1. Tổng quan về bỏng thực quản do hóa chất
Bỏng thực quản do hóa chất là tổn thương ở thực quản có thể gặp ở cả người lớn và trẻ em do uống nhầm hóa chất như axit clohydric (dùng trong tráng gương), axit sunfuric (dùng trong sản xuất pin, ắc-quy), bazơ như nước tẩy rửa Javel, dung dịch xút, ... Về mức độ tổn thương, axit gây bỏng ở lớp tổ chức nông, trong khi đó, bazơ làm Bỏng ở các tổ chức sâu hơn.
2. Bỏng thực quản do hóa chất có nguy hiểm không?
Bỏng thực quản do hóa chất là tổn thương phổ biến và rất nguy hiểm, bởi nếu không được xử lý cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong hoặc để lại Sẹo trong thực quản, ảnh hưởng đến ăn uống và làm suy kiệt cơ thể.
Sau khi uống, nuốt hóa chất, tùy theo liều lượng và nồng độ sẽ gây ra những tổn thương từ mức độ nhẹ đến nặng. Nếu nhẹ, ban đầu người bệnh sẽ thấy nóng rát, phỏng từ miệng môi đến lưỡi, họng. Lúc này, nếu kịp thời xử lý cấp cứu đúng cách có thể tránh được di chứng Sẹo do bỏng thực quản để lại.
Trường hợp nặng, người bệnh có thể bị ngộ độc, sốc, choáng váng và cuối cùng dẫn đến tử vong do các biến chứng như thủng thực quản, viêm trung thất, mất cân bằng điện giải làm xuất huyết tiêu hóa, ...
3. Biểu hiện bỏng thực quản do hóa chất
Sau khi uống phải hóa chất, tùy vào liều lượng, nồng độ cũng như loại hóa chất (axit hay bazơ), bỏng thực quản sẽ có biểu hiện diễn tiến qua 3 giai đoạn với mức độ và trong khoảng thời gian khác nhau.
3.1. Giai đoạn bỏng thực quản cấp tính
Giai đoạn này kéo dài từ 1 - 2 tuần và được chia ra 3 thời kỳ cụ thể sau:
Thời kỳ choáng: (xảy ra trong vài giờ đầu sau khi uống hóa chất): Ở thời kỳ này, người bệnh sẽ cảm thấy đau, hoảng loạn, lo sợ, rối Loạn tâm thần và đây là những nguyên nhân gây ra biểu hiện choáng. Thời kỳ này nếu được phát hiện và xử lý đúng cách kịp thời có thể giúp bảo đảm tính mạng của người bệnh.
- Đau: Sau khi uống hóa chất làm bỏng thực quản, người bệnh sẽ thấy đau dữ dội từ miệng, họng đến thực quản, vùng cổ, ngực, thượng vị và dạ dày. Mức độ đau có thể từ nhẹ đến nặng, đặc biệt cơn đau nhói ở ngực và tăng dần khi nuốt, ho, nói thì đó có thể là biểu hiện của thủng thực quản hoặc thủng dạ dày.
- Rối loạn kiềm toan: Nồng độ của hóa chất uống vào sẽ gây ra rối loạn kiềm toan trong máu với các mức độ khác nhau, nếu nặng có thể khiến người bệnh choáng váng.
Thời kỳ loét: (xảy ra 2 - 3 ngày sau khi uống hóa chất): Ở thời kỳ này, bỏng thực quản có thể gây Sốt do bội nhiễm, mức độ cơn đau tăng dần và khiến người bệnh không thể ăn uống được do đau khi nuốt. Ngoài ra, còn có các biểu hiện khác như hôi miệng, hơi thở chua, Ho khạc ra máu hoặc lớp niêm mạc trắng.
Thời kỳ phục hồi: (xảy ra 6 - 10 ngày sau khi uống hóa chất): Tùy vào loại và nồng độ hóa chất uống vào có thể gây bỏng thực quản nông hoặc sâu, từ đó sẽ có thời gian phục hồi khác nhau. Đây được gọi là thời kỳ phục hồi vì các biểu hiện của bệnh giảm dần như bớt sốt, đau, người bệnh có thể ăn uống được, thể trạng khỏe hơn, vết loét bắt đầu liền.
Ở giai đoạn cấp tính, người bệnh cần được xử lý cấp cứu đúng cách để không ảnh hưởng đến tính mạng và tránh để lại di chứng về sau.
3.2. Giai đoạn bỏng thực quản trung gian
Giai đoạn này thường kéo dài từ 3 - 6 tuần và là giai đoạn chuyển từ cấp tính sang mãn tính. Đây còn gọi là giai đoạn hết bệnh giả, do các triệu chứng của bỏng thực quản biến mất như hết sốt, hết đau, ăn uống được. Tuy nhiên, thực tế đây lại là giai đoạn sẹo đang hình thành trong lòng thực quản và gây ra triệu chứng nuốt nghẹn ở giai đoạn tiếp theo.
