1. Tìm hiểu về phương pháp chụp X quang tuyến vú
Phương pháp chụp X quang tuyến vú còn được gọi là chụp nhũ ảnh là một trong những kỹ thuật Chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn được sử dụng khá phổ biến trong chẩn đoán bệnh lý tuyến vú. Kỹ thuật chụp X quang tuyến vú sử dụng chùm tia X có cường độ thấp để chiếu vào các mô tuyến vú và thu lại hình ảnh tại tuyến vú.
Chụp X quang tuyến vú giúp phát hiện các bất thường hoặc khối u vú ở giai đoạn sớm ngay cả khi bệnh nhân chưa sờ và cảm nhận thấy. Đối với bệnh nhân ung thư vú thì kết quả chụp X quang tuyến vú rất có ý nghĩa vì càng phát hiện sớm, cơ hội điều trị bệnh thành công càng cao và trong đa số trường hợp có thể phẫu thuật bảo tồn tuyến vú cho người bệnh.
2. Chụp X-quang tuyến vú vì sao lại quan trọng?
Chụp X-quang vú là sử dụng tia X năng lượng thấp để ghi hình cấu trúc tuyến vú. Đây là phương tiện đầu tay được sử dụng để sàng lọc phát hiện sớm ung thư vú - loại ung thư phổ biến thứ 2 trên thế giới ở giai đoạn sớm. Phương pháp này phát hiện những thay đổi bất thường ở vú, ngay cả khi bệnh nhân không sờ thấy khối hay không phát hiện được bất kỳ triệu chứng lâm sàng nào. Chụp X-quang tuyến vú hàng năm là biện pháp bảo vệ sức khoẻ tuyến vú, phát hiện sớm ung thư vú để từ đó làm tăng khả năng chữa khỏi và có những phương pháp điều trị để bảo tồn vú.
Vì liều tia sử dụng trong chụp X-quang vú thấp (khoảng 0.4mSv), nhỏ hơn nhiều so với chụp X-quang tim phổi, do vậy sự lo lắng do hấp thụ tia X là không cần thiết khi cân nhắc tới lợi ích của phương pháp này.
3. Quy trình chụp X quang tuyến vú
Người bệnh trước khi tiến hành chụp X quang tuyến vú sẽ được bác sĩ giải thích về các tư thế chụp X quang tuyến vú và cảm giác đau nhẹ khi chụp (vú bị ép giữa 2 mặt phẳng).
Quy trình chụp X quang tuyến vú:
- Bước 1: Người bệnh cởi bỏ đồ trang sức và đồ lót, quá trình chụp X quang tuyến vú chỉ mặc áo choàng của bệnh viện.
- Bước 2: Người bệnh đặt một bên vú lên một mặt phẳng, sau đó sẽ có một tấm plastic phẳng đè lên bên trên để ép chặt vú giữa hai mặt phẳng này. Làm như vậy để có hình ảnh rõ nét về mô tuyến vú. Bên vú còn lại thực hiện tương tự.
- Bước 3: Bác sĩ sẽ đọc kết quả và phân tích tình trạng bệnh (nếu có).
4. Ai nên chụp X quang tuyến vú?
Theo lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa thì bất kỳ phụ nữ trẻ tuổi nào cũng nên có thói quen tự khám vú tại nhà và thực hiện tầm soát ung thư vú định kỳ để có thể phát hiện sớm ung thư vú. Đặc biệt, những đối tượng sau nên chụp X quang tuyến vú định kỳ gồm:
- Phụ nữ từ 40 tuổi trở lên: Theo nghiên cứu thì phụ nữ ở độ tuổi 40 và 50 sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư vú, nếu chụp X quang tuyến vú định kỳ sẽ giảm được 30% nguy cơ tử vong do phát hiện bệnh sớm và điều trị hiệu quả.
- Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao: Phụ nữ béo phì, gia đình có người bị ung thư vú, tiểu đường,....
- Người có tuyến vú dày và nhiều mỡ, khi siêu âm và khám lâm sàng không phát hiện được các tổn thương nhỏ hoặc siêu âm không phát hiện được tổn thương rõ ràng.
- Có triệu chứng đau hay bất đối xứng của 2 vú, bất thường về màu da, chảy dịch ở đầu vú, quầng vú, kích thước giữa 2 vú khác nhau...
5. Chỉ định chụp x-quang tuyến vú khi nào?
Các bác sĩ sẽ chỉ định chụp Xquang tuyến vú trong trường hợp:
- Để khẳng định một chẩn đoán lâm sàng đã xác định: Chỉ định này đặc biệt có ý nghĩa khi chẩn đoán lâm sàng xác định là ung thư nhưng chẩn đoán tế bào học lại âm tính.
- Để hỗ trợ cho các trường hợp chẩn đoán lâm sàng có khó khăn hoặc còn nghi ngờ, do dự.
- Để chẩn đoán loại trừ các trường hợp bệnh nhân ung thư vú không triệu chứng như khi các bệnh nhân có hoặc chỉ có các triệu chứng mơ hồ ở vú mà thấy thuốc vẫn cảnh giác và bệnh nhân vẫn lo ngại.
- Giúp cho Sinh thiết vú được chính xác hơn.
- Đánh giá hiệu quả của phương pháp điều trị bảo tồn vì có thể thường xuyên cung cấp thông tin có giá trị trong quá trình theo dõi, giúp cho việc đánh giá chính xác các phác đồ điều trị.
- Đây là phương pháp giúp cho việc theo dõi lâu dài: rất hữu ích để theo dõi tổn thương không được phẫu thuật hoặc theo dõi định kỳ vú bên kia trong trường hợp đã cắt bỏ một vú.
- Tầm soát ung thư vú nhanh, không xâm lấn và ít tốn kém
Mặc dù cho kết quả nhanh nhưng kết quả chụp X-quang tuyến vú nếu bất thường cũng không có nghĩa là bệnh nhân bị ung thư vú. Để có thể kết luận ung thư vú thì người bệnh cần thực hiện thêm chọc hút kim nhỏ hay làm sinh thiết, Xét nghiệm máu, siêu âm, chụp CT, chụp MRI... trước khi đưa ra phác đồ điều trị.