Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Ung thư vú bộ ba âm tính và những thông tin cần nắm rõ

22/04/2021
Ung thư vú bộ ba âm tính và những thông tin cần nắm rõ

Ung thư vú bộ ba âm tính chiếm khoảng 15% của tất cả các trường hợp bị ung thư vú và là loại ung thư vú xâm lấn. Ung thư vú bộ ba âm tính có thể xâm lấn và có ít giải pháp điều trị so với các loại khác của ung thư vú, cho nên việc phát hiện ra ung thư ở giai đoạn sớm rất quan trọng.

1. Ung thư vú bộ ba âm tính là gì?

Ung thư vú bộ ba âm tính là Xét nghiệm âm tính đối với ba thụ thể: estrogen, Progesterone và thụ thể yếu tố tăng trưởng biểu bì 2 (HER2). Đây cũng là dạng ung thư vú ít phổ biến nhất và khó điều trị nhất.

Để hiểu ung thư vú bộ ba âm tính, ta cần biết về các bệnh ung thư vú xét nghiệm dương tính với một hoặc nhiều thụ thể được đề cập ở trên. Đó là:

  • Dương tính với thụ thể estrogen.
  • Dương tính với thụ thể progesterone.
  • Dương tính với thụ thể HER2.

Ung thư vú dương tính với thụ thể Progesterone Estrogen là phổ biến nhất. Progesterone và Estrogen là hai hormone giới tính chính ở phụ nữ.

Có những liệu pháp Nội tiết để điều trị và ngăn ngừa tái phát cho những người phát triển một trong những loại này. Trên thực tế, nhiều bệnh ung thư vú đều dương tính với estrogen và progesterone. Nếu một liệu pháp hormone không hoạt động thì liệu pháp khác thường sẽ cho kết quả tích cực.

Ung thư vú dương tính với thụ thể HER2 ít phổ biến hơn. Khoảng 20% ​​ung thư vú dương tính với HER2. HER2 là tên của gen và tên của protein mà nó tạo ra để kích thích tăng trưởng.

Các tế bào ung thư vú dương tính với HER2 có rất nhiều thụ thể HER2 trên bề mặt. Giống như ung thư vú do thụ thể hormone gây ra, các lựa chọn trị liệu khác nhau nhắm vào thụ thể HER2 có thể giúp điều trị loại ung thư này.

2. Các yếu tố nguy cơ của ung thư vú bộ ba âm tính

Các nhà nghiên cứu đã xác định các yếu tố nguy cơ sau đây để phát triển ung thư vú bộ ba âm tính so với các loại khác.

  • Béo phì và không hoạt động nhiều:

Các nghiên cứu cho thấy những người mắc bệnh Béo phì và có chỉ số khối cơ thể (BMI) cao hơn có nguy cơ mắc ung thư vú bộ ba âm tính cao hơn. Nhóm này bao gồm những người không hoạt động nhiều.

  • Di truyền học:

Một nghiên cứu năm 2018 trên tạp chí của Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ đã xác định được một số gen có nguy cơ cao với ung thư vú bộ ba âm tính.

Đặc biệt, khoảng 70% bệnh ung thư vú ở những người có đột biến gen BRCA là bộ ba âm tính.

Nếu bác sĩ biết một người có tiền sử gia đình mắc ung thư vú, điều này sẽ giúp họ xác định liệu người đó có tăng nguy cơ phát triển ung thư vú trong tương lai hay không.

  • Tuổi tác:

Những người dưới 50 tuổi có nguy cơ mắc ung thư vú bộ ba âm tính cao hơn.

  • Tôn giáo:

Phụ nữ Mỹ gốc Phi và gốc Tây Ban Nha dễ bị ung thư vú bộ ba âm tính.

  • Mang thai:

Một nghiên cứu nhỏ từ năm 2015 cho thấy phụ nữ đã từng Mang thai mắc ung thư vú có nhiều khả năng bộ ba âm tính hơn so với những phụ nữ chưa từng mang thai.

Các tác giả giải thích rằng điều này có thể do mô hình gen ở những phụ nữ trước đây đã có con. Tuy nhiên, cỡ mẫu của nghiên cứu này rất nhỏ.

3. Chẩn đoán ung thư vú bộ ba âm tính như thế nào?

Sinh thiết có thể giúp bác sĩ chẩn đoán ung thư vú bộ ba âm tính.

Chẩn đoán ung thư vú bộ ba âm tính bắt đầu với phát hiện vết sưng nhỏ, cứng trên hoặc gần vú.

Khi phát hiện sự tăng trưởng, bác sĩ sẽ lấy các mẫu mô. Thủ thuật này được gọi là sinh thiết. Trong nhiều trường hợp, bác sĩ sẽ trích xuất mô từ khối u nghi ngờ bằng cách sử dụng kim. Sau đó, họ sẽ gửi mẫu đến phòng thí nghiệm để xét nghiệm thêm.

Sau đó các nhân viên phòng thí nghiệm sẽ gửi lại một báo cáo bệnh lý cho bác sĩ về chi tiết loại tế bào trong khối u. Ở một số người là lành tính, nghĩa là không có tế bào ung thư. Tuy nhiên, ở một số người Thì là ung thư.

Báo cáo bệnh lý cũng sẽ làm nổi bật loại ung thư vú. Một người có xét nghiệm ung thư âm tính với thụ thể estrogen, progesterone và HER2 sẽ được chẩn đoán ung thư vú bộ ba âm tính.

Sau đó, bác sĩ sẽ chẩn đoán giai đoạn cho bệnh ung thư dựa trên kết quả sinh thiết và bất kỳ lần chụp tiếp theo nào. Họ tính toán giai đoạn dựa trên kích thước khối u và sự lây lan của ung thư nếu có.

Ung thư vú giai đoạn 0 thì chưa lan ra từ vị trí ban đầu trong vú. Nó vẫn bị giới hạn trong các ống dẫn hoặc tiểu thùy và được coi là không xâm lấn. Ở giai đoạn 1-3, ung thư xâm lấn và đã lan vào mô vú. Giai đoạn càng cao, khối u ban đầu càng lớn hoặc ung thư càng lan rộng. Lưu ý rằng ung thư không lan ra ngoài vú và các hạch bạch huyết ở các giai đoạn này.

Ở giai đoạn 4 ung thư đã lan đến các cơ quan và mô ngoài vú, hay gặp nhất là gan, phổi, xương hoặc não.

4. Điều trị ung thư vú bộ ba âm tính

Có ít lựa chọn điều trị ung thư vú bộ ba âm tính hơn các loại ung thư vú khác.

Điều trị hormone không hiệu quả cho ung thư vú bộ ba âm tính, vì thiếu các thụ thể estrogen và progesterone.

Tuy nhiên, hiện vẫn có một số phương pháp điều trị khác và các nhà nghiên cứu đang tìm kiếm một số thuốc bổ sung để giúp điều trị và phòng ngừa loại ung thư ác tính này.

Hiện nay, các lựa chọn điều trị ung thư vú bộ ba âm tính bao gồm:

  • Phẫu thuật:

Các lựa chọn phẫu thuật bao gồm cắt một phần (lấy u) hoặc cắt bỏ hoàn toàn (cắt bỏ vú) một hoặc cả hai vú.

Việc lựa chọn loại phẫu thuật nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như kích thước khối u, tiền sử gia đình đột biến gen và mong muốn cá nhân.

  • Xạ trị:

Xạ trị là một lựa chọn điều trị tiềm năng khác cho những người bị ung thư vú bộ ba âm tính. Tia xạ sẽ tiêu diệt các tế bào ung thư để ngăn chặn sự phát triển và lan rộng của chúng.

  • Hóa trị:

Một nghiên cứu năm 2015 cho thấy rằng hóa trị là lựa chọn điều trị hiệu quả nhất cho bệnh ung thư vú bộ ba âm tính.

Trong quá trình hóa trị, người bệnh nhận được sự phối hợp của các loại thuốc tiêu diệt tế bào ung thư vú.

Bệnh nhân nên nói với bác sĩ để lên kế hoạch điều trị phù hợp nhất về các bước để điều trị ung thư, các biện pháp tự chăm sóc và làm gì trong trường hợp ung thư không đáp ứng với điều trị hoặc bắt đầu lan rộng.

Một phần quan trọng trong kế hoạch điều trị là hoạt động thể chất và chế độ ăn uống lành mạnh. Các tác dụng phụ của điều trị ung thư có thể khó quản lý, vì vậy việc duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và nghỉ ngơi sẽ giúp cải thiện các tác dụng phụ này.

5. Triển vọng đối với bệnh nhân ung thư vú bộ ba âm tính

Các nhà nghiên cứu mô Tả kỳ vọng về tỷ lệ sống còn 5 năm của bệnh ung thư. Tiên lượng cho ung thư vú bộ ba âm tính xấu hơn so với các loại ung thư khác. Tiên lượng tổng thể phụ thuộc vào giai đoạn ung thư khi chẩn đoán.

Một nghiên cứu hồi cứu năm 2018 ở những phụ nữ bị ung thư vú ở giai đoạn 1- 3 cho thấy tỷ lệ sống còn toàn bộ 5 năm của loại ung thư vú này là 62,1% và tỷ lệ sống còn không bệnh tại thời điểm 5 năm là 57,5%.

Sống còn không bệnh nghĩa là ung thư không quay trở lại trong vòng 5 năm. Ung thư mà các bác sĩ chẩn đoán ở giai đoạn 3 có tiên lượng xấu hơn so với những người mà họ chẩn đoán ở giai đoạn 1-2.

Tuy nhiên, sự sống còn và tiên lượng khác nhau ở mỗi người. Nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến triển vọng một người sau khi điều trị, bao gồm:

  • Thời điểm họ phát hiện ra ung thư và bắt đầu điều trị.
  • Giai đoạn ung thư và liệu nó có lan sang các mô và cơ quan khác hay không.
  • Ung thư đáp ứng với điều trị như thế nào.

6. Ung thư vú bộ ba âm tính có di truyền hay không ?

Cả nam và nữ đều có gien BRCA1 và BRCA2, để giúp ngăn ngừa việc phát triển ung thư. Trong trường hợp các gien này bị đột biến, bệnh nhân sẽ có nguy cơ cao hơn phát triển một số loại ung thư. Một đột biến BRCA1 được biết làm tăng nguy cơ của các ung thư vú bộ ba âm tính. Tiếp theo chẩn đoán ung thư vú bộ ba âm tính ở phụ nữ trẻ, tư vấn di truyền và xét nghiệm có thể được cân nhắc để đánh giá xem liệu rằng đột biến BRCA1 có ảnh hưởng đến sự phát triển của ung thư.