Bệnh đa xơ cứng - Chẩn đoán và điều trị

Bệnh đa xơ cứng rải rác (Multiple Sclerosis, MS) là một tình trạng rối loạn của não bộ và tủy sống. Bệnh có thể gây ra các triệu chứng lâm sàng khác nhau. Trong hầu hết các trường hợp, các đợt triệu chứng đầu tiên có thể diễn biến trong thời gian dài.
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Neuron hay tế bào thần kinh là các đơn vị nhỏ nhất trong hệ thống thần kinh trung ương cho phép chúng ta suy nghĩ, nhìn, nghe, nói, cảm nhận và nhiều chức năng khác. Mỗi tế bào thần kinh được cấu tạo bởi thân tế bào, sợi nhánh và một sợi trục (phần mở rộng của các tế bào cơ thể). Hầu hết, các sợi trục thần kinh ở khu trung ương có lớp vỏ myelin chứa chủ yếu là chất béo và protein, đóng vai trò như lớp vỏ ngăn cách. Myelin giúp gia tăng tốc độ các tín hiệu điện chuyển động dọc theo tế bào thần kinh.

Đa xơ cứng hay còn gọi Xơ cứng rải rác là bệnh Tự miễn có ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh ở Não và tủy sống. Trong đa xơ cứng, myelin bị hư hỏng hoặc bị viêm, làm gián đoạn tín hiệu thần kinh, gây thiệt hại cho các sợi thần kinh cơ và các triệu chứng khác. Người bệnh có thể chỉ có triệu chứng nhẹ, rất ít triệu chứng hoặc nhiều triệu chứng với khuyết tật nặng.

2. Những dấu hiệu và triệu chứng Bệnh đa xơ cứng là gì?

Triệu chứng phụ thuộc loại và số lượng tế bào thần kinh bị tổn thương. Các triệu chứng có thể khác nhau giữa người này với người khác, bao gồm:

  • Triệu chứng sớm nhất là mất cảm giác;
  • Các vấn đề về mắt như mờ mắt hoặc nhìn thấy hai hình ảnh 1 vật tách rời nhau. Bệnh thường ở một bên mắt và đau khi chuyển động mắt;
  • Các vấn đề vận động như chuột rút, yếu cơ ở một cánh tay hoặc chân, vụng về, mất thăng bằng, co cứng;
  • Các vấn đề hệ thống thần kinh tự trị như mất kiểm soát bàng quang và ruột, rối loạn chức năng tình dục;
  • Nói lắp;
  • Trầm cảm.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

3. Chẩn đoán bệnh đa xơ cứng

Để chẩn đoán bệnh đa xơ cứng thường rất khó do những triệu chứng đầu tiên của bệnh khá giống so với những bệnh thông thường khác.

  • Tiêu chuẩn lâm sàng

Không có xét nghiệm hay hình ảnh nào là chẩn đoán xác đinh cho MS, và các chẩn đoán dựa trên các tiêu chuẩn lâm sàng. Chẩn đoán xác định yêu cầu phải có chứng cứ về tiền sử và khám có ít nhất hai lần tấn công khác biệt ảnh hưởng đến hai vùng khác nhau của hệ thần kinh trung ương.

Một số xét nghiệm cận lâm sàng có vai trò quan trọng trong chẩn đoán bệnh đa xơ cứng:

3.1. Cộng hưởng từ (MRI) não

Cộng hưởng từ MRI rất có ích trong chẩn đoán bệnh đa xơ cứng. MRI có thể phát hiện các vùng viêm nhỏ và Sẹo trong não bệnh nhân xơ cứng rải rác. Mặc dù MRI rất hữu ích trong việc giúp chẩn đoán bệnh đa xơ cứng, nhưng không phải lúc nào cũng kết luận được bệnh, đặc biệt là trong giai đoạn đầu của đa xơ cứng. Một kết quả MRI luôn luôn nên được đối chiếu với các triệu chứng và thăm khám lâm sàng.

Bệnh đa xơ cứng - Chẩn đoán và điều trị - ảnh 1
Chụp MRI não

3.2. Chọc dò tủy sống

Trong xét nghiệm này, bác sĩ sẽ Gây tê cục bộ và đâm kim vào phần dưới của lưng để lấy một ít dịch lỏng bao quanh não và tủy sống gọi là dịch não tủy (CSF). Nồng độ một số protein nhất định được đo đạc vì bệnh đa xơ cứng làm thay đổi thành phần một số protein đó. Dù vậy, hiện tượng này không đặc hiệu vì một số bệnh khác cũng làm thay đổi thành phần protein như vậy.

3.3. Đo điện thế gợi (Evoked potential test)

Trong xét nghiệm này, bác sĩ sẽ dùng các điện cực khảo sát xem có bất thường nào trong các xung điện truyền trên những dây thần kinh nhất định. Mục đích để tìm những chứng cứ hỗ trợ cho biết có sự thoái hoá myelin, điện thế gợi thị giác thường được dùng.

4. Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ bị bệnh đa xơ cứng?

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh đa xơ cứng, chẳng hạn như:

  • Yếu tố di truyền;
  • Tuổi tác;
  • Giới tính;
  • Chủng tộc;
  • Một số bệnh tự miễn.

5. Cách chữa bệnh đa xơ cứng

Bệnh đa xơ cứng không thể chữa khỏi, nhưng nhiều cách chữa bệnh đa xơ cứng có thể kiểm soát các triệu chứng và làm chậm sự tiến triển của bệnh. Cách chữa bệnh đa xơ cứng đã cải thiện hơn nhiều, nhờ những thuốc mới được dùng ngay sau khi bệnh nhân được xác nhận là bệnh đa xơ cứng và các tiến bộ về trong chẩn đoán cận lâm sàng đặc biệt là chẩn đoán hình ảnh bằng MRI.

Phương pháp điều trị bao gồm:

  • Liệu pháp điều hòa miễn dịch nhằm giải quyết vấn đề miễn dịch và liệu pháp giảm nhẹ để kiểm soát triệu chứng của bệnh đa xơ cứng.
  • Sử dụng một số loại thuốc trong điều trị: Các loại thuốc Steroid được sử dụng để làm giảm mức độ trầm trọng của một đợt tấn công của bệnh đa xơ cứng. Thuốc điều trị triệu chứng bệnh: Baclofen, Tizanidine, Diazepam để làm giảm sự co thắt của cơ. Thuốc chống liệt rung có tác dụng Cholinergic có thể giúp làm giảm những vấn đề về tiết niệu. Thuốc chống suy nhược có thể giúp người bệnh chống lại những triệu chứng về tâm lý hoặc hành vi. Thuốc Amantadine được sử dụng với tác dụng chống sự mệt mỏi.
  • Liệu pháp điều chỉnh miễn dịch bằng việc tiêm thuốc một lần hoặc vài lần mỗi tuần. Thuốc được sử dụng là dạng Interferon hoặc thuốc Glatiramer acetate.
  • Dùng một số loại thuốc kiểm soát triệu chứng và làm giảm viêm dây thần kinh như corticosteroid, thuốc chẹn beta hoặc dùng thuốc khác để làm chậm và ngăn chặn phản ứng của hệ miễn dịch.
  • Phương pháp vật lý trị liệu và thư giãn cơ để hỗ trợ điều trị.

Chế độ sinh hoạt phù hợp có thể giúp bệnh nhân kiểm soát căn bệnh này: Tập thể dục, chế độ ăn uống cân bằng, giảm bớt căng thẳng...

Ngoài ra, truyền tế bào gốc tạo máu tự thân có thể làm giảm bớt các phản ứng tự miễn và tái phát trong thời gian dài của bệnh. Đơn nguyên Huyết học và Trị liệu tế bào tại Bệnh viện quốc tế Vinmec đã bắt đầu điều trị cho người bệnh xơ cứng rải rác bằng liệu pháp Ghép tế bào gốc tạo máu tự thân.

Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung