Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Tại sao đau dạ dày bùng phát vào mùa thu đông?

27/05/2021
Tại sao đau dạ dày bùng phát vào mùa thu đông?

Đau dạ dày là dấu hiệu chung cho một nhóm các tình trạng có ảnh hưởng gây ra viêm niêm mạc dạ dày. Điều này sẽ xảy ra khi có sự mất cân bằng giữa các yếu tố bảo vệ dạ dày và tổn thương dạ dày. Trong đó, thời tiết lạnh khô vào mùa thu đông sẽ càng làm các cơn đau dạ dày sẽ trở nên nặng nề hơn. Biết được lý do tại sao đau dạ dày vào mùa thu đông và các cách phòng chống sẽ giúp chúng ta bảo vệ sức khỏe khi thời tiết thay đổi vào cuối năm.

1. Đau dạ dày là gì?

Đau dạ dày là biểu hiện của Tình trạng viêm dạ dày một cách phổ biến nhất. Đây là một bệnh lý tiến triển có liên quan đến một số loại nhiễm trùng, gây kích ứng trực tiếp hoặc tổn thương mô cục bộ. Đau dạ dày có thể là cấp tính hoặc mãn tính, tương ứng Viêm dạ dày mới khởi phát hay kéo dài đã lâu.

Các yếu tố được cho thường có ảnh hưởng tới bệnh dạ dày là dùng thuốc không steroid, bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, trào ngược dịch mật từ ruột non, rối loạn Tự miễn dịch hay uống quá nhiều rượu. Ngoài ra, cũng có những yếu tố khác có thể góp phần gây ra sự kích thích tại dạ dày, bao gồm căng thẳng, hút thuốc và ăn một số loại thực phẩm chua, cay, nóng.

Ngoài cảm giác đau, người bệnh có thể Than phiền về triệu chứng khó tiêu, đầy hơi, căng tức ở vùng bụng trên và cảm thấy buồn nôn, nôn ói. Lúc này, việc điều trị là cần thiết, tái cấu trúc lại các yếu tố bảo vệ dạ dày. Trong trường hợp không được điều trị, Viêm dạ dày có thể trở nên nặng nề hơn vào mùa thu đông hay dẫn đến Loét dạ dày và chảy máu dạ dày.

Hơn nữa, một số dạng viêm dạ dày mãn tính có thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày, đặc biệt là nếu người bệnh bị mỏng niêm mạc dạ dày và thay đổi các tế bào của lớp lót.

2. Tại sao hay đau dạ dày vào mùa thu đông?

Hệ thống tiêu hóa có thể là một nguồn gây bệnh đáng kể trong mùa thu đông, do các nguyên nhân liệt kệ sau đây:

Suy giảm các yếu tố bảo vệ dạ dày

Khi trời lạnh hay khi có sự thay đổi nhiệt độ đột ngột sẽ làm gia tăng lượng histamin trong máu. Đây là một chất hóa học gây kích thích khiến dạ dày bài tiết nhiều axit trong khi làm mỏng đi lớp nhầy bảo vệ ở sát niêm mạc dạ dày. Chính sự mất cân bằng này sẽ gây ra các cơn đau dạ dày, nhất là ở những người có tiền sử bệnh thì nguy cơ trào ngược dạ dày tái phát sẽ rất cao.

Giảm khả năng miễn dịch

Vì khả năng miễn dịch giảm khi nhiệt độ lạnh, cơ thể dễ mắc các bệnh Truyền nhiễm thông thường. Trên đường tiêu hóa, bệnh có các triệu chứng điển hình như đau dạ dày, tiêu chảy và nôn ói.

Ăn quá nhanh, ăn quá no

Mùa lạnh là điều kiện khiến cơ thể cần bổ sung nhiều năng lượng để giữ ấm, chống lại cái rét. Đó là lý do khiến mọi người thường có cảm giác nhanh đói và ăn nhanh, quá no. Tình trạng này khiến dạ dày chưa kịp thích nghi khi phải làm việc nặng nề để chuyển hóa thức ăn thành năng lượng, từ đó có thể dẫn đến đau dạ dày.

Ăn nhiều thực phẩm nóng, có vị cay

Tại sao đau dạ dày bùng phát vào mùa thu đông? - ảnh 1
Thực phẩm cay nóng gây kích ứng mạnh tới dạ dày, làm tăng các triệu chứng của bệnh

Mùa thu đông là lúc mọi người thường rất thích tiêu thụ rượu bia, các đồ ăn cay, nóng, hút thuốc lá, dùng chất kích thích... Đây là những tác nhân gây kích ứng mạnh tới dạ dày, làm tăng các triệu chứng của bệnh.

Ăn khuya

Mọi người có khuynh hướng ăn nhiều vào buổi tối, ăn khuya trước khi đi ngủ nhằm cung cấp nhiều năng lượng giữ ấm trong đêm. Tuy nhiên, điều này lại gây ra gánh nặng cho dạ dày, khiến giấc ngủ trở nên khó khăn. Hậu quả của việc khó ngủ, ngủ không ngon lại càng gây mệt mỏi, căng thẳng, Lo âu cũng là nguyên nhân dẫn đến đau dạ dày.

Ăn thực phẩm lạnh

Ngược lại với sở thích ăn nhiều thực phẩm nóng, cay vào trời lạnh, một số người chọn ăn thực phẩm ít chế biến. Lúc này, thực phẩm lạnh dễ làm kích thích tăng tiết dịch dạ dày, đặc biệt là vào bữa sáng. Vì hầu hết các cơ quan vẫn còn trong trạng thái ngủ, ăn thực phẩm lạnh có thể dẫn đến co thắt và lưu thông máu kém trong hệ thống tiêu hóa, dẫn đến chứng khó tiêu và niêm mạc dạ dày dễ bị tổn thương.

Ít vận động cơ thể

Thời tiết lạnh khiến cơ thể trì trệ, lãng quên các hoạt động tập luyện thể dục thể thao. Chính điều này làm vòng tuần hoàn kém lưu thông, lưu lượng máu tới hệ tiêu hóa nói chung và dạ dày nói riêng gặp hạn chế. Chức năng co bóp và tiêu thụ thức ăn của dạ dày không còn được đảm bảo và xuất hiện ra các cơn đau dạ dày.

Uống ít nước

Khi trời lạnh, lượng nước mất do bay hơi giảm. Vì cảm giác khát không còn, mọi người có thói quen ít uống nước. Tuy nhiên, nhu cầu nước trong cơ thể là không đổi. Giảm lượng nước uống vào cũng khiến hoạt động ở dạ dày gặp khó khăn.

Rối loạn tâm lý

Vào mùa thu đông, khi thời tiết chuyển trời, không ít người bị thay đổi tâm lý. Họ rất dễ cảm thấy buồn chán và suy nghĩ tiêu cực, bi quan. Chính những căng thẳng này càng kích thích bài tiết axit tại dạ dày, dễ gây khởi phát hay làm trào ngược dạ dày tái phát.

Tại sao đau dạ dày bùng phát vào mùa thu đông? - ảnh 2
Sự căng thẳng dễ gây khởi phát hoặc làm trào ngược dạ dày tái phát

3. Làm cách nào để phòng chống đau dạ dày vào mùa thu đông?

Cách thức đơn giản nhất để phòng chống đau dạ dày vào mùa thu đông là hiểu biết các nguyên nhân kể trên và tránh mắc phải. Theo đó, mọi người cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng, ăn uống và nhịp độ sinh hoạt trong những ngày trời lạnh không quá khác biệt so với những mùa khác trong năm. Điều này sẽ giúp cho chức năng tiêu hóa và hấp thụ thức ăn ở dạ dày được ổn định.

Đồng thời, để đảm bảo sức khỏe dạ dày trong mùa thu đông, cần tham khảo các lời khuyên sau đây:

  • Ăn đủ cữ, đúng bữa. Có ăn lượng ít và chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày.
  • Chọn thực phẩm ấm hoặc tương đối nóng, để có thể giúp kích thích lưu thông máu.
  • Không dùng thực phẩm sống hay chưa nấu chín.
  • Hạn chế ăn các thức ăn có tính kích thích cao như quá nóng, cay, chua. Không sử dụng quá nhiều rượu bia, thuốc lá hay chất kích thích.
  • Uống đủ nước.
  • Duy trì thói quen vận động cơ thể, tăng sức đề kháng.
  • Xây dựng tinh thần tích cực, suy nghĩ lạc quan.
  • Chủ động dùng các thuốc kháng axit để ngăn chặn tái phát các cơn đau dạ dày.
Tại sao đau dạ dày bùng phát vào mùa thu đông? - ảnh 3
Uống đủ nước mỗi ngày để giúp dạ dày hoạt động tốt hơn

Tóm lại, viêm dạ dày là một bệnh lý cấp tính hay mạn tính, có thể xảy ra các cơn đau dạ dày hay trào ngược dạ dày tái phát khi có các yếu tố kích thích. Trong đó, thay đổi thời tiết vào mùa thu đông cũng là một yếu tố mọi bệnh nhân đau dạ dày cần biết và thực hiện các biện pháp phòng tránh để giảm các cơn đau dạ dày thường xảy ra cuối năm.