Tên gọi khác: Đãng trí
Triệu chứng
Triệu chứng tùy thuộc vào dạng rối loạn trí nhớ nhưng bao gồm: Giảm nhớ (giảm hiệu quả của quá trình nhớ và quá trình lưu giữ kí ức)
Chẩn đoán
Hỏi bệnh sử và khám thực thể.
Các kiểm tra sẽ được thực hiện để loại trừ đột quỵ, nhiễm trùng, khối u não hay vấn đề trao đổi chất.
Điều trị
Phương pháp điều trị tùy thuộc vào dạng rối loạn trí nhớ và nguyên nhân gây ra bệnh.
Tổng quan
Đãng trí hay Rối loạn trí nhớ là bệnh gì?
Trí nhớ là quá trình Tâm lý phản ánh những kinh nghiệm, tri thức của con người bằng cách ghi nhận, bảo tồn và tái hiện lại chúng dưới dạng biểu tượng, ý niệm và ý tưởng. Các loại Rối loạn trí nhớ bao gồm:
Giảm nhớ (hypomnesie),
Tăng nhớ (hypermnésine),
Mất trí nhớ (amnésie),
Loạn nhớ (Paramnésie),
Nhớ nhầm (Kriptomnésie),
Nhớ đang sống trong dĩ vãng (Ecmnésie),
Hội chứng Korsacov.
Triệu chứng
Triệu chứng tùy thuộc vào dạng rối loạn trí nhớ nhưng bao gồm: Giảm nhớ (giảm hiệu quả của quá trình nhớ và quá trình lưu giữ kí ức), tăng nhớ (hiệu quả nhớ của người bệnh tăng một cách bệnh lý, cao hơn hẳn so với những người khác), mất nhớ (trong những thời điểm, hoàn cảnh nhất định, người bệnh không thể nhớ được cái gì đã xảy ra trong quá khứ), loạn nhớ (thay đổi bệnh lý về chất lượng, thuộc tính của quá trình nhớ).
Chẩn đoán
Hỏi bệnh sử và khám thực thể.
Các kiểm tra sẽ được thực hiện để loại trừ đột quỵ, nhiễm trùng, khối u Não hay vấn đề trao đổi chất.
Chụp cắt lớp vi tính (CT Scan) và chụp cộng hưởng từ (MRI) giúp chẩn đoán bệnh.
Xét nghiệm công thức máu toàn bộ (CBC), bảng chuyển hóa toàn diện (CMP).
Điều trị
Phương pháp điều trị tùy thuộc vào dạng rối loạn trí nhớ và nguyên nhân gây ra bệnh.
Nguyên nhân
Trí nhớ là quá trình tâm lý phản ánh những kinh nghiệm, tri thức của con người bằng cách ghi nhận, bảo tồn và tái hiện lại chúng dưới dạng biểu tượng, ý niệm và ý tưởng. Như vậy, tri thức không phản ánh những cái đang tác động mà là những cái đã qua, đã trở thành kinh nghiệm, kiến thức của con người.Cơ sở sinh lý thần kinh của trí nhớ là sự hình thành, giữ lại và gợi lại những đường liên hệ thần kinh tạm thời. Những đường này được củng cố vững chắc được lặp đi, lặp lại nhiều lần.
Phân loại rối loạn trí nhớ:
- Giảm nhớ (hypomnesie)Là sự suy yếu các quá trình của trí nhớ. Thường những sự việc mới xảy ra khó nhớ hơn những sự việc cũ (định luật Ribot). Biểu hiện sớm nhất là hiện tượng suy yếu khả năng tái hiện. Gặp trong loạn thần tuổi già, suy nhược thần kinh...
- Tăng nhớ (hypermnésine)Nhớ lại những sự việc rất cũ, ngay cả những sự việc không có ý nghĩa hay những chi tiết vụn vặt tưởng không thể nhớ được. Ở đây chủ yếu là nhớ theo kiểu liên hệ máy móc. Thường gặp nhất trong trạng thái hưng cảm, say rượu bệnh lý, sốt nhiễm khuẩn...
Mất trí nhớ hay quên (amnésie):
Theo sự việc, chia ra:
Quên toàn bộ: Quên tất cả những sự việc cũ và mới thuộc mọi lĩnh vực. Gặp trong trí tuệ sa sút nặng.
Quên từng phần: Chỉ quên một số kỷ niệm, chỉ quên ngoại ngữ, chỉ quên thao tác nghề nghiệp, chỉ quên danh từ riêng... gặp trong tổn thương thực thể não hay do cảm xúc mạnh.
Theo thời gian, chia ra:
Quên thuận chiều (quên về sau: amnésie anterograde): Quên những sự việc xảy ra ngay sau khi bị bệnh. Có thể quên trong khoảng thời gian từ vài giờ đến vài tuần, gặp sau khi bị chấn thương sọ não, sau khi lú lẫn, hôn mê.
Quên ngược chiều (amnésie rétrograde): Quên những sự việc đã xảy ra trước khi bị bệnh. Quên có thể là vài giờ, vài ngày, vài tháng hay vài năm. Có thể quên từng phần hay quên toàn bộ, gặp trong chấn thương sọ não, xơ vữa mạch não, xuất huyết não...
Quên trong cơn (amnésie congrade): Chỉ quên những sự việc xảy ra trong cơn, trong một thời gian ngắn bị bệnh. Gặp trong cơn động kinh, trạng thái hoàng hôn...
Quên vừa thuận vừa ngược chiều (amnésie antérorérograde): Quên cả sự việc cũ lẫn mới. Gặp trong loạn thần cấp, kèm lú lẫn, sa sút trí tuệ do chấn thương sọ não
Theo quá trình cơ bản của trí nhớ, chia ra:
Quên do ghi nhận kém: thường là quên thuận chiều.
Quên do nhớ lại kém: thường là quên ngược chiều.
Theo tiến triển, chia ra:
Quên cố định: triệu chứng quên không tăng không giảm.
Quên thoái triển: trí nhớ hồi phục dần.
Quên tiến triển: quên tăng dần theo định luật Ribot là sự việc mới quên trước, sự việc cũ quên sau.
Loạn nhớ (Paramnésie) hay hồi tưởng sai lầm.
- Nhớ giả (Pseudo réminescence): Còn gọi là ảo tưởng trí nhớ. Những sự việc có thực trong cuộc sống của bệnh nhân trong một khoảng thời gian và không gian nào đó, bệnh nhân lại nhớ vào một khoảng không gian và thời gian khác, hoặc lẫn lộn sự việc này với sự việc nọ. Có khi trên một sự việc có thật, bệnh nhân lại nhớ thêm những chi tiết không hề có. Ví dụ: sự việc đã xảy ra từ rất lâu, bệnh nhân lại khẳng định là mới xảy ra ngày hôm qua.
Nhớ bịa (Confabulation) - Bịa chuyện: Còn gọi là ảo giác trí nhớ để phân biệt với nhớ giả (ảo tưởng trí nhớ). Có thể là bệnh nhân quên toàn bộ và thay vào chỗ quên, bệnh nhân kể những sự việc không hề xảy ra với bệnh nhân, nhưng bản thân bệnh nhân không hề biết mình bịa ra và khẳng định những sự việc ấy là có thật. Có thể bệnh nhân không quên mà chỉ bịa thêm vào. Nội dung chuyện bịa có thể thông thường hay kỳ quái. Trường hợp bịa chuyện kèm theo mất định thường gọi là lú lẫn bịa chuyện. Trong lâm sàng nhiều khi rất khó phân biệt giữa nhớ giả và bịa chuyện vì phải hiểu chi tiết cuộc đời của bệnh nhân mới biết chuyện mà bệnh nhân kể là có thật hay là bịa.
Nhớ giả và bịa chuyện có thể gặp trong các bệnh thực thể nặng ở não (có thể kèm theo quên) và có nội dung thông thường hay trong tâm thần phân liệt (không kèm theo quên) và mang tính chất hoang tưởng kỳ quái.
Nhớ nhầm (Kriptomnésie):
Nhớ vơ vào mình: Những điều nghe người khác kể hoặc thấy ở đâu đấy, hay những ý nghĩ, sáng kiến của người khác lại nhớ là của mình, mình đã trải qua.
Nhớ việc mình thành việc người: Sự việc, ý nghĩ của mình lại nhớ ra là của người khác hay đã đọc, đã thấy ở đâu đó.
- Nhớ đang sống trong dĩ vãng (Ecmnésie)Kết hợp với quên tiến triển, bệnh nhân tưởng mình đang sống trong dĩ vãng (10 - 20 năm trước), hành động như người trẻ lại, có khi soi gương không nhận ra mình, cho là một cụ già nào đấy. Gặp trong loạn thần tuổi già, động kinh.
- Hội chứng Korsacov:Được Korsacov miêu tả năm 1887 ở bệnh nhân nghiện rượu mạn tính có viêm nhiều dây thần kinh, gồm có:
- Quên thuận chiều (do ghi nhận kém): Đây là rối loạn chủ yếu của hội chứng Korsacov. Bệnh nhân mất định hướng và quên tất cả mọi việc vừa xảy ra. Nhờ còn khả năng suy nghĩ logic, họ có thể suy luận về sự việc đang xảy ra.Ví dụ: bệnh nhân không nhớ đã ăn sáng chưa, xong nhìn đồng hồ có thể khẳng định được.
Loạn nhớ: Có thể nhớ giả và nhớ bịa.
Còn nhớ tốt các sự việc cũ: Hội chứng Korsacov còn gặp trong giai đoạn cấp của chấn thương sọ não (có tính chất tạm thời), các bệnh có tổn thương thực thể ở não (rối loạn không hồi phục), loạn tâm thần tuổi già, trạng thái thiếu ôxy não.
Phòng ngừa
Một số nguyên nhân gây rối loạn trí nhớ
Ảnh hưởng của bệnh lý tâm thần: Đó là các bệnh như rối loạn trầm cảm, rối loạn lo âu… làm giảm tập trung chú ý; bệnh tâm thần phân liệt có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng hay gặp ở người trẻ, bệnh làm cho biểu hiện cảm xúc ngày càng cùn mòn, khô lạnh, tư duy ngày càng nghèo nàn, ý chí ngày càng suy giảm, hoạt động ngày càng yếu đuối đi đến chỗ không thiết làm công việc gì, khả năng lao động và học tập, chú ý, trí nhớ đều giảm.
Sau chấn thương sọ não: Chấn thương sọ não (CTSN) là một hình thái tổn thương sọ não ngoại sinh. Hậu quả của CTSN rất khác nhau, từ hồi phục hoàn toàn đến để lại các di chứng nặng nề về thần kinh và tâm thần. Rối loạn tâm thần do CTSN bao gồm 2 giai đoạn: giai đoạn cấp tính và giai đoạn muộn. Các rối loạn tâm thần là hậu quả muộn của CTSN, thời gian tùy thuộc vào từng bệnh nhân, nhưng thường là sau 6 tháng bị CTSN.
Các bệnh nhiễm khuẩn: Các bệnh lý hay gặp là viêm não, màng não do vi khuẩn, virut, viêm màng não lao, sốt rét ác tính thể não, giang mai não, HIV/AISD
Nhiễm độc: Các chất độc thâm nhập vào cơ thể bằng nhiều đường khác nhau, tác động lên hệ thần kinh trung ương, gây ra tổn thương thần kinh và các rối loạn tâm thần rất đa dạng, cấp tính hoặc kéo dài. Các triệu chứng rối loạn tâm thần phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như: loại chất độc, liều lượng, thời gian, mức độ nhiễm độc và các yếu tố mang tính cá thể như: nhân cách, thể tạng, sức đề kháng…
Nghiện rượu và thuốc phiện: Nghiện rượu làm ảnh hưởng đến hiệu suất công tác, đến sức khỏe tâm thần và thể chất, làm tổn thương đến các mối quan hệ gia đình và đời sống xã hội. Người nghiện thuốc phiện bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và trí nhớ.
Stress: Tình trạng stress không chỉ gây ra những tác động xấu đối với cơ thể mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đối với trí nhớ, đặc biệt là phản ứng stress cấp tính. Một trong những nguyên nhân gây stress ở người trẻ là áp lực học tập. Nhiều trường hợp do bố mẹ đòi hỏi quá mức kết quả học tập ở con cái so với khả năng mà chúng có thể đạt được hoặc sự ngộ nhận về năng lực học tập của con em mình.
Rối loạn phân ly: Các rối loạn phân ly là một nhóm các rối loạn thường gặp. Các rối loạn phân ly hay phát sinh ở tuổi trẻ, nữ nhiều hơn nam. Trong các điều kiện không thuận lợi về tinh thần cũng như thể chất, các rối loạn có thể phát thành “dịch” trong một tập thể. Biểu hiện triệu chứng lâm sàng của các rối loạn phân ly rất đa dạng và hầu hết có rối loạn trí nhớ.
Chậm phát triển tâm thần: Chậm phát triển tâm thần (CPTTT) là một nhóm bệnh lý có biểu hiện sự sa sút tâm thần bẩm sinh hay mắc phải trong những năm đầu thời kỳ thơ ấu. CPTTT không phải là một bệnh mà là một trạng thái rối loạn của một bệnh nào đó để lại sự thiếu sót trong các hoạt động trí tuệ và khả năng thích ứng.
Động kinh: Động kinh là một bệnh mạn tính, do nhiều nguyên nhân khác nhau, đặc trưng là sự lặp đi lặp lại của các cơn do sự phóng điện quá mức của các tế bào thần kinh não bộ, dù cho triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng có thể khác nhau. Trong cơn, người bệnh có thể có những rối loạn vận động. Những hành vi đó có tính chất tự động, không mục đích và người bệnh sau đó không nhớ những gì xảy ra.
Điều trị
Chế độ sinh hoạt:
Cải thiện lối sống, sinh hoạt hàng ngày, tránh căng thẳng thần kinh đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc đẩy lùi lão hóa.
Dù đã nghỉ làm việc ở cơ quan nhưng trong gia đình cũng nên tự sắp đặt công việc hàng ngày cho hợp lý và nên có lịch trình cụ thể cho từng khoảng thời gian trong ngày.
Nên tập cho mình thói quen làm việc đúng giờ giấc, mọi sinh hoạt cá nhân nên theo một tuần tự và không nên đảo lộn quá nhiều trong mỗi một ngày. Và trong gia đình không nên để các đồ dùng, vật dụng lộn xộn để dễ tìm, tránh nhầm lẫn vị trí.
Nên luôn luôn lạc quan yêu đời, tránh buồn chán, tránh cô đơn. Vì vậy, cần có thời gian giải trí như đọc sách báo, xem TV, chăm sóc cây cảnh, ngắm cá bơi, đi đến câu lạc bộ chơi các môn thể thao mà mình ưa thích nhằm tập thể dục cho trí não.
Hàng ngày, cần có giấc ngủ tốt để thư giãn thần kinh một cách hữu hiệu, vì vậy, không nên thức khuya, mỗi tối nên ngủ khoảng 6 – 7 giờ là đủ; buổi trưa nên ngủ ít nhất 1 giờ.
Chế độ ăn uống:
Nên có chế độ ăn, uống thích hợp để hạn chế lão hóa. Cần ăn, uống đầy đủ chất dinh dưỡng để có thể giúp duy trì hoạt động bình thường của cơ thể ngay cả ở người tuổi cao. Theo các nhà khoa học, dinh dưỡng chính là “vũ khí” giúp phòng ngừa nhiều bệnh tật, trong đó có rối loạn trí nhớ, lãng quên.
Chế độ ăn hàng ngày cần thiết đủ chất, lượng và có sự cân xứng giữa đạm, đường và mỡ. Vì vậy, trong chế độ ăn hàng ngày nên sử dụng dầu thực vật, nhất là dầu lạc, dầu vừng (mè).
Nếu có điều kiện thì dùng dầu ôliu bởi trong các loại dầu này có các chất kháng viêm, phòng ngừa bệnh xơ hóa động mạch do có tác dụng làm tăng loại cholesterol tốt (HDL – C: bảo vệ thành của động mạch) và làm giảm lượng cholesterol xấu (LDL-C: làm gia tăng xơ vữa động mạch).
Nên thường xuyên dùng các chất chống oxy hóa trong các bữa ăn là các loại rau và trái cây, ví dụ như giá đỗ, hành tây (giàu vitamin E); bưởi, chanh, cam, quít và nhiều loại rau (giàu vitamin C); gấc, cà rốt, bí đỏ, đu đủ, xoài (giàu chất bêta).
Trong các bữa ăn cũng nên tăng cường ăn các loại hạt đậu, đỗ hoặc vài lần trong một tuần ăn cơm gạo lứt. Để góp phần chống lão hóa cũng nên ăn cá thay cho thịt, mỗi tuần nên có 2 – 3 lần ăn cá. Cá tốt nhất là cá trích, cá ngừ, cá thu, hạn chế ăn các loại thịt đỏ (thịt gà, thịt chó, thịt trâu, bò, ngựa) vì chúng chứa nhiều cholesterol.
Hàng ngày cần uống đủ một lượng nước nhất định, mùa hè cũng như mùa đông, khoảng từ 1,5 - 2 lít là vừa phải. Không nên uống rượu, bia quá đà.
Chế độ tập luyện:
Nên có chế độ thường xuyên tập luyện, vận động cơ thể. Nếu một người dù ăn, uống đủ chất, ngủ đủ thời gian và làm việc thường ngày mà không thường xuyên vận động cơ thể thì khí huyết không lưu thông, tinh thần không sảng khoái thì sự lão hóa sẽ diễn ra nhanh hơn, nhiều hơn. Có nhiều biện pháp để vận động cơ thể như đi bộ, chơi cầu lông, lắc vòng (nữ giới), bơi.