1. Nguyên nhân bệnh Ho của bé
Những cơn ho thường là biểu hiệu của cơ thể trẻ đang phản ứng lại với các yếu tố tác động từ môi trường bên ngoài, hạn chế việc xâm nhập của dị vật hoặc tham gia vào việc tống xuất dịch tiết. Những nguyên nhân thường gặp khiến bé bị Ho bao gồm:
2.1. Nguyên nhân từ đường hô hấp trên của bé
Những bệnh lý thường gặp: Cảm lạnh, viêm mũi, viêm họng, viêm xoang, viêm amidan thường ho khan, hoặc ho có đàm do dịch tiết chảy từ xoang hoặc mũi sau.
2.2. Nguyên nhân từ đường hô hấp dưới của bé
Các nguyên nhân có thể gặp: Viêm thanh quản với khàn tiếng, ho khan ho vang dội ong ỏng, viêm phế quản, viêm phổi, viêm tiểu phế quản, hen thường ho có đàm.
2.3. Các nguyên nhân khác
Các nguyên nhân khác hay gặp như ho do bệnh trào ngược dạ dày thực quản, ho do dị ứng, ho do tác nhân vật lý, hóa học như hút thuốc lá thụ động...
2. Phân biệt các loại ho thông thường ở bé
Bé bị ho khan từng cơn, ho có đờm, ho về đêm. Bé bị ho tùy trường hợp mà nguyên nhân và cách xử lý sẽ khác nhau. