1. Đại cương về nuốt
Nuốt là một hoạt động chức năng quan trọng của con người để duy trì sự sống, đảm bảo Dinh dưỡng và phát triển của cơ thể. Cùng với sự phát triển của giải phẫu khoang miệng – hầu, họng và sự phát triển của Não bộ, trẻ sẽ dần làm quen và thích nghi dần với các loại cấu trúc thức ăn, nước uống, dụng cụ cho ăn khác nhau, đặc biệt trong 2 năm đầu đời.
Kĩ năng ăn uống của trẻ phát triển song song với các kĩ năng vận động thô, vận động tinh, ngôn ngữ và xã hội.
Ở một người bình thường, thức ăn đi theo một đường từ phía trước ra sau khoang miệng, qua vùng hầu họng và vào thực quản nhờ vào sự toàn vẹn và phối hợp hoạt động một cách thích hợp của hệ thống thần kinh, cơ, xương vùng miệng, lưỡi, hầu, họng
Nuốt được chia làm 3 giai đoạn chính: giai đoạn miệng, giai đoạn hầu và giai đoạn thực quản
- Giai đoạn miệng: là giai đoạn xử lý thức ăn thành viên thức ăn nhờ vào hoạt động của răng, lưỡi và các cơ vùng miệng, nước bọt. Thời gian xử lý thức ăn ở giai đoạn này kéo dài từ 5-30s ở người bình thường. Sau đó viên thức ăn, nước uống sẽ được đầy xuống vùng hầu họng để trải qua giai đoạn 2 của nuốt
- Giai đoạn hầu: là giai đoạn viên thức ăn từ miệng qua hầu để xuống thực quản. Ở giai đoạn này, quan trọng nhất là hoạt động của khẩu cái mềm, các cơ khít hầu, sụn phễu, sụn thanh thiệt... để giúp viên thức ăn và nước uống đi đúng hướng, không bị ngược lên mũi hoặc rơi vào khí quản gây sặc.
- Giai đoạn thực quản: Viên thức ăn đi xuống thực quản nhờ sóng nhu động chi phối bởi Thần kinh tự động. Trọng lực góp phần làm thức ăn di chuyển dễ dàng hơn, do vậy nên ăn uống ở tư thế ngồi thẳng.
2. Rối loạn nuốt ở trẻ bại não
2.1. Đại cương
Rối loạn nuốt là khó khăn trong bất kì giai đoạn nào của quá trình nuốt. Rối loạn nuốt có thể do các khiếm khuyết về mặt cấu trúc hoặc chức năng của khoang miệng, hầu, thanh quản, thực quản, ví dụ như bệnh lý khe hở vòm miệng, thiểu sản hàm, các bệnh lý thần kinh – cơ...
Đối với trẻ bại não, rối loạn nuốt thường xảy ra ở cả 2 giai đoạn của quá trình nuốt là giai đoạn miệng và giai đoạn hầu. Một số trẻ có tình trạng tăng trương lực cơ làm sự co bóp của thực quản cũng gặp rối loạn.
2.2. Nguyên nhân gây rối loạn nuốt ở trẻ bại não
Do tổn thương hệ thống thần kinh trung ương và các dây thần kinh sọ, rối loạn vận động như thay đổi trương lực cơ, yếu cơ, rối loạn khả năng điều hợp vận động... có thể xảy ra ở các nhóm cơ chi phối động của hàm, má, môi, lưỡi, khẩu cái, hầu.
Các vấn đề về miệng và hầu họng thường gặp ở trẻ bại não là việc khép môi không kín, giảm chức năng vận động lưỡi, rối loạn vị trí lưỡi, phản xạ nhai quá mức, rối loạn cảm giác xúc giác, nuốt chậm, vận động vùng hầu họng, chảy dãi...khiến trẻ gặp khó khăn trong việc kiểm soát nước bọt, nhai, nuốt và nói.
Ngoài ra, các khiếm khuyết về nhận thức, giác quan, hành vi, cấu trúc giải phẫu kèm theo cũng làm ảnh hưởng đến quá trình nuốt ở trẻ bại não.
Tư thế cho ăn cũng là một yếu tố quan trọng làm ảnh hưởng đến quá trình nuốt hoặc tạo điều kiện để rối loạn nuốt nặng thêm
2.3. Một số khó khăn thường gặp trong ăn uống ở trẻ bại não
- Rối loạn khả năng định hướng thức ăn:
Do rối Loạn thị giác, thính giác, nhận thức
Rối loạn khả năng kiểm soát đầu cổ, thân mình
Chán ăn
- Rối loạn khả năng nhận thức ăn:
Do rối loạn vận động của vùng miệng, hàm làm trẻ không lấy được hết thức ăn trên thìa, làm thức ăn rơi, vãi, cắn miếng quá to hoặc quá nhỏ, không kiểm soát được lượng nước vào miệng...
- Rối loạn khả năng giữ thức ăn trong khoang miệng:
Do rối loạn kiểm soát vận động vùng môi miệng, lưỡi và vùng tỵ hầu, khiến thức ăn có thể rơi vãi trong khi nhai, nuốt, hoặc trào ngược lên mũi, hoặc tạo viên thức ăn có cấu trúc không tốt
- Rối loạn khả năng nhai và vận chuyển thức ăn trong khoang miệng
Do rối loạn vận động vùng hàm, lưỡi, má, làm cấu tạo viên thức ăn không tốt, thức ăn chưa được xử lý kỹ, tồn đọng thức ăn trong khoang miệng khi nuốt..
- Rối loạn khả năng nuốt: do rối loạn vận động lưỡi, các cơ vùng miệng, hầu, khả năng phối hợp nuốt và thở, đóng thanh quản...làm trẻ không thể kiểm soát được thức ăn, nước uống qua vùng hầu họng, hít sặc, trào ngược thức ăn lên mũi, tồn đọng thức ăn vùng hầu
- Rối loạn hoạt động của thực quản, dạ dày: làm tồn đọng thức ăn, hoặc trào ngược dạ dày – thực quản.