Tác giả: Ban biên tập HelloBACSI
Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư
Tìm hiểu chung
Tìm hiểu chung
Cắt tử cung ngả âm đạo là gì?
Cắt tử cung ngả âm đạo là một phẫu thuật để cắt bỏ tử cung và cổ tử cung. Phẫu thuật này cũng có thể cắt bỏ luôn cả buồng trứng, nhưng thường thì hai buồng trứng được giữ nguyên. Phẫu thuật được thực hiện qua ngả âm đạo.
Nguyên nhân thường gặp của phẫu thuật cắt tử cung ngả âm đạo bao gồm Sa tử cung (là tình trạng tử cung bị sa xuống thấp trong âm đạo của bạn, có trường hợp tử cung bị sa ra ngoài âm hộ), rong kinh, thống kinh và u xơ tử cung.
Cắt tử cung ngả âm đạo có thời gian nằm viện ngắn hơn, chi phí thấp hơn và thời gian hồi phục nhanh hơn so với cắt tử cung ngả bụng, đòi hỏi phải rạch đường mổ ở phần dưới bụng của bạn. Tuy nhiên, nếu tử cung bạn quá lớn thì cắt tử cung ngả âm đạo có thể không phù hợp.
Khi nào bạn nên thực hiện cắt tử cung ngả âm đạo?
Cắt tử cung ngả âm đạo điều trị nhiều bệnh lý phụ khoa khác nhau, bao gồm:
U xơ tử cung: nhiều ca cắt tử cung được thực hiện để điều trị triệt để U xơ tử cung (là khối U lành tính ở tử cung, đôi khi gây chảy máu kéo dài, thiếu máu, đau vùng chậu, đau khi giao hợp và căng tức bàng quang). Nếu bạn có u xơ lớn, có thể bạn cần phải cắt tử cung ngả bụng.
Lạc nội mạc tử cung: lạc nội mạc tử cung xảy ra khi lớp mô lót bên trong tử cung (nội mạc tử cung) phát triển ở bên ngoài tử cung, thường ở buồng trứng, vòi trứng hoặc các cơ quan khác. Hầu hết phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung đều được cắt tử cung ngả bụng nhưng đôi khi có thể cắt tử cung ngả âm đạo.
Ung thư phụ khoa: nếu bạn bị ung thư tử cung, cổ tử cung, nội mạc tử cung hoặc buồng trứng, bác sĩ có thể khuyên bạn thực hiện phẫu thuật cắt tử cung để điều trị. Thường thì cắt tử cung ngả bụng được dùng để điều trị ung thư buồng trứng, trong khi cắt tử cung ngả âm đạo có thể thích hợp với phụ nữ bị ung thử cổ tử cung hoặc nội mạc tử cung.
Sa tử cung: khi mô nâng đỡ và các dây chằng vùng chậu của bạn bị căng giãn hoặc yếu đi, tử cung có thể sa thấp xuống hoặc trồi vào trong âm đạo, gây những triệu chứng tiểu không kiểm soát, căng tức vùng chậu hoặc khó đại tiện. Cắt bỏ tử cung và điều chỉnh lại tình trạng giãn cơ vùng chậu có thể giúp làm giảm những triệu chứng trên.
Xuất huyết âm đạo bất thường: khi thuốc hoặc các thủ thuật phẫu thuật ít xâm lấn hơn không kiểm soát được tình trạng kinh nguyệt bất thường, Rong kinh hoặc chảy máu nhiều trong kỳ kinh thì cắt tử cung có thể giải quyết được vấn đề.
Đau vùng chậu mạn tính: nếu bạn bị đau vùng chậu mạn tính được xác định rõ là do nguyên nhân bệnh lý tử cung thì cắt tử cung có thể hữu ích, nhưng chỉ là giải pháp cuối cùng. Đau vùng chậu mạn tính có thể có nhiều nguyên nhân, vì vậy quan trọng là cần chẩn đoán chính xác nguyên nhân trước khi cắt tử cung để điều trị đau vùng chậu.
Điều cần thận trọng
Điều cần thận trọng
Bạn nên biết những gì trước khi thực hiện cắt tử cung ngả âm đạo?
Triệu chứng của sa tử cung có thể được cải thiện bằng các bài tập sàn chậu.
Chảy máu nhiều trong kỳ kinh có thể được điều trị bằng thuốc uống, vòng tránh thai hoặc nạo bỏ lớp nội mạc tử cung.
Tuỳ thuộc và kích thước và vị trí của u xơ mà bạn có thể uống thuốc giúp kiểm soát triệu chứng. Các biện pháp điều trị khác bao gồm phẫu thuật chỉ cắt bỏ u xơ (phẫu thuật bóc nhân xơ) hoặc gây thuyên tắc động mạch tử cung (làm ngắt chọn lọc dòng máu đến nuôi tử cung dẫn đến hoại tử khối u xơ).
Trước khi tiến hành phẫu thuật, bạn nên hiểu rõ các cảnh báo và lưu ý. Nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có thêm thông tin và hướng dẫn cụ thể.
Liệu có nguy hiểm nào có thể xảy ra hay không?
Như bất kỳ phẫu thuật nào khác, cắt tử cung ngả âm đạo cũng sẽ có một số nguy cơ nhất định. Bạn nên trao đổi với bác sĩ phẫu thuật để được giải thích xem các nguy cơ này sẽ có tác động như thế nào đến sức khỏe của bạn.
Biến chứng có thể xảy ra với mọi phẫu thuật là phản ứng không mong muốn với thuốc gây mê, chảy máu nhiều hoặc tạo cục máu đông (huyết khối tĩnh mạch sâu).
Riêng với cắt tử cung ngả âm đạo, bạn còn có thể gặp các biến chứng:
Nhiễm trùng hoặc áp xe vùng chậu;
Tổn thương các cấu trúc gần tử cung;
Tạo đường rò;
Phải chuyển sang cắt tử cung ngả bụng;
Tạo khối máu tụ.
Ngoài ra, còn có thể có các vấn đề mãn tính bao gồm:
Sa sinh dục;
Đau kéo dài;
Dính các cơ quan ổ bụng;
Tiểu không kiểm soát khi có áp lực trong ổ bụng (chẳng hạn khi bạn ho, cườ, nước tiểu bị són ra ngoài);
Mãn kinh, ngay cả khi bạn không được cắt buồng trứng.
Bạn có thể giảm nguy cơ mắc phải biến chứng bằng cách cẩn thận làm theo hướng dẫn của bác sĩ để chuẩn bị cho phẫu thuật, chẳng hạn như nhịn ăn và ngưng một số thuốc nhất định trước khi phẫu thuật.
Quy trình thực hiện
Quy trình thực hiện
Bạn nên làm gì trước khi thực hiện cắt tử cung ngả âm đạo?
Bạn sẽ được chỉ dẫn cụ thể để chuẩn bị cho phẫu thuật, bao gồm việc liệu bạn có thể ăn vài tiếng trước phẫu thuật được không. Đa số trường hợp, bạn nên nhịn ăn khoảng sáu tiếng trước đó. Bạn có thể dùng đồ uống, chẳng hạn như cà phê, một vài tiếng trước phẫu thuật.
Bạn phải thảo luận với bác sĩ về các loại thuốc bạn sử dụng gần đây, tình trạng dị ứng hoặc các bệnh lý khác mà bạn mắc phải, ngoài ra trước khi thực hiện phẫu thuật bạn sẽ gặp bác sĩ gây mê để cùng nhau lên kế hoạch gây mê. Điều quan trọng là phải tuân thủ các hướng dẫn về thời điểm nhịn ăn, uống trước khi phẫu thuật.
Quy trình thực hiện cắt tử cung ngả âm đạo là gì?
Phẫu thuật này thường được thực hiện trong khi gây mê và mất khoảng 45 phút.
Bác sĩ phụ khoa sẽ rạch đường mổ xung quanh cổ tử cung ở đỉnh âm đạo của bạn để có thể cắt bỏ tử cung cùng với cổ tử cung.
Sau đó, bác sĩ thường sẽ khâu lại các dây chằng nâng đỡ tử cung vào phần đỉnh âm đạo của bạn để giảm nguy cơ bị sa trong tương lai.
Hồi phục sức khỏe
Bạn nên làm gì sau khi thực hiện cắt tử cung ngả âm đạo?
Sự xuất hiện của máu trong dịch tiết âm đạo là bình thường trong những ngày đầu hậu phẫu, vì vậy bạn sẽ cần đến băng vệ sinh.
Bạn có thể về nhà sau một đến ba ngày. Nghỉ ngơi trong hai tuần và tiếp tục thực hiện các bài tập mà bạn được hướng dẫn ở bệnh viện. Bạn thường có thể quay trở lại làm việc sau bốn đến sáu tuần, tùy thuộc vào loại hình công việc.
Bạn sẽ cảm thấy bình thường trở lại sau hai đến ba tháng.
Tập luyện đều đặn sẽ giúp bạn quay trở lại với các hoạt động bình thường sớm nhất có thể. Trước khi bắt đầu tập, bạn hãy hỏi xin ý kiến của bác sĩ.
Nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và giải đáp.
Nguồn tham khảo
Cắt tử cung ngả âm đạo, www.mayoclinic.org/tests-procedures/vaginal-hysterectomy/home/ovc-20165324