Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Xuất huyết tiêu hóa nhiều lần - Nguyên nhân, cách điều trị

29/06/2021
Xuất huyết tiêu hóa nhiều lần - Nguyên nhân, cách điều trị

Xuất huyết tiêu hóa là tình trạng nội - ngoại khoa nghiêm trọng do nhiều bệnh lý gây ra. Nội soi tiêu hóa vừa để chẩn đoán, vừa để can thiệp cầm máu, cần thực hiện sớm để kiểm soát bệnh và hạn chế biến chứng.

1. Chẩn đoán tình trạng xuất huyết tiêu hóa

1.1. Xác định vị trí và mức độ xuất huyết

Bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa, đặc biệt là xuất huyết tiêu hóa nhiều lần, cần phải được nhập viện cấp cứu cả nội lẫn ngoại khoa. Thời gian được chẩn đoán, thăm khám và điều trị càng sớm thì càng có hiệu quả trong phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh. Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra:

  • Vị trí xuất huyết:

Qua hỏi bệnh, thăm khám hậu môn trực tràng, khám bụng hoặc thủ thuật đặt sonde bơm rửa dạ dày, ... có thể bước đầu gợi ý là xuất huyết tiêu hóa cao hay thấp để có những định hướng cho các thăm dò, điều trị sau đó.

  • Mức độ xuất huyết:

Dựa vào những thăm khám lâm sàng, kết quả các thăm dò cận lâm sàng mà chia ra các mức độ xuất huyết tiêu hóa: Nặng, trung bình, nhẹ. Mỗi mức độ có các thái độ xử trí điều trị khác nhau.

1.2. Xác định nguồn gốc xuất huyết

Nội soi là phương pháp phổ biến nhất để tìm ra nguồn gốc của xuất huyết tiêu hóa. Ống Nội soi là một ống mềm, đầu có gắn camera nhỏ, dùng để đưa vào các cơ quan của đường tiêu hóa. Thông qua những hình ảnh được truyền từ camera tới máy theo dõi, bác sĩ có thể quan sát và kiểm tra một số bộ phận như sau:

  • Nội soi dạ dày: Thường gặp nhất;
  • Nội soi đại tràng: Đưa qua trực tràng để quan sát ruột già;
  • Nội soi ruột non: Thực hiện bằng ống đẩy, bóng đôi hoặc viên nang;

Nếu như không thể phát hiện được chảy máu bằng biện pháp nội soi thì gọi là tình trạng xuất huyết ẩn. Lúc này, bác sĩ có thể nội soi thêm lần nữa hoặc tìm nguyên nhân của xuất huyết ẩn bằng cách áp dụng các thủ thuật khác, chẳng hạn như:

  • Chụp X quang có chất cản quang;
  • Máy quét có đồng vị phóng xạ tiêm vào tĩnh mạch;
  • Chụp cắt lớp vi tính mạch máu thông qua tiêm chất cản quang vào tĩnh mạch;
  • Can thiệp ngoại khoa mở bụng thăm dò, kiểm tra đường tiêu hóa.
Xuất huyết tiêu hóa nhiều lần - Nguyên nhân, cách điều trị - ảnh 1
Chụp cắt lớp vi tính để phát hiện xuất huyết ẩn

2. Chữa xuất huyết tiêu hóa nhiều lần như thế nào?

2.1. Điều trị ban đầu

Tùy vào tình trạng xuất huyết tiêu hóa của bệnh nhân khi nhập viện, đội ngũ nhân viên y tế sẽ có hướng xử trí ban đầu như sau:

  • Truyền dịch: Việc làm trước tiên thi tiếp nhận người bệnh là đặt đường truyền tĩnh mạch để truyền dịch;
  • Truyền máu: Áp dụng trong những trường hợp bệnh nhân bị mất lượng máu khá lớn;
  • Hồi sức cấp cứu: Trước một bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa cần hồi sức tích cực. Tốt nhất là đưa về và duy trì huyết động ở mức ổn định trước khi tiến hành các thăm dò, can thiệp cầm máu.

2.2. Điều trị cấp cứu

Phương pháp điều trị chủ yếu thường được sử dụng bao gồm:

  • Nội soi:

Bác sĩ tiến hành đưa các dụng cụ qua ống nội soi để làm ngưng xuất huyết tiêu hóa; hoặc sử dụng đầu dò nhiệt, đốt điện, tia laser và tiêm kẹp các mạch máu bị tổn thương với vòng cao su hay clip.

  • Chụp mạch và tiêm thuốc vào mạch máu:

Ngoài ra, nếu nội soi thất bại thì chụp mạch máu sẽ được chỉ định nhằm kiểm soát một số dạng xuất huyết. Tiêm thuốc hoặc các chất gây đông máu vào mạch có tác dụng hỗ trợ đông máu ở vùng bị xuất huyết.

  • Phẫu thuật:

Ngày nay với sự hiểu biết sâu rộng về Loét dạ dày – tá tràng, chỉ điều trị phẫu thuật trong xuất huyết tiêu hóa do Loét dạ dày tá tràng khi nội soi cầm máu thất bại. Mục tiêu của phẫu thuật cấp cứu ngày nay không nhằm điều trị tiệt căn ổ loét mà chỉ nhằm cầm máu.

Chỉ định mổ cấp cứu:

- Điều trị nội soi lần 1 thất bại;

- Chảy máu tái phát điều trị nội soi lần 2 thất bại;

- Nguy cơ thủng;

- Những nơi không có nội soi cầm máu, điều trị nội khoa thất bại.

2.3. Dự phòng tái phát

Một số bệnh lý gây xuất huyết sau đây cần được điều trị kèm theo để ngăn ngừa triệu chứng chảy máu đường tiêu hóa tái phát, cụ thể là:

  • Nhiễm vi khuẩn HP (Helicobacter pylori) và các loại khác;
  • Trào ngược dạ dày thực quản (GERD);
  • Viêm loét dạ dày tá tràng;
  • Trĩ;
  • Các bệnh viêm đường ruột.