Triệu chứng
Lo lắng, bồn chồn; Đau nhẹ ở cổ, vai, lưng hoặc bụng; Đau ngực, có thể nặng hơn khi thở hoặc ho;
Chẩn đoán
Thông qua triệu chứng và khám lâm sàn, bác sĩ của bạn có thể nghi ngờ bạn bị chèn ép tim và sẽ xác nhận lại nghi ngờ của mình bằng siêu âm tim.
Điều trị
Chèn ép tim là một tình trạng nguy hiểm cần phải được chữa trị tại bệnh viện. Những phương pháp được sử dụng để điều trị chèn ép tim tùy thuộc theo loại chèn ép tim mãn tính hay cấp tính.
Tổng quan
Chèn ép tim là bệnh gì?
Chèn ép tim là tình trạng tim bị đè nén do có quá nhiều máu hoặc chất dịch tích tụ giữa cơ tim và màng ngoài tim từ đó tạo áp lực lên tim và ảnh hưởng đến hoạt động bơm máu của tim. Trong trường hợp không bơm đủ máu có thể dẫn đến suy tim.
Chèn ép tim có thể gây đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời sẽ giúp người bệnh tránh khỏi nguy cơ tử vong.
Những ai thường mắc chèn ép tim?
Chèn ép tim là bệnh khá hiếm gặp, theo thống kê trong 1.000 người thì sẽ có khoảng 2 người mắc bệnh. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.
Triệu chứng và dấu hiệu
Những dấu hiệu và triệu chứng của Chèn ép tim là gì?
Chèn ép tim có thể gây ra rất nhiều triệu chứng. Trong đó, các triệu chứng chính thường xảy ra bao gồm:
Lo lắng, bồn chồn;
Đau nhẹ ở cổ, vai, lưng hoặc bụng;
Đau ngực, có thể nặng hơn khi thở hoặc ho;
Khó thở hoặc thở gấp;
Cảm thấy khó chịu, đôi khi có thể thuyên giảm khi ngồi thẳng lưng hoặc nghiêng về phía trước;
Ngất xỉu, choáng váng;
Da nhạt, xám, hoặc xanh xao;
Đánh trống ngực;
Sưng vùng bụng hoặc các vùng khác.
Ngoài ra, còn có một số triệu chứng khác có thể xuất hiện như chóng mặt, buồn ngủ, mạch yếu hoặc mất hẳn.
Có thể có các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn có các dấu hiệu và triệu chứng được đề cập ở trên, hay có bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán và điều trị tốt nhất dành cho bạn.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ra chèn ép tim là gì?
Tùy theo loại chèn ép tim là mãn tính hay cấp tính, bệnh sẽ có những nguyên nhân khác nhau:
Chèn ép tim mãn tính (xảy ra chậm): trong trường hợp này nguyên nhân thông thường là do ung thư phổi, ung thư vú, ung thư hạch, suy thận, suy giáp và nhiễm trùng.
Chèn ép tim cấp tính: thường gây ra do các chấn thương như vết dao đâm hay tai nạn xe cộ (khi ngực va mạnh vào bánh lái và gây nên tình trạng bóc tách động mạch chủ).
Ngoài ra, chèn ép tim cấp tính có thể là do một số các nguyên nhân khác như cơ tim bị phá hủy sau cơn nhồi máu cơ tim hoặc những lỗ thủng hình thành trong tim sau những ca phẫu thuật, chẳng hạn như lắp máy tạo nhịp tim.
Nguy cơ mắc bệnh
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc chèn ép tim?
Các yếu tố có thể khiến bạn tăng nguy cơ mắc chứng chèn ép tim bao gồm:
Bị nhiễm HIV khi còn trẻ;
Không chữa trị tốt các vết thương hở;
Nhiễm bức xạ nặng ở ngực;
Bị viêm màng ngoài tim;
Bị suy nhược tuyến giáp.
Phòng ngừa
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của chèn ép tim?
Bạn có thể kiểm soát tốt tình trạng hồi phục của mình nếu bạn lưu ý vài điều sau đây:
Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe của bạn.
Nghe theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc tự ý bỏ thuốc trong toa được kê cho bạn.
Nếu triệu chứng trở nặng, bệnh nhân phải đến bệnh viện kịp thời để được lấy dịch ra khỏi tim.
Điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những phương pháp nào dùng để điều trị chèn ép tim?
Chèn ép tim là một tình trạng nguy hiểm cần phải được chữa trị tại bệnh viện. Những phương pháp được sử dụng để điều trị chèn ép tim tùy thuộc theo loại chèn ép tim mãn tính hay cấp tính.
Đối với chèn ép tim mãn tính, phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân. Nếu chèn ép tim do ung thư gây ra, tùy vào dạng ung thư nào mà bạn sẽ được kiến nghị dùng thuốc điều trị phù hợp. Nếu bạn bị nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc nấm, các loại thuốc kháng sinh và kháng nấm sẽ được sử dụng.
Đối với chèn ép tim cấp tính, khi tim bị chèn ép và xuất hiện các triệu chứng, các chất dịch quanh tim phải được lấy đi càng nhanh càng tốt thông qua thủ thuật chọc màng ngoài tim. Các loại thuốc tăng huyết áp có thể được sử dụng để duy trì sự sống cho bệnh nhân trong quá trình chọc dịch. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu cắt bỏ một phần màng ngoài tim bằng phẫu thuật tạo cửa sổ ngoại tâm mạc. Tuy nhiên, các biện pháp này chỉ là phương pháp điều trị tạm thời. Để điều trị hoàn toàn chứng chèn ép tim, thì nguyên nhân gây ra nó cũng phải được tìm ra và chữa trị.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán chèn ép tim?
Thông qua triệu chứng và khám lâm sàn, bác sĩ của bạn có thể nghi ngờ bạn bị chèn ép tim và sẽ xác nhận lại nghi ngờ của mình bằng siêu âm tim.
Ở bệnh nhân bị chèn ép tim cấp tính, có khả năng đe dọa tính mạng, bác sĩ có thể xét nghiệm chất dịch được rút ra từ tim bằng cách khảo sát dưới kính hiển vi để xác định nguyên nhân gây chèn ép tim