Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Tán sỏi ngoài cơ thể - Những điều cần biết

20/07/2021
Tán sỏi ngoài cơ thể - Những điều cần biết

Tán sỏi ngoài cơ thể là phương pháp điều trị sỏi tiết niệu phổ biến tại các cơ sở y tế. Tuy nhiên, người bệnh cần được tư vấn đầy đủ về phương pháp này để cân nhắc khi lựa chọn thủ thuật điều trị sỏi tiết niệu.

1. Sỏi tiết niệu là gì?

Sỏi tiết niệu là một bệnh lý phổ biến nhất và thường gặp ở nam hơn so với nữ. Theo tổng kết của Hội Tiết niệu - Thận học Việt Nam cho thấy tỷ lệ sỏi tiết niệu chiếm 30 - 40% số bệnh nhân có bệnh lý về tiết niệu. Sỏi tiết niệu rất đa dạng, bao gồm sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang và một số trường hợp có cả sỏi niệu đạo, trong đó, Sỏi thận và niệu quản chiếm khoảng 70% trường hợp.

2. Tán sỏi ngoài cơ thể là gì?

Tán sỏi ngoài cơ thể là phương pháp sử dụng sóng xung kích hội tụ tập trung vào viên sỏi để phá vỡ cấu trúc sỏi. Khi được tán sỏi, bệnh nhân không hề bị bất kỳ một can thiệp nào khác vào cơ thể. Trong khoảng thời gian 7-15 ngày, các mảnh sỏi vụn sẽ tự thoát ra qua niệu quản, xuống bàng quang và theo đường tiểu ra ngoài. Nguyên lý chính là dùng sóng chấn động từ ngoài cơ thể tập trung vào một tiêu điểm với một áp lực cao làm vỡ hoặc làm vụn sỏi thành bụi nhỏ, sau đó bài tiết ra ngoài.

3. Quy trình thực hiện tán sỏi ngoài cơ thể

  • Bệnh nhân nằm trên máy tán sỏi, bác sĩ tiến hành tiền mê giảm đau. Phần lưng tương ứng với vị trí của sỏi được đặt tiếp xúc với bóng của nguồn phát sóng xung kích.
  • Với định vị của X Quang, bác sĩ điều khiển sóng xung kích hội tụ chính xác vào viên sỏi và phát xung để tán sỏi. Trung bình mỗi liệu trình điều trị thường sử dụng không quá 3.000 nhịp sóng xung kích để bảo đảm an toàn tối đa cho nhu mô thận nhưng đồng thời tán vỡ được sỏi. Trong quá trình tán, sỏi luôn di động theo nhịp thở, do vậy nếu không giữ được nhịp thở sâu và đều thì số lần sóng xung kích không trúng vào sỏi sẽ tăng lên kéo theo hiệu quả vỡ sỏi giảm đi.

Hiệu quả tán sỏi phụ thuộc vào công suất máy và độ rắn của viên sỏi. Nhìn chung, bác sĩ sử dụng công suất tán sỏi thấp hay cao phụ thuộc vào độ rắn của sỏi dựa theo thông số về độ cứng của sỏi trên Xquang hoặc diễn biến về sự vỡ của sỏi trong quá trình tán. Ngoài ra, hiệu quả tán sỏi còn phụ thuộc theo vị trí của sỏi: sỏi đài thận, bể thận thường dễ tán vỡ hơn so với sỏi niệu quản. Khoảng cách từ da đến viên sỏi (bệnh nhân béo hay gầy) cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả vỡ sỏi.

Sau tán sỏi, bệnh nhân có thể đau nhẹ vùng lưng và đái máu thoáng qua, thường không cần phải dùng thuốc. Bệnh nhân cần uống khoảng 2-3 lít nước mỗi ngày để giúp cho quá trình đào thải mảnh sỏi qua nước tiểu. Việc đánh giá hiệu quả tán sỏi chỉ thực sự rõ ràng qua phim chụp kiểm tra sau 1 tháng. Nếu có Sốt hoặc Cơn đau quặn thận hay các biểu hiện bất thường khác cần được khám chuyên khoa tiết niệu ngay.

Tán sỏi ngoài cơ thể - Những điều cần biết - ảnh 1
Nội soi tán sỏi ngoài cơ thể