vật liệu composite.
Loại chất liệu này có tuổi thọ cao hơn những chất liệu khác. Tuy nhiên, tương ứng với chất lượng như vậy thì giá của trám răng sứ thẩm mỹ cũng khá cao tương đương với trám răng vàng.
3. Sâu răng nên bọc sứ hay trám răng?
Trám răng và bọc sứ là những kỹ thuật nha khoa thường được áp dụng trong phục hình răng sâu. Việc lựa chọn phương pháp nào còn tùy thuộc vào mức độ sâu răng, chi phí mà bệnh nhân mong muốn.
3.1 Đối với trường hợp răng bị sâu nhẹ
Để khắc phục răng sâu, có thể lựa chọn phương pháp hàn trám răng vì chi phí giá trám răng thấp hơn so với bọc răng sứ.
Tuy nhiên, phương pháp này chỉ có thể khắc phục đối với những trường hợp răng sâu nhẹ, khoang sâu bé.
3.2 Đối với trường hợp răng bị sâu nặng
Với những răng đã bị sâu nặng, vết mẻ lớn thì phương pháp trám không mang lại hiệu quả cao vì miếng trám có thể bị bong tróc ra dưới tác động của lực nhai, vi khuẩn sâu răng có thể tấn công trở lại.
Do đó, với trường hợp sâu nặng, hoặc các răng sâu sau khi đã chữa tủy và trám lại, răng sẽ trở nên giòn, dễ bể nên các bác sĩ điều trị thường khuyên người bệnh nên bọc răng sứ để bảo vệ răng khỏi sự tấn công của vi khuẩn, nhiệt độ, ... đồng thời giúp kéo dài tuổi thọ của răng hơn rất nhiều so với phương pháp trám răng.