1. Ưu điểm của Nội soi tiêu hóa qua đường mũi
Nội soi đường tiêu hóa trên qua đường mũi (Tên tiếng Anh là Transnasal endoscopy và viết tắt là TNE) được sử dụng rộng rãi tại Nhật Bản trong 5 năm qua và ngày càng được sử dụng nhiều ở châu Âu và Bắc Mỹ do có nhiều ưu điểm hơn so với Nội soi đường tiêu hóa qua đường miệng, gồm:
- Người bệnh cảm thấy thoải mái hơn. Nội soi đường tiêu hóa trên qua đường mũi hầu như không đau và có thể được thực hiện mà không cần dùng thuốc an thần. Kỹ thuật này thân thiện với bệnh nhân hơn nhiều so với nội soi dạ dày thông thường do không gây ra bất kỳ phản xạ hầu họng nào khiến người bệnh buồn nôn, khó chịu. Vì vậy, kỹ thuật này phù hợp cho những người bệnh có vấn đề về nuốt hoặc người không thể gây mê. Trong quá trình thực hiện, thậm chí người bệnh có thể nói chuyện với bác sĩ trong khi ống nội soi vẫn còn ở trong mũi.
- Người bệnh không cần dùng thuốc an thần hoặc chăm sóc sau nội soi. Nội soi đường tiêu hóa trên qua đường mũi không cần dùng thuốc an thần. Do đó, bác sĩ hoặc điều dưỡng chuyên ngành không cần gây mê tiêu hóa để theo dõi người bệnh. Người bệnh cũng có thể rời khỏi phòng thủ thuật hoặc phòng khám/bệnh viện ngay khi nội soi kết thúc. Bệnh nhân không phải yêu cầu ở lại lâu sau khi hoàn thành kiểm tra, vì không có nguy cơ hít phải thuốc xịt họng Gây tê như phương pháp nội soi truyền thống (kéo dài khoảng 30 phút đến một giờ). Từ đó, giảm chi phí theo dõi, chăm sóc và các dịch vụ khác nếu người bệnh ở trong viện.
Nội soi dạ dày có đau không - Xem ngay để biết
2. Khi nào người bệnh cần nội soi đường tiêu hóa qua đường mũi?
Bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh thực hiện nội soi dạ dày bằng đường mũi hay nội soi ruột non bằng đường mũi nếu người bệnh có các triệu chứng như:
- Đau bụng trên
- Khó nuốt
- Khó tiêu
- Nôn
- Chảy máu
- Ợ nóng
- Theo dõi các bệnh lý đường tiêu hóa mãn tính hoặc các bệnh lý đường tiêu hóa được chẩn đoán trước đó, như loét hoặc bệnh thực quản Barrett.
Nội soi đường mũi được sử dụng để chẩn đoán các bệnh ở đường tiêu hóa trên như:
- Loét
- Viêm
- Nhiễm trùng
- Kiểm tra vi khuẩn helicobacter pylori (đây là loại vi khuẩn có thể gây loét, Viêm dạ dày và ung thư dạ dày)
- Nguyên nhân gây thiếu máu
- Bệnh celiac (không có khả năng tiêu hóa gluten)
- Ung thư
3. Rủi ro khi nội soi đường tiêu hóa qua đường mũi là gì?
Nội soi đường tiêu hóa trên qua đường mũi là kỹ thuật an toàn. Bệnh nhân có thể gặp phải một số tác dụng phụ phổ biến như: đau nhức mũi hoặc chảy máu mũi. Biến chứng nghiêm trọng rất hiếm khi xảy ra nhưng đôi khi nội soi có thể làm tổn thương niêm mạc thực quản, dạ dày hoặc ruột, gây ra:
- Chảy máu (với tỷ lệ 1 trên 5.000 người bệnh)
- Nhiễm trùng
- Hiếm khi gây rách ở thực quản, dạ dày hoặc ruột (với tỷ lệ 1 trên 10.000 người bệnh)
Nếu các biến chứng trên xảy ra, người bệnh có thể cần phải truyền máu, ở lại bệnh viện hoặc phẫu thuật để xử lý.
Ngoài ra người bệnh còn có nguy cơ nhiễm trùng phổi do hít phải dịch dạ dày vào phổi nên người bệnh sẽ cần phải dùng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, đây vẫn là nguy cơ nhỏ do nội soi đường tiêu hóa trên qua đường mũi không dùng thuốc an thần.
Người bệnh có thể bị dị ứng với thuốc xịt Gây tê cục bộ (tại chỗ). Do đó, người bệnh kê khai cho bác sĩ biết trước khi thực hiện thủ thuật về tình trạng Dị ứng của bản thân, ví dụ người bệnh bị Dị ứng với lidocaine/lignocaine hoặc phenylephrine.
Để nội soi tiêu hóa qua đường mũi an toàn, chính xác, hạn chế tối đa tác dụng phụ, bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế uy tín, trang thiết bị hiện đại, đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm.