1. Tổng quan về bệnh Rubella
Rubella, hay còn có tên khác là Sởi Đức, là một bệnh Truyền nhiễm thành dịch do virus ARN rubella, họ Togaviridae gây nên. Theo dịch tễ học, bệnh xảy ra ở khắp nơi trên thế giới, cao điểm vào mùa đông hoặc xuân, nhưng cũng có thể xuất hiện rải rác quanh năm.
Bệnh lây truyền từ người bệnh mang virus sang người khỏe mạnh qua đường hô hấp hoặc từ mẹ sang thai nhi, trong thời gian từ trước và sau 1 tuần phát ban. Con người là ổ chứa mầm bệnh duy nhất và những ai chưa có miễn dịch đều có thể bị mắc rubella. Ngược lại, người sau khi mắc bệnh sẽ có miễn dịch bền vững.
Biểu hiện của bệnh Rubella thường gặp bao gồm sốt, phát ban, nổi hạch,... nhưng vẫn có khoảng 20 - 50 % người nhiễm virus không có triệu chứng. Mặc dù bệnh thường diễn biến lành tính, song vẫn có nguy cơ dẫn tới một vài biến chứng như viêm Não và/hoặc màng não, xuất huyết giảm tiểu cầu...
2. Rubella ở phụ nữ có thai
Phụ nữ đang Mang thai mắc rubella cũng có biểu hiện lâm sàng tương tự với người bình thường nhiễm căn bệnh này. Đối với sản phụ nhiễm rubella, điều đáng quan tâm nhất chính là những dị tật của thai nhi trong bụng mẹ do bé bị rubella bẩm sinh.
2.1. Tỷ lệ bé bị rubella bẩm sinh
Nguy cơ lây truyền từ người mẹ nhiễm rubella sang thai nhi là rất cao, đặc biệt là trong những tháng đầu của thai kỳ. Tỷ lệ bé bị rubella bẩm sinh theo thời gian của thai kỳ cụ thể như sau:
- Tháng đầu tiên: Từ 81 - 90%;
- Tháng thứ hai: Từ 60 - 70%;
- Tháng thứ ba: Từ 35 - 50%;
- Thai được 13 - 16 tuần: 17%;
- Thai được 17 - 20 tuần: 5%;
- Sau tuần thai thứ 20, tỷ lệ giảm dần xuống còn 0 - 5%.
Như vậy có thể thấy, nhiễm rubella ở phụ nữ trong 3 tháng đầu của thai kỳ dẫn đến nguy cơ bé bị rubella bẩm sinh là rất cao. Các số liệu thống kê cũng cho thấy có đến 25% trẻ gặp các dị tật là hậu quả của hội chứng rubella bẩm sinh.
2.2. Xử trí rubella ở phụ nữ có thai
Không thể tiêm chủng vắc-xin ngừa bệnh rubella ở phụ nữ đang có thai. Vì vậy, nếu chưa tiêm phòng trước khi Mang thai thì việc chẩn đoán nhiễm rubella ở thai phụ giữ vai trò rất quan trọng. Các bước thăm khám và theo dõi có liên quan tới quyết định đình chỉ hoặc giữ thai, cụ thể:
- Phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu mắc rubella: Tư vấn đình chỉ thai nghén khi đã có chẩn đoán xác định.
- Khi thai kỳ từ 13 - 18 tuần nhiễm rubella: Tư vấn nguy cơ bé bị rubella bẩm sinh, kết hợp Chọc ối để xét nghiệm chẩn đoán xác định. Nếu tìm thấy rubella trong nước ối thì tư vấn đình chỉ thai; ngược lại, trường hợp âm tính sẽ tiếp tục theo dõi.
- Thai phụ trên 18 tuần bệnh rubella: Ít nguy cơ bé bị rubella bẩm sinh, nhưng vẫn cần theo dõi thai kỳ chặt chẽ.
Đặc biệt, phụ nữ nhiễm rubella trong 18 tuần đầu thai kỳ cũng rất dễ bị sảy thai, Thai chết lưu trong tử cung hoặc sinh non. Nếu tiếp tục kéo dài được thai kỳ thì trẻ cũng không thể phát triển khỏe mạnh, thường thiếu cân, chậm lớn, hay đau yếu bệnh tật và trí tuệ kém. Chính vì vậy, thai phụ cần đến các cơ sở y tế tin cậy hoặc bệnh viện chuyên khoa uy tín để làm đầy đủ các xét nghiệm cần thiết, nhằm đảm bảo an toàn cho cả hai mẹ con.
3. Hội chứng rubella bẩm sinh
3.1. Hội chứng rubella bẩm sinh là gì?
Hội chứng rubella bẩm sinh được chẩn đoán xác định ở trẻ sơ sinh:
- Vừa chào đời đã có ban hoặc xuất hiện trong vòng 48 giờ sau sinh;
- Bệnh nhi có gan to, lách to, và vàng da...;
- Khai thác mẹ có tiền sử nhiễm rubella khi mang thai;
- Xét nghiệm kháng thể trong máu cuống rốn tìm thấy cả IgG và IgM dương tính với rubella.
Dựa vào các dị dạng thai nhi, hội chứng rubella bẩm sinh cũng được phân thành 2 nhóm A và B. Hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu, do đó bé bị rubella bẩm sinh chỉ được tập trung xử trí những biến chứng của bệnh gây ra. Hội chứng rubella bẩm sinh có thể lây truyền virus trong vòng 1 năm hoặc lâu hơn.
3.2. Phòng ngừa nguy cơ
Mẹ đang mang thai nhưng chưa chủng ngừa rubella và tiếp xúc với người bệnh chính là những yếu tố nguy cơ khiến trẻ mắc hội chứng rubella bẩm sinh. Hơn thế nữa, tỷ lệ bé bị rubella bẩm sinh cũng giảm đáng kể từ khi có vắc xin phòng ngừa. Một số nước phát triển gần như đã loại trừ được bệnh rubella nhờ chương trình tiêm chủng cho trẻ em và phụ nữ đang ở tuổi sinh sản (15 - 40 tuổi).
Chính vì vậy, tiêm chủng vắc xin cho những đối tượng chưa có miễn dịch với virus là biện pháp phòng ngừa bệnh rubella và hội chứng rubella bẩm sinh đơn giản mà hiệu quả. Cần lưu ý sau khi tiêm phòng vắc xin tiền sản ít nhất 3 tháng phụ nữ mới nên có thai.
Ngoài ra, miễn dịch của mẹ truyền cho con có thể bảo vệ trẻ trong vòng 6 đến 9 tháng sau khi sinh. Do đó, cần tiêm vắc xin rubella cho trẻ từ lúc 12 tháng tuổi hoặc sớm hơn khi có dịch.