Động mạch là các mạch máu giúp luân chuyển lượng máu giàu oxy đi khắp cơ thể, máu được đưa Não đến các đầu ngón chân. Động mạch tốt sẽ có thành bên trong trơn láng và máu có thể chảy qua chúng một cách dễ dàng. Tuy vậy, ở một số người, động mạch của họ bị tắc nghẽn. Động mạch bị tắc nghẽn bởi sự tích tụ thành mảng của các chất gọi là xơ vữa bên trong thành động mạch. Các mảng Xơ vữa động mạch này làm cản trở dòng máu lưu thông hoặc, trong một vài trường hợp, làm tắc nghẽn động mạch.
Xơ vữa động mạch sẽ làm gia tăng đáng kể khả năng bị đau tim, đột quỵ và cả tử vong. Vì thế, bất kể bạn bao nhiêu tuổi, việc nhận thức được mối nguy hiểm gây ra bởi các mảng Xơ vữa động mạch và việc có chiến lược điều trị để tránh khỏi hậu quả nghiêm trọng là cực kì cấp thiết.
1. Điều gì gây ra các mảng xơ vữa động mạch?
Các mảng xơ vữa dồn lại ở thành bên trong động mạch được hình thành từ đa dạng các chất lưu thông trong máu. Các chất này gồm có canxi, chất béo, cholesterol, chất thải tế bào, tơ huyết (một dạng vật chất có liên quan đến sự đông máu). Để phản ứng với sự tích tụ mảng xơ vữa, các tế bào trong thành động mạch sẽ nhân bản và tiết ra thêm các chất làm cho sự tắc nghẽn động mạch trở nên tệ hơn.
Các mảng bám lắng đọng lại ở thành trong động mạch gây ra bệnh xơ vữa động mạch. Bệnh này khiến các động mạch bị thu hẹp lại và xơ cứng.
Mặc dù các chuyên gia không biết chính xác rằng điều gì là căn nguyên của bệnh xơ vữa động mạch. Quá trình này có thể bắt nguồn từ sự tổn hại của nội mạc động mạch, tạo điều kiện cho các mảng bám lắng đọng, có thể bắt nguồn từ:
Việc cơ thể chứa nhiều cholesterol xấu và ít cholesterol tốt. Nồng độ cholesterol xấu cao, hoặc lipoprotein tỷ trọng thấp - LDL, là các tác nhân chính góp phần hình thành xơ vữa động mạch. Tuy nhiên điều này không nói lên tất cả, chúng ta cũng có cholesterol tốt, hay lipoprotein tỉ trọng cao, lưu thông trong máu. Lipoprotein tỷ trọng cao HDL được cho là làm loại bỏ các cholesterol xấu khỏi các mảng bám xơ vữa trong động mạch và đưa chúng về gan, nơi chúng bị loại bỏ.
- Cao huyết áp; Áp suất máu cao sẽ làm gia tăng tỷ lệ tích tụ các mảng xơ vữa động mạch. Điều này cũng làm thúc đẩy việc làm cứng các mảng bám bên trong động mạch.
- Hút thuốc lá; Hút thuốc được coi là nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ xơ vữa động mạch ở động Mạch vành tim, chân, và động mạch chủ (động mạch chính và lớn nhất trên cơ thể người).
- Tiểu đường, hoặc tăng đường huyết, cũng là một trong những thủ phạm chính. Kể cả những người mới chỉ bị Tăng đường huyết nhưng chưa mắc tiểu đường, như hội chứng chuyển hóa, cũng có nguy cơ mắc xơ vữa động mạch.
- Các nguyên nhân khác gồm có tiền sử bệnh trong gia đình, căng thẳng, lối sống ít vận động và béo phì. Việc biết được tiền sử bệnh trong gia đình là điều cực kỳ quan trọng.
- Các mảng xơ vữa thường bắt đầu hình thành từ tuổi nhỏ hoặc thiếu niên. Sau đó sự tắc nghẽn động mạnh phát triển từ độ tuổi trung niên hoặc trễ hơn.
2. Xơ vữa động mạch và tắc nghẽn động mạch có những mối nguy hiểm gì?
Điều này tùy thuộc vào vị trí mà mảng xơ vữa động mạch bồi tụ. Tắc nghẽn động mạch ở nhiều bộ phận trên cơ thể có thể dẫn đến việc mắc cùng một lúc nhiều bệnh lý, gồm có:
- Bệnh động mạch vành; Các mảng xơ vữa tích tụ tại niêm mạc động mạch đưa máu đến tim, điều này gây ra bệnh động mạch vành, hoặc bệnh tim. Bệnh động Mạch vành gây đau ngực và khó thở. Đau tim là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở Hoa Kỳ.
- Bệnh động mạch cảnh; Động mạch cảnh là động mạch đi hướng lên theo hai bên cổ. Chúng giúp cung cấp oxy đến Não bộ. Sự tích tụ xơ vữa ở động mạch cảnh có thể gây ra đột quỵ.
- Bệnh động mạch ngoại biên; Nếu các mảng xơ vữa tích tụ trong các mạch dẫn máu đến chân, thì chúng sẽ làm giảm lượng oxy được vận chuyển. Dòng chảy của máu bị suy giảm khiến người bệnh bị đau, tê liệt, hoặc nhiễm trùng nghiêm trọng ở chân và bàn chân.
3. Bệnh tắc nghẽn động mạch có gây ra bất kỳ triệu chứng nào không?
Trong nhiều trường hợp, tắc nghẽn động mạch không hề gây ra bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi có biến cố lớn xuất hiện, chẳng hạn như một cơn đau tim hoặc đột quỵ.
Ở các trường hợp khác, đặc biệt là khi động mạch bị tắc nghẽn khoảng 70% hoặc hơn, sự tích tụ của xơ vữa động mạch có thể gây ra các triệu chứng gồm:
- Đau ngực
- Khó thở
- Tim đập nhanh
- Cơ thể suy nhược hoặc choáng váng
- Buồn nôn
- Đổ mồ hôi
Triệu chứng đầu tiên, đau ngực, còn được gọi là đau thắt ngực. Gây ra bởi việc dòng máu đến tim suy giảm do các mảng xơ vữa bám ở các động mạch vành tim.
Bệnh tắc nghẽn động mạch ở động mạch cảnh có thể gây ra các triệu chứng tiền đột quỵ được biết đến như là những cơn thiếu máu não thoáng qua (TIAs). TIAs có thể gây ra các triệu chứng sau:
- Cảm giác suy nhược và tê bì ở một phần cơ thể.
- Không thể di chuyển một cánh tay hay chân
- Mất thị lực một bên
- Chức năng ngôn ngữ suy giảm
Bệnh tắc nghẽn động mạch ở động mạch ngoại biên sẽ gây ra:
- Đau chân
- Việc các vết thương ở bàn chân trở nên lâu lành
- Bàn chân lạnh
- Hoại thư
4. Có bất kỳ xét nghiệm nào để chẩn đoán bệnh tắc nghẽn động mạch hay không?
Câu trả lời là có, có một vài loại hình xét nghiệm đối với bệnh tắc nghẽn động mạch. Bác sĩ sẽ quyết định xét nghiệm nào phù hợp dựa trên các triệu chứng và tiền sử bệnh lý của người bệnh. Các xét nghiệm có thể gồm:
- Xét nghiệm cholesterol máu
- Chụp X quang ngực
- Quét CT (chụp cắt lớp vi tính)
- Siêu âm
- Siêu âm tim và Siêu âm tim gắng sức
- Chụp cộng hưởng từ hoặc chụp positron cắt lớp
- Chụp mạch máu
5. Bệnh tắc nghẽn động mạch và xơ vữa động mạch có thể được điều trị như thế nào?
Có nhiều lựa chọn phòng ngừa và điều trị cho bệnh tắc nghẽn động mạch. Cách thức để làm giảm mảng xơ vữa và ngăn tắc mạch máu mà bác sĩ chỉ định sẽ tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và tiền sử bệnh lý của người bệnh. Bác sĩ có thể chỉ định một hoặc nhiều loại dưới đây:
5.1. Những thay đổi trong lối sống
Một lối sống lành mạnh là rất cần thiết cho việc kiểm soát xơ vữa động mạch và tiến trình điều trị tắc nghẽn động mạch.
Gồm có:
- Chế độ ăn có lượng chất béo bão hòa và cholesterol thấp, với ít đường và carb đơn giản, giàu trái cây và rau củ
- Duy trì một cân nặng khỏe mạnh
- Không hút thuốc
- Tập thể dục thường xuyên
- Kiểm soát căng thẳng
- Giữ cho huyết áp và cholesterol ở mức vừa phải
- Giữ cho lượng đường huyết ở mức vừa phải
5.2. Phẫu thuật hoặc các phương thức can thiệp.
Ở nhiều trường hợp, bệnh nhân sẽ phải cần đến biện pháp phẫu thuật để điều trị nghẽn mạch máu và ngăn chặn sự bồi tụ thêm của các mảng xơ vữa. Các phương thức can thiệp có thể bao gồm:
- Đặt stent. Một ống nhỏ gọi là stent, có thể chứa thuốc, được đặt vào động mạch để duy trì dòng máu một cách đầy đủ. Một ống thông tim được sử dụng xuyên động mạch chân để nối với tim, một ống stent sẽ được đặt vào vị trí thông qua ống Thông tim tới nơi có hiện tượng tắc nghẽn.
- Phẫu thuật bắc cầu động mạch. Trong kiểu phẫu thuật này, các động mạch từ các phần khác của cơ thể được cắt để bắc cầu tới các động mạch bị tắc nghẽn và giúp đưa lượng máu giàu oxy đến các nơi chỉ định.
- Tạo hình mạch bằng bong bóng. Phương thức này giúp thông rộng các động mạch bị tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ bằng một thiết bị khiến các mảng xơ vữa bị đẩy nén đến thành mạch.
5.3. Sử dụng các loại thuốc.
Nhiều loại thuốc có thể giúp kiểm soát các yếu tố đóng góp vào sự tích tụ các mảng xơ vữa động mạch. Các thuốc này bao gồm:
- Các thuốc hạ cholesterol máu
- Các thuốc hạ huyết áp
- Thuốc aspirin hoặc các thuốc chống hình thành huyết khối khác, giúp làm giảm khả năng hình thành của các cục máu động nguy hiểm
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị tại Bệnh viện.
Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.
Nguồn tham khảo: webmd.com