1. Vi khuẩn gây bệnh bạch hầu
Bệnh Bạch hầu do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra, đây là vi khuẩn hiếu khí Gram dương, có thể tiết độc tố gây ức chế tổng hợp protein, hủy hoại mô tại chỗ, tạo các màng giả dày màu trắng xám ở mũi, họng, lưỡi và thanh khí quản. Bệnh Bạch hầu có thể lây truyền từ người sang người.
Khi độc tố của vi khuẩn bạch hầu được hấp thu vào máu sẽ phân phối khắp cơ thể và gây nên những biến chứng nguy hiểm như: Viêm cơ tim, tổn thương thần kinh, liệt cơ...
Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Khi cơ thể bắt đầu có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, bệnh nhân cần phải đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Một biện pháp quan trọng trong việc điều trị là sử dụng kháng độc tố bạch hầu (SAD) càng sớm càng tốt sau khi phát bệnh. Nếu độc tố xâm nhập được vào tế bào thì thuốc sẽ không còn tác dụng.
Ngoài ra, việc sử dụng kháng sinh cũng rất cần thiết vì bạch hầu thường không lây lan kể từ 48 giờ sau khi dùng kháng sinh. Bên cạnh việc điều trị, bệnh nhân mắc bạch hầu cần được theo dõi sát để phát hiện biến chứng và hạn chế bội nhiễm.
Người thuộc mọi độ tuổi khác nhau có tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh bạch hầu hoặc đi du lịch đến các vùng có dịch nhưng chưa từng được tiêm phòng vắc-xin đều có khả năng mắc bệnh cao. Trẻ sơ sinh thường có miễn dịch thụ động từ mẹ truyền sang con, tuy nhiên miễn dịch này sẽ tự động suy giảm và mất đi khi trẻ được 6 tháng đến 1 tuổi, vì vậy đây là đối tượng cần được tiêm vắc-xin phòng bạch hầu.
Một bệnh nhân sau khi mắc bệnh bạch hầu sẽ có miễn dịch suốt đời với vi khuẩn này. Tuy nhiên, ở những nhóm bệnh nhân mắc chứng suy giảm miễn dịch, tỷ lệ bạch hầu tái phát mắc bệnh trở lại vào khoảng 2 – 5%.
Miễn dịch bảo vệ cơ thể sau tiêm vắc-xin cũng không tồn tại mãi mãi, miễn dịch do vắc-xin mang lại thường chỉ kéo dài khoảng 10 năm, hiệu quả bảo vệ lên đến 97% giảm dần theo thời gian. Do đó, nếu một người đã tiêm vắc-xin phòng bạch hầu nhưng không tiêm mũi nhắc lại vẫn có khả năng mắc bệnh.
Phương pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là tiêm ngừa vắc-xin để tạo miễn dịch chủ động cho cơ thể. Hiện nay, dịch bạch hầu đang có xu hướng bùng phát trở lại tại Việt Nam, nguyên nhân chủ yếu là do tỷ lệ tiêm vắc-xin bạch hầu ở một số vùng chưa cao, đặc biệt ở các tỉnh Tây Nguyên.
Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia đã đưa vắc-xin phòng bạch hầu vào các mũi phối hợp bạch hầu Ho gà uốn ván. Lịch tiêm ngừa bắt đầu khi trẻ được 2 tháng tuổi với 3 mũi cơ bản, cách nhau ít nhất 1 tháng, mũi nhắc lại thứ 4 được khi trẻ đủ 18 tháng và có thể tiêm mũi nhắc lại thứ 5 sau mũi 4 khoảng 10 năm.
Vắc-xin phòng bệnh bạch hầu có mặt trong tất cả các loại vắc-xin kết hợp như: vắc-xin 3 trong 1, vắc-xin 4 trong 1, vắc-xin 5 trong 1 hay vắc-xin 6 trong 1 dành cho trẻ từ độ tuổi 6 tuần tuổi cho đến 6 tuổi. Hiện tại, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cung cấp dịch vụ tiêm phòng vắc-xin bạch hầu cho trẻ em và người lớn.
- Vắc-xin 6 trong 1 (Hexaxim hoặc Infanrix Hexa) có thể phòng ngừa 6 bệnh: bạch hầu, Ho gà, uốn ván, Viêm gan b, Bại liệt và bệnh do Hib.
- Vắc-xin 5 trong 1 (Pentaxim) phòng 5 bệnh: bạch hầu Ho gà uốn ván, Bại liệt và bệnh do Hib
- Vắc-xin thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia ComBE Five giúp phòng 5 bệnh: bạch hầu Ho gà uốn ván, viêm màng Não mủ/viêm phổi do Hib và viêm gan B.
- Vắc-xin 4 trong 1 (Tetraxim) giúp phòng ngừa các bệnh: bạch hầu ho gà uốn ván, bại liệt.
- Vắc-xin 3 trong 1 (Adacel) giúp phòng ngừa các bệnh: bạch hầu ho gà uốn ván.
Tiêm vắc-xin bạch hầu cho người lớn được thực hiện với 1 mũi vắc-xin tổng hợp theo chu kỳ 10 năm, bắt đầu từ mũi tiêm chủng cuối cùng trong độ tuổi 14 - 16 tuổi. Nếu trường hợp không nhớ lần cuối cùng tiêm khi nào thì tiêm ngay 2 mũi cách nhau 30 ngày, sau đó tiêm nhắc lại với mũi thứ 3 sau 6 - 9 tháng sau mũi 2.
Ngoài ra, các biện pháp giúp phòng bạch hầu khác như:
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.
- Che miệng khi ho hoặc hắt hơi.
- Giữ vệ sinh thân thể, súc miệng và rửa mũi, họng hàng ngày.
- Đảm bảo nơi ở, sinh hoạt, làm việc thông thoáng, sạch sẽ và có ánh sáng.
- Khi có dấu hiệu bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh cần phải được cách ly và đến cơ sở y tế để được khám và điều trị sớm.
- Người dân sinh sống tại khu vực có ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
- Nếu tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh hoặc sống trong vùng có dịch bạch hầu cần hạn chế tiếp xúc với mọi người hoặc thực hiện đúng các biện pháp nêu trên.