1. Các con đường lây truyền của Virus Viêm gan B
Bệnh viêm gan B do virus viêm gan B (HBV) tấn công và làm tổn thương gan. Đa số người lớn bị nhiễm bệnh đều có thể loại trừ virus Viêm gan B dễ dàng. Tuy nhiên, một số người lớn, trong đó có các bà mẹ Mang thai và hầu hết trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị nhiễm bệnh không thể loại bỏ virus này.
Viêm gan B có khả năng lây nhiễm cao hơn HIV 100 lần. Theo Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung Ương, Virus viêm gan B có thể lây truyền theo các con đường sau:
- Lây nhiễm theo chiều dọc là lây nhiễm từ mẹ sang con: đa số xảy ra trong thời kỳ chu sinh ( từ tuần thứ 28 của thai kỳ đến ngày thứ 7 sau sinh) hay những tháng đầu sau sinh, không lây nhiễm qua nhau thai, đây là một cách thức lây nhiễm phổ biến và quan trọng nhất.
- Lây truyền theo chiều ngang qua đường tiếp xúc: Lây truyền thường xảy ra ở nhà, bệnh viện nhi, trường học và nhà trẻ ..... có thể liên quan đến sự tiếp xúc các vết thương, vết Trầy xước nhỏ ở da, niêm mạc có chảy máu, hay dịch tiết của vết thương. Virus viêm gan B cũng có thể lây truyền bằng cách tiếp xúc với nước bọt qua vết cắn, vết Trầy xước khác ở da cũng như sự nhai thức ăn trước cho trẻ.
- Lây truyền qua sự tiêm chích và truyền máu: Tiêm không an toàn là đường lây truyền chủ yếu của virus viêm gan B và những bệnh khác (viêm gan C, HIV) trên nhiều quốc gia.
- Lây truyền trong khi quan hệ tình dục: Khi có trầy xước, tiếp xúc với máu hoặc các dịch khác của cơ thể.
Trong các đường lây truyền trên thì trẻ em chủ yếu bị nhiễm virus viêm gan B từ mẹ sang con.
2. Virus viêm gan B lây truyền từ mẹ sang con vào thời điểm nào và bằng cách nào?
Virus viêm gan B có thể lây truyền từ mẹ sang con vào các thời điểm: Trong khi mang thai, trong lúc chuyển dạ đẻ và thời kỳ cho con bú.
2.1 Trong giai đoạn mang thai
Tỷ lệ viêm gan B lây truyền từ mẹ sang con trong giai đoạn mang thai không quá 2%.
Bình thường giữa máu mẹ bầu và thai nhi không tiếp xúc với nhau mà được ngăn cách bởi một hàng rào nhau thai, là nơi trao đổi chất dinh dưỡng. Thời kỳ đầu thai nghén, hàng rào nhau thai gồm 4 lớp (Nội mô mao mạch máu, mô liên kết, lá nuôi tế bào và lá nuôi hợp bào) nhưng sang thời kỳ sau thai nghén (sau tháng thứ 4) lá nuôi tế bào biến đi, lá nuôi hợp bào trở nên rất mỏng và mô liên kết giảm đi đáng kể. Hàng rào nhau thai trở lên rất mỏng manh. Do vậy chỉ cần một chấn động nhẹ làm tổn thương hàng rào nhau thai thì máu của mẹ sẽ tiếp xúc với máu thai Nhi làm lây truyền virus viêm gan B.
2.2 Trong lúc chuyển dạ đẻ
Tới hơn 90% các trường hợp lây nhiễm virus viêm gan B từ mẹ sang con xảy ra trong giai đoạn này.
Khi đó cơ tử cung co thắt, các mạch máu nơi nhau bám cũng bị co thắt có thể làm máu mẹ tiếp xúc trực tiếp với máu con hoặc khi trẻ chui qua ống âm đạo của mẹ, trẻ tiếp xúc với dịch âm đạo, sự lây truyền sẽ diễn ra ở thời điểm này.
Nếu mẹ bị nhiễm HBV và có HBeAg (+) thì trẻ sơ sinh có 95% nguy cơ bị nhiễm nếu không được điều trị dự phòng miễn dịch. Trong trường hợp mẹ nhiễm HBV mà HBeAg (-), tỷ lệ lây nhiễm cho con là 32%.
2.3 Thời kỳ cho con bú
Cực kỳ hiếm các trường hợp trẻ bị nhiễm virus viêm gan B trong thời gian bú mẹ. Mặc dù đã phát hiện HBV DNA trong sữa non của bà mẹ HBsAg dương tính nhưng với nồng độ rất thấp, vì vậy khả năng lây nhiễm qua các dịch này cũng rất thấp.
Các trường hợp bị nhiễm trong giai đoạn này có thể do các vấn đề tổn thương đầu vú của mẹ, tổn thương miệng của trẻ, Huyết thanh chứa virus viêm gan B tiếp xúc với máu của trẻ khi trẻ bú trực tiếp. Vì vậy các bà mẹ bị viêm gan B mạn cho con bú cần phải tập chăm sóc phòng ngừa chảy máu khi nứt núm vú bằng cách cho trẻ bú đúng cách và giữ gìn vệ sinh đầu vú trước và sau khi trẻ bú.
3. Phòng ngừa lây nhiễm Viêm gan B từ mẹ sang con
- Không nên mang thai vào giai đoạn viêm gan cấp tính:
Với những bệnh nhân mắc bệnh mạn tính nên theo dõi chức năng gan định kỳ trong một thời gian dài và luôn nghe tư vấn của bác sĩ về dùng thuốc điều trị bệnh nếu muốn sinh con. Giai đoạn virus đang hoạt động không nên mang thai, khi chức năng gan trở lại bình thường, HBeAg âm tính mới nên mang thai.
- Tiêm phòng Vắc xin Viêm gan B cho trẻ
Theo nhận định của Tổ chức Y tế Thế giới và Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, cách an toàn và hiệu quả nhất để ngăn ngừa lây nhiễm virus viêm gan B là thông qua tiêm phòng vắc-xin viêm gan B.
Tiêm vắc- xin viêm gan B càng sớm thì hiệu quả càng cao. Trong vòng 12-24h sau sinh mũi vắc-xin có khả năng phòng được 85-90% các trường hợp lây truyền từ mẹ sang con, đây là sự canh tranh giữa sự nhân lên của virus Viêm gan B và kháng thể trung hòa virus đang có trong cơ thể. Hiệu quả phòng ngừa sẽ giảm dần theo từng ngày và không đạt nếu tiêm sau 7 ngày. Tiêm vắc xin viêm gan B sớm không chỉ phòng tốt lây truyền từ mẹ sang con mà còn giúp trẻ sớm được bảo vệ bởi các thành viên khác trong gia đình.
Tiêm phòng vắc xin là cách hiệu quả và an toàn nhất phòng viêm gan B ( WHO)
Ngoài tiêm sớm 01 mũi vắc- xin viêm gan B để tạo ra miễn dịch chủ động, trẻ có mẹ dương tính với HBsAg còn cần tiêm 01 mũi Globulin miễn dịch viêm gan B ( HBIG) là một miễn dịch thụ động giúp trung hòa virus viêm gan B trong khi chờ tác dụng của vắc xin. Hai mũi tiêm ở hai vị trí khác nhau trong vòng 12-24h sau sinh
- Cho trẻ bú sữa mẹ ngay sau khi sinh
WHO khuyến cáo sữa mẹ là thức ăn tốt nhất sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Kết quả nghiên cứu của WHO được công bố vào năm 2009 khẳng định, không có bằng chứng rằng việc con bú mẹ gây tăng nguy cơ lây nhiễm viêm gan B từ mẹ cho con và bú mẹ không gây nguy cơ lây nhiễm cao hơn so với bé không bú mẹ, và không đáng kể so với nguy cơ cao hơn do tiếp xúc với máu và chất dịch cơ thể mẹ khi sinh.
Mẹ nhiễm virus viêm gan B nên tránh cho trẻ bú trực tiếp
Để giảm thiểu sự lây truyền Virus Viêm gan B từ mẹ sang con, các bà mẹ hãy thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của mình, chọn thời điểm thụ thai phù hợp, tuân thủ phác đồ tiêm chủng của WHO và chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia để con được khỏe mạnh nhất.