3.3. Giai đoạn bỏng thực quản hình thành sẹo hẹp
Biểu hiện chính của giai đoạn này khi sẹo hình thành là triệu chứng nuốt nghẹn tăng dần, người bệnh không thể nuốt thức ăn từ đặc cho tới lỏng, thậm chí sẹo làm chít hẹp thực quản khiến thức ăn bị ứ đọng lại và gây nôn sau khi ăn.
4. Chẩn đoán bỏng thực quản do hóa chất
Để chẩn đoán và đánh giá tình trạng và mức độ bỏng thực quản do hóa chất cần tiến hành:
- Nội soi thực quản: Nội soi thực quản cho phép đánh giá vị trí cũng như mức độ thực quản bị tổn thương. Tuy nhiên, cần lưu ý, nội soi có thể làm tăng mức độ tổn thương thực quản và có thể gây tai biến, đặc biệt là trong thời kỳ loét, dẫn đến thủng thực quản. Nội soi thực quản được tiến hành ở giai đoạn thứ 2, giai đoạn trung gian.
- Chụp X-quang: Chụp X-quang thực quản có cản quang cũng cho phép xác định vị trí và tình trạng thực quản bị tổn thương, sẹo chít hẹp hoặc thủng thực quản. Tuy nhiên, cần lưu ý, nếu bỏng thực quản làm thủng thực quản thì tránh dùng chất cản quang nặng hoặc không hấp thu được vì có thể bị ứ đọng và ảnh hưởng đến trung thất, phổi.
5. Điều trị bỏng thực quản do hóa chất
Bỏng thực quản do hóa chất cần được phát hiện và xử trí cấp cứu càng sớm càng tốt để bảo vệ tính mạng của người bệnh cũng như tránh những di chứng nguy hiểm để lại.
Xử trí cấp cứu trong những giờ đầu sau khi uống hóa chất gồm:
- Phòng, chống choáng: Dùng thuốc giảm đau không có morphin, truyền dịch để cân bằng kiềm toan, dùng thuốc trợ tim, thuốc an thần (nếu có rối loạn, căng thẳng, hoảng sợ).
- Cân bằng kiềm toan: Dùng các chất đối kháng hoặc trung hòa. Tuy nhiên, cần thận trọng trong việc rửa dạ dày vì có thể làm tổn thương hoặc gây tai biến.
- Chống bội nhiễm: Chống bội nhiễm do bỏng thực quản bằng cách dùng kháng sinh sớm và trong thời gian dài, dùng kháng sinh phổ rộng.
- Theo dõi và phát hiện trường hợp có thủng thực quản, hoặc thủng dạ dày: Thủng thực quản hoặc dạ dày có thể xuất hiện muộn sau vài ngày sau, đặc biệt là trong thời kỳ loét.
- Dinh dưỡng: Cần đảm bảo dinh dưỡng cho người bệnh để tổn thương loét nhanh chóng hồi phục. Tùy vào tình trạng và mức độ tổn thương để tiến hành đặt ống thông thực quản sớm, giúp ngăn ngừa dính thực quản. Tuy nhiên, cần lưu ý tránh đặt ống thông trong thời kỳ bỏng thực quản do hóa chất gây loét vì có thể dẫn đến biến chứng thủng thực quản. Trường hợp cần thiết có thể phải đặt ống thông dạ dày để truyền Dinh dưỡng cho người bệnh.
- Ngăn ngừa sẹo hẹp chít thực quản: Khi sẹo hình thành có thể làm chít hẹp thực quản. Do đó, người bệnh cần được phát hiện và cấp cứu sớm.
Sau các bước xử trí ban đầu, tùy vào mức độ tổn thương sẽ có phác đồ điều trị bỏng thực quản do hóa chất phù hợp:
- Điều trị bằng corticoid: Corticoid nên được dùng sớm và trong thời gian dài để làm ức chế các tế bào xơ non và tổ chức sợi xơ. Tuy nhiên, cần lưu ý biến chứng dùng corticoid như làm tổn thương niêm mạc dạ dày.
- Nong thực quản: Nội soi nong thực quản là kỹ thuật hiện đại cho phép phát hiện, phòng ngừa cũng như điều trị sẹo hẹp do bỏng thực quản gây ra.
- Phẫu thuật cắt nối, điều trị ngoại khoa: Trường hợp sẹo hình thành và điều trị bằng kỹ thuật nong thực quản không hiệu quả, người bệnh có thể được chỉ định điều trị ngoại khoa với phương pháp phẫu thuật cắt nối thực quản hoặc thay thế thực quản bằng đoạn ruột.
Bỏng thực quản do hóa chất rất nguy hiểm, có thể gây tử vong nếu không phát hiện kịp thời và xử lý cấp cứu đúng cách. Điều trị bỏng thực quản cũng rất khó khăn, đặc biệt là khi sẹo do vết bỏng hình thành có thể làm chít hẹp thực quản.