Kỹ thuật SBRT đòi hỏi độ chính xác cao, đến từng milimet vì thế nó cũng đòi hỏi sử dụng hình ảnh xác minh hàng ngày ngay trước khi chiếu xạ (ảnh X-quang 2 chiều và ảnh 3 chiều CBCT). SBRT cũng đòi hỏi phải sử dụng các bộ công cụ, thiết bị cố định bệnh nhân chuyên biệt.
Sự thành công của SBRT phụ thuộc rất lớn vào việc cố định người bệnh, định vị và quản lý di động khối u trong suốt quá trình điều trị, đảm bảo việc cấp liều điều trị chính xác, hiệu quả. Một số kỹ thuật quản lý di động khối u thường được áp dụng như: ép bụng, nhịn thở sau khi hít vào/thở ra tối đa, đồng bộ hóa nhịp thở, 4D-CT, và theo dõi khối u theo thời gian thực. Việc lựa chọn phương pháp quản lý di động khối u phụ thuộc vào các điều kiện cơ sở vật chất hiện có của từng bệnh viện.
Breath Hold là kỹ thuật quản lý di động khối u bằng cách sử dụng các hệ thống kiểm soát nhịp thở của bệnh nhân. Bệnh nhân được huấn luyện để có thể tái lập việc nhịn thở trong một khoảng thời gian nhất định sau mỗi lần hít vào hoặc thở ra tối đa. Trong khoảng thời gian nhịn thở này, khối u di động rất nhỏ và có thể coi như không di động.
Từ tháng 8/2017 đến nay, Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City đã đưa vào ứng dụng kỹ thuật Breath Hold trong xạ phẫu định vị thân SBRT trên hệ thống máy Xạ trị gia tốc Clinac iX, bộ dụng cụ cố định SBRT và hệ thống kiểm soát nhịp thở RPM.
1. Đối tượng chỉ định
Xạ phẫu định vị thân SBRT có thể được chỉ định cho các bệnh nhân có khối u ngoại sọ (phổi, gan, tụy, tiền liệt tuyến, u cạnh cột sống,...). Tại Vinmec Times City: chúng tôi áp dụng thành công, can toàn và hiệu quả kỹ thuật SBRT cho các khối u phổi, gan và Khối u di căn đơn độc nhiều vị trí. Áp dụng theo hướng dẫn điều trị của các nước có nhiều kinh nghiệm SBRT nhất thế giới như: JCOG 0403, RTOG 1112; RTOG 0813, 0915,...
2. Ưu/nhược điểm của kỹ thuật?
2.1 Ưu điểm
- Không phẫu thuật, không xâm lấn, không đau
- Một biện pháp lý tưởng cho các khối U khó tiếp cận và gần các cơ quan quan trọng
- Tăng khả năng tiêu diệt khối U (~90% cơ hội cho nhiều vị trí bệnh)
- Điều trị ngoại trú
- Thời gian điều trị ngắn (1 – 2 tuần) hơn xạ trị thông thường (3 – 7 tuần)
2.2 Nhược điểm
- Cố định bệnh nhân và quản lý sự chuyển động của mục tiêu điều trị với sự chuyển động cơ thể (hô hấp).
- Đòi hỏi nhân lực xạ trị trình độ cao, giàu kinh nghiệm, trang thiết bị máy xạ, công cụ dụng cụ hiện đại.
3. Quy trình thực hiện
Bước 1: Thông qua chỉ định xạ trị của Hội đồng ung thư đa chuyên khoa: Các chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực: Xạ trị ung thư, Nội khoa ung thư, Ngoại khoa, Chẩn đoán hình ảnh, Giải phẫu bệnh,... sẽ cùng hội chẩn xem xét và đưa ra quyết định có chỉ định SBRT cho bệnh nhân hay không.
Bước 2: Đánh giá di động u và Chụp CT mô phỏng xạ trị
Tùy theo thể trạng bệnh nhân, vị trí khối u, biên độ di động khối u, khả năng hợp tác trong việc quản lý nhịp thở, bác sĩ sẽ chọn phương án chụp CT mô phỏng và kỹ thuật xạ phù hợp.
Bước 3: Lập kế hoạch xạ trị SBRT và đánh giá kế hoạch
Bước 4: Kiểm tra chất lượng kế hoạch trước xạ trị: Thực hiện chiếu xạ kế hoạch lên phantom và tiến hành đo liều thực tế để so sánh với liều tính toán trên kế hoạch nhằm kiểm tra chất lượng kế hoạch trước xạ trị.
Bước 5: Chiếu xạ SBRT hàng ngày: Sử dụng bộ dụng cụ đặt tư thế và cố định bệnh nhân giống như lúc chụp CT mô phỏng. Trước khi chiếu xạ theo kế hoạch, tiến hành chụp xác minh: để kiểm tra các mốc xương và đánh giá sự chính xác của kỹ thuật.
Bước 6: Theo dõi và đánh giá bệnh nhân trong, sau xạ trị: Theo dõi và đánh giá bệnh nhân trước, trong và sau các buổi xạ SBRT. Sau đó mỗi tháng, bệnh nhân được đánh giá lâm sàng, chụp MRI/CT.