Mục lục:

Viêm vùng chậu là bệnh gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa

Viêm vùng chậu là biến chứng nghiêm trọng xảy ra ở nữ giới, gây ra bởi các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Bệnh khá phổ biến nhưng hoàn toàn có thể điều trị. Việc điều trị bệnh viêm vùng chậu từ sớm sẽ giảm nguy cơ xảy ra các biến chứng liên quan.
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1. Bệnh viêm vùng chậu ở nữ giới

Bệnh viêm vùng chậu (PID - pelvic inflammatory disease) là một bệnh lý nhiễm trùng ở cơ quan sinh sản của phụ nữ, gây ra bởi các bệnh lây truyền qua đường Tình dục (STIs). Đây là một căn bệnh thường gặp. Mỗi năm tại Hoa Kỳ phát hiện hơn một triệu phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh viêm vùng chậu.

Viêm vùng chậu xảy ra khi vi khuẩn từ âm đạo và cổ tử cung di chuyển vào tử cung, buồng trứng hoặc ống dẫn trứng. Các vi khuẩn này có thể gây ra tình trạng áp-xe trong ống dẫn trứng hoặc buồng trứng. Nếu không được điều trị kịp thời có khả năng dẫn đến các biến chứng lâu dài.

2. Nguyên nhân gây bệnh viêm vùng chậu

Nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm vùng chậu là do hai căn bệnh phổ biến lây truyền qua đường tình dục là bệnh Lậu và chlamydia. Triệu chứng của hai bệnh này ở phụ nữ có thể không rõ ràng hoặc thậm chí không có triệu chứng. Khi phụ nữ bị nhiễm bệnh Lậu hoặc Chlamydia nhưng không được điều trị, khả năng sẽ dẫn đến biến chứng viêm vùng chậu sau ​​vài ngày hoặc vài tuần. Nguyên nhân gây bệnh cũng có thể bắt nguồn từ các bệnh nhiễm trùng không lây qua đường tình dục, chẳng hạn như Viêm âm đạo do vi khuẩn.

3. Viêm vùng chậu có nguy hiểm không?

Bệnh viêm vùng chậu ở phụ nữ có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng và kéo dài, bao gồm:

  • Vô sinh: Cứ 10 phụ nữ mắc bệnh viêm vùng chậu thì có một người bị vô sinh. Nguyên do là vì bệnh có thể để lại Sẹo trên ống dẫn trứng. Vết Sẹo này nhiều khả năng sẽ gây tắc ống dẫn trứng và ngăn cản sự thụ tinh.
  • Mang thai ngoài tử cung: Trứng sau khi được thụ tinh, trên đường di chuyển vào tử cung có khả năng bị chặn lại bởi các vết sẹo gây ra bởi viêm vùng chậu. Hậu quả, trứng thụ tinh sẽ bắt đầu phát triển ngay trong ống dẫn trứng. Tình trạng này gọi là mang thai ngoài tử cung, rất nguy hiểm đối với thai phụ. Theo đó, ống dẫn trứng có thể vỡ do áp lực phát triển từ bào thai, gây chảy máu vào khoang bụng và xương chậu, đe dọa tính mạng sản phụ. Nếu tình trạng Mang thai ngoài tử cung không được chẩn đoán sớm, khi nguy kịch cần phải thực hiện phẫu thuật khẩn cấp.
  • Đau xương chậu mãn tính: Bệnh có thể dẫn đến những cơn đau ở vùng chậu kéo dài trong nhiều năm.
Viêm vùng chậu là bệnh gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa - ảnh 1
Nguy cơ mang thai ngoài tử cung do viêm vùng chậu

4. Đối tượng thường mắc bệnh viêm vùng chậu

Viêm vùng chậu có thể xảy ra ở phụ nữ trong mọi lứa tuổi, sau khi có sinh hoạt tình dục. Tuy nhiên, bệnh thường xảy ra phổ biến nhất ở phụ nữ trẻ. Đặc biệt những chị em dưới tuổi 25 có nhiều khả năng mắc bệnh hơn. Phụ nữ với các yếu tố nguy cơ sau đây cũng có nguy cơ cao mắc bệnh viêm vùng chậu:

  • Nhiễm bệnh lây qua đường tình dục, thường gặp nhất là lậu hoặc Chlamydia.
  • Quan hệ với nhiều bạn tình khác nhau (càng nhiều bạn tình, nguy cơ mắc bệnh càng lớn).
  • Nguy cơ lây bệnh từ người bạn tình đang có quan hệ với nhiều người khác.
  • Đã từng mắc viêm vùng chậu từ trước đó.

Một số nghiên cứu cho thấy phụ nữ thụt rửa âm đạo thường xuyên sẽ có nhiều nguy cơ bị bệnh viêm vùng chậu. Thụt rửa âm đạo là tác nhân không chỉ khiến vi khuẩn gây bệnh dễ dàng phát triển, mà còn vô tình đẩy vi khuẩn từ âm đạo vào sâu bên trong tử cung và ống dẫn trứng. Vì vậy nên việc thụt rửa âm đạo thường không được các bác sĩ khuyến khích.

5. Những triệu chứng của bệnh viêm vùng chậu

Đa phần phụ nữ mắc bệnh viêm vùng chậu chỉ biểu hiện các triệu chứng nhẹ hoặc không có bất kỳ triệu chứng nào cả. Bởi vì các triệu chứng thường khá mờ nhạt, nhiều trường hợp mắc bệnh nhưng khi thăm khám bác sĩ không thể phát hiện ra qua các dấu hiệu lâm sàng. Dưới đây là những triệu chứng phổ biến nhất của viêm vùng chậu:

  • Dịch tiết âm đạo bất thường.
  • Đau ở vùng bụng dưới (thường là đau nhẹ).
  • Đau bụng trên bên phải.
  • Máu kinh xuất hiện bất thường.
  • Sốt và ớn lạnh.
  • Đau khi đi tiểu.
  • Buồn nôn và ói mửa.
  • Đau khi quan hệ tình dục.

Nếu chỉ nhận thấy một trong những dấu hiệu kể trên không có nghĩa là bạn đã mắc bệnh viêm vùng chậu. Đó có thể là dấu hiệu của một bệnh lý khác nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như viêm ruột thừa hoặc mang thai ngoài tử cung. Bạn nên đi thăm khám với bác sĩ phụ khoa nếu nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào của bệnh.

6. Chẩn đoán bệnh viêm vùng chậu

Để xác định khả năng mắc bệnh viêm vùng chậu, đầu tiên bác sĩ sẽ hỏi về bệnh sử của bạn và các vấn đề liên quan, bao gồm thói quen sinh hoạt tình dục và phương pháp tránh thai đang sử dụng. Nếu phát hiện các triệu chứng của bệnh, bạn sẽ cần thực hiện thăm khám phụ khoa để xác định vấn đề đang xảy ra ở cơ quan sinh sản. Bác sĩ sẽ lấy một mẫu dịch tiết từ cổ tử cung của bạn để kiểm tra khả năng mắc bệnh lậu và chlamydia. Ngoài ra, bạn có thể phải làm xét nghiệm máu, siêu âm, Sinh thiết nội mạc tử cung và thậm chí là nội soi.

Viêm vùng chậu là bệnh gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa - ảnh 2
Thăm khám và sàng lọc để phát hiện sớm các bệnh lý phụ khoa

7. Điều trị bệnh viêm vùng chậu

Viêm vùng chậu hoàn toàn có thể điều trị. Tuy nhiên, việc điều trị bệnh sẽ không thể phục hồi vết sẹo gây ra trong quá trình nhiễm bệnh. Mặt khác, với tình trạng bệnh không được điều trị, nếu để càng lâu, nguy cơ mắc các vấn đề khác sẽ càng lớn, chẳng hạn như vô sinh.

Để điều trị viêm vùng chậu, đầu tiên bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng kháng sinh đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch. Kháng sinh dùng một mình có khả năng giải quyết Tình trạng viêm nhiễm. Tuy nhiên, bác sĩ có thể chỉ định dùng phối hợp hai hay nhiều kháng sinh cùng lúc. Thông thường bệnh nhân cần phải tái khám sau 2 - 3 ngày để kiểm tra hiệu quả điều trị. Đôi khi các triệu chứng sẽ biến mất trước khi chữa khỏi viêm nhiễm. Khi đó, bạn vẫn nên sử dụng hết số thuốc đã được bác sĩ chỉ định.

Một số trường hợp viêm vùng chậu cần phải nhập viện điều trị:

  • Không có chẩn đoán rõ ràng.
  • Đang mang thai.
  • Phải dùng kháng sinh tiêm tĩnh mạch.
  • Tiên lượng xấu.
  • Buồn nôn và ói mửa.
  • Sốt cao.
  • Áp-xe trong ống dẫn trứng hoặc buồng trứng.

Trong một số tình huống nhất định, chẳng hạn như khi phát hiện áp xe, bệnh nhân có thể cần thực hiện phẫu thuật.

Bên cạnh đó, bạn tình của bệnh nhân cũng phải được điều trị. Phụ nữ mắc bệnh viêm vùng chậu thì người bạn tình rất có khả năng đang mắc bệnh lậu hoặc chlamydia, ngay cả khi không có dấu hiệu bệnh.

8. Ngăn ngừa bệnh viêm vùng chậu

Để ngăn ngừa nguy cơ xảy ra viêm vùng chậu, bạn hãy lưu ý những điều sau đây:

  • Sử dụng bao cao su mỗi khi quan hệ tình dục để ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh lây lan qua đường tình dục. Vẫn nên dùng bao cao su ngay cả khi đã có các biện pháp ngừa thai khác.
  • Chỉ quan hệ tình dục với bạn tình không mắc bệnh và người này không quan hệ bừa bãi.
  • Giới hạn số lượng bạn tình để hạn chế khả năng lây bệnh.

Nguồn tham khảo: Acog.org

Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung