Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

4 đối tượng cần hoãn tiêm vắc-xin phòng sởi

25/06/2021
4 đối tượng cần hoãn tiêm vắc-xin phòng sởi

Dịch sởi là dịch bệnh nguy hiểm có nguy cơ gây tử vong. Vắc-xin sởi là một trong những vắc xin quan trọng mà mọi trẻ em đều nên được tiêm ở giai đoạn đầu đời.

Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, trực tiếp từ người này sang người khác qua giọt nhỏ nước bọt khi ho, hắt hơi. Biểu hiện bệnh thường có sốt, phát ban trên da tuần tự từ đầu xuống chân, biểu hiện viêm long (ho, chảy nước mũi, Viêm kết mạc mắt,..). Bệnh có thể dẫn đến nhiễm trùng tai, viêm phổi, tiêu chảy mất nước, tổn thương Não hay thậm chí tử vong. Nếu phụ nữ Mang thai mắc Sởi đặc biệt là 3 tháng đầu thai kì thì nguy cơ dị dạng thai Nhi là rất cao, ngoài ra còn có nguy cơ sảy thai, Sinh non hoặc thai chết lưu. Để phòng bệnh sởi nên tiêm vắc-xin phòng sởi cho trẻ em từ 9 tháng tuổi (một số vùng có dịch có thể tiêm vắc-xin phòng sởi cho trẻ từ 6 tháng tuổi ), sau đó sẽ nhắc lại bằng vắc-xin phòng sởi – rubella (MR) hoặc sởi – quai bị - Rubella (MMR, Priorix, ROR...). Đây là một trong những vắc-xin quan trọng mà mọi trẻ em nên được tiêm ở giai đoạn đầu đời.

1. Sởi có thể mắc ở đối tượng nào?

Nguyên nhân chính gây bệnh là virus sởi, do đó người không có kháng thể chống lại virus sởi, không tiêm vắc-xin phòng sởi là người dễ mắc bệnh nhất. Tại Việt Nam, mắc bệnh sởi phổ biến có thể kể đến ở những đối tượng như:

  • Trẻ nhỏ do không còn nhận miễn dịch từ mẹ truyền sang nhưng vẫn chưa được tiêm vắc-xin phòng sởi.
  • Trẻ đã tiêm vắc-xin phòng sởi nhưng chưa có đáp ứng miễn dịch.
  • Thanh niên, người lớn chưa từng mắc sởi hoặc chưa tiêm vắc-xin phòng sởi trước đây.

Ở các thành thị, khu dân cư đông người, những vùng đang lưu hành dịch sởi... nguy cơ mắc bệnh sởi ở trẻ em là rất dễ xảy ra. Vì vậy, việc tiêm vắc-xin phòng sởi là điều cần thiết cho mỗi người đặc biệt là trẻ nhỏ.

4 đối tượng cần hoãn tiêm vắc-xin phòng sởi - ảnh 1
Trẻ nhỏ là nhóm đối tượng có tỷ lệ mắc bệnh sởi cao

2. Có những loại vắc-xin sởi nào đang được sử dụng?

Hiện trên thế giới có hàng chục loại vắc-xin sởi dưới dạng vắc-xin đơn hoặc vắc-xin phối hợp nhiều loại như vắc-xin sởi - rubella hoặc vắc-xin sởi - quai bị - rubella, vắc-xin sởi – quai bị - rubella – thủy đậu. Hiện tại, Việt Nam có 2 loại vắc-xin phòng sởi là vắc-xin phòng sởi đơn MVVAC và vắc-xin phối hợp sởi – rubella hoặc sởi – quai bị - rubella.

Các vắc-xin này thường là vắc-xin sống giảm độc lực, được trình bày dưới dạng vắc-xin đông khô đi kèm với dung môi hòa tan.

Ngoài ra, đang có nhiều nhà khoa học và các y bác sỹ tham gia nghiên cứu chế tạo vắc-xin dạng xịt.

Theo chương trình Tiêm chủng mở rộng của Bộ Y tế Việt Nam, thời gian tiêm vắc-xin phòng sởi là vào tháng thứ 9 và tháng thứ 18 trẻ sẽ được nhắc lại vắc-xin phòng sởi - rubella (MR). Theo chương trình tiêm chủng dịch vụ, trẻ có thể Tiêm chủng vắc-xin phối hợp sởi - quai bị - rubella sau khi tiêm sởi đơn lúc 9 tháng.

Việc tiêm ngừa vắc-xin phòng sởi là rất quan trọng đối với trẻ nhỏ và những người chưa được tiêm chủng. Tuy nhiên, một số trường hợp phải trì hoãn, không thể tiêm loại vắc-xin này.

4 đối tượng cần hoãn tiêm vắc-xin phòng sởi - ảnh 2
Vắc-xin sởi - quai bị - rubella kết hợp

3. Bốn đối tượng cần trì hoãn tiêm vắc-xin phòng sởi

  • Không nên tiêm vắc-xin phòng sởi cho người bị Suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải (AIDS), đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch liều cao, xạ trị, mắc các bệnh ác tính hay đang sử dụng corticoid liều cao ≥ 2mg/kg/ngày hoặc có tiền sử sử dụng Immunoglobulin trước đó chưa được 3 tháng. Nguyên nhân là do ở những trường hợp này khả năng tạo miễn dịch chủ động bị suy giảm. Không nên tiêm vắc-xin phòng sởi cho người chuyển sang giai đoạn AIDS nhưng có thể tiêm vắc-xin phòng sởi cho những người dương tính với HIV.
  • Người có rối loạn về máu, bệnh bạch cầu hay u hạch bạch huyết; người có những khối u tân sinh ác tính ảnh hưởng tới tủy xương hoặc hệ bạch huyết hay những người bị nhiễm lao đang tiến triển chưa được điều trị cũng cần trì hoãn tiêm vắc-xin phòng sởi.
  • Không nên tiêm vắc-xin phòng sởi cho những người phản ứng nghiêm trọng với liều tiêm vắc-xin sởi trước đây hoặc phản ứng Dị ứng với các thành phần có trong vắc - xin (gelatin, neomycin...).
  • Không nên tiêm vắc - xin phòng sởi cho phụ nữ có thai. Các trường hợp sau khi tiêm vắc-xin sởi mới phát hiện đã có thai cần thông báo cho cán bộ y tế để được theo dõi. Cũng như các vắc - xin sống giảm độc lực khác, cần tránh có thai ít nhất 1 tháng và tốt nhất 3 tháng sau khi tiêm vắc - xin.