Mục lục:

Làm sao để phát hiện bệnh giang mai kín

Trong số các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, giang mai được đánh giá là bệnh nguy hiểm và có khả năng đe dọa đến tính mạng người bệnh. Trong diễn tiến phát triển giang mai, có một giai đoạn tiềm ẩn rất khó phát hiện gây nhiều khó khăn cho việc phát hiện và điều trị bệnh.
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1. Giang mai là gì?

Giang mai là bệnh nhiễm khuẩn do xoắn trùng Treponema Pallidum gây ra. Loại xoắn trùng này có sức phát triển chậm rãi nhưng dai dẳng và khó điều trị. Chúng xâm nhập trực tiếp vào máu rồi dần lan rộng đến khắp các cơ quan trong cơ thể.

Bệnh giang mai có 3 đường lây lan chính là qua quan hệ tình dục, truyền máu và Giang mai bẩm sinh do mẹ truyền sang con.

Bệnh giang mai thường có thời gian ủ bệnh từ 3-4 tuần, chia ra làm 2 giai đoạn: Giang mai sớm và giang mai muộn.

  • Giang mai sớm: Bao gồm thời kỳ I, II và giang mai kín sớm
  • Giang mai muộn: Bao gồm giang mai kín muộn, giang mai thời kỳ III và giang mai Thần kinh và tim mạch.

Đặc điểm của giang mai ẩn là xen kẽ giữa các thời kỳ. Bệnh có các thời kỳ không biểu hiện triệu chứng cụ thể nhưng vẫn có khả năng lây cho người khác, đặc biệt là lây từ mẹ sang thai Nhi gây nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng.

2. Quá trình phát triển bệnh giang mai

2.1 Giang mai kín - sớm

Khoảng từ 2 - 6 tháng sau khi xuất hiện các thương tổn, các thương tổn sẽ biến mất và bước vào giai đoạn giang mai kín sớm. Thời kỳ này không có biểu hiện lâm sàng nhưng vẫn có thể lây cho người khác. Bệnh chỉ được phát hiện nếu xét nghiệm thấy Huyết thanh dương tính. Ước tính khoảng 25% bệnh nhân không được điều trị sẽ thấy tái xuất hiện các thương tổn của thời kỳ I hoặc II ở nơi Sẹo cũ vào cuối năm thứ 2 hoặc dấu hiệu phì đại xung quanh hậu môn.

Làm sao để phát hiện bệnh giang mai kín - ảnh 1
Giang mai kín thường không có biểu hiện cụ thể nên rất dễ lây qua đường quan hệ tình dục
2.1.1 Giang mai thời kỳ I

Có thời gian ủ bệnh khoảng 3-4 tuần hoặc lâu hơn và dần xuất hiện các tổn thương gọi là săng giang mai. Săng giang mai là tổng hợp các vết trợt nông không đau, không ngứa, đỏ và thường ở vùng cơ quan sinh dục. Thường ở các vết này sẽ có hạch kèm theo, tuy rắn nhưng không đau, di động và không mưng mủ. Sau một thời gian dù không điều trị vết trợt cũng mất đi nhưng thực ra bệnh đã lan ra toàn thân.

2.1.2 Giang mai thời kỳ II

Sau khi xuất hiện săng khoảng 6-8 tuần và tiến triển trong 2 năm là thời kỳ xoắn khuẩn lan ra toàn thân và gây tổn thương ở da, niêm mạc của người bệnh. Các triệu chứng thể hiện toàn thân như đào ban giang mai, sẩn giang mai, bộ phận sinh dục phì đại, sưng hạch....người bệnh có thể cảm thấy mệt mỏi, đau nhức xương khớp, rụng tóc..

2.2 Giang mai kín - muộn

Đến thời kỳ này người bệnh sẽ ít lây sang người lành bệnh khi tiếp xúc. Nhiều người tưởng là đã khỏi nhưng vẫn có khả năng lây lan cho thai nhi (từ mẹ sang con) gây sảy thai, Sinh non hoặc thành chứng giang mai bẩm sinh. Giang mai kín - muộn có thể kéo dài nhiều năm, thậm chí suốt đời mà không thể hiện triệu chứng gì đặc biệt. Tuy nhiên, 1/3 số bệnh nhân này từ năm thứ 3 trở đi sẽ thấy các triệu chứng của giang mai thời kỳ III.

Giang mai thời kỳ III thường xuất hiện từ năm thứ 3 và tiến triển đến hàng chục năm. Xoắn khuẩn có thể gây thương tổn ở trên bề mặt da, ở tổ chức dưới da (củ giang mai, gôm giang mai), ở cơ xương khớp, tim mạch, thần kinh người bệnh (còn gọi là giang mai thần kinh, giang mai tim mạch)

3. Làm sao để phát hiện giang mai kín?

Giang mai kín thường không thể hiện nhiều biểu hiện lâm sàng của bệnh giang mai, gây khó khăn cho việc nhận biết và điều trị. Tuy nhiên người bệnh vẫn có thể thực hiện một số xét nghiệm sau để chẩn đoán khả năng mắc bệnh giang mai:

3.1. Xét nghiệm phản ứng sàng lọc RPR

Sàng lọc RPR hiện đang là phương pháp xét nghiệm tối ưu dành cho những người bệnh mắc giang mai kín. Nguyên lý của phương pháp sàng lọc RPR được lý giải như sau: Khi bị mắc bệnh giang mai, cơ thể người bệnh sẽ sản sinh ra kháng thể nhằm chống lại sự sinh sôi và phát triển của xoắn khuẩn Treponema Pallidum. Do vậy, chỉ cần kiểm tra kháng thể giang mai có trong cơ thể hay không là có thể biết được nguy cơ mắc bệnh của bạn. Nếu RPR dương tính tức là bạn đã bị nhiễm bệnh giang mai và ngược lại. Tuy nhiên, trong một số trường hợp giai đoạn đầu và cuối của bệnh cũng có thể cho kết quả PRP âm tính giả. Hoặc nếu bệnh nhân bị ung thư, Suy giảm miễn dịch hoặc một vài bệnh nhiễm trùng tương tự khác thì cũng có thể cho kết quả dương tính giả.

Làm sao để phát hiện bệnh giang mai kín - ảnh 2
Bệnh giang mai kín rất khó chẩn đoán nên bệnh nhân cần thực hiện nhiều xét nghiệm

3.2. Xét nghiệm kháng thể FTA - ABS

Xét nghiệm kháng thể FTA - ABS có cơ chế tương tự như RPR với mục đích kiểm tra kháng thể giang mai trong cơ thể. Tuy nhiên xét nghiệm FTA - ABS lấy được mẫu xét nghiệm từ cả máu và dịch Não tủy. Nhờ vậy mà kết quả xét nghiệm được cụ thể và chi tiết hơn, không những nhận biết được bệnh giang mai mà còn phân biệt được với các nhiễm trùng khác trong cơ thể.

Phương pháp xét nghiệm này được đánh giá là tương đối phức tạp nên cần được áp dụng tại các cơ sở, trung tâm y tế có chất lượng tốt, uy tín mới có thể mang lại hiệu quả thực sự.

3.3. Xét nghiệm TPPA

Xét nghiệm TPPA được thực hiện chủ yếu trên tủy sống của bệnh nhân. Để thực hiện xét nghiệm, các bác sĩ chuyên khoa sẽ lấy một phần rất nhỏ tế bào tủy sống của người bệnh và thử với thuốc thử chuyên dụng có chứa các hạt gelatin với huyết thanh của bệnh nhân. Nếu các hạt gelatin tụ lại thành các khối Huyết thanh thì có nghĩa là người được xét nghiệm đã bị mắc giang mai. Ngược lại, nếu không có sự kết tụ thì có thể khẳng định kết quả âm tính với giang mai.

Lưu ý: Để nhận biết và chẩn đoán giang mai kín một cách chính xác nhất, người bệnh không nên chỉ thực hiện 1 xét nghiệm bởi luôn có một tỷ lệ nhỏ thất bại trong đó. Ngược lại hãy cố gắng tiến hành đầy đủ các xét nghiệm theo chỉ dẫn của các bác sĩ chuyên khoa để mang lại kết quả đánh giá tốt nhất.

Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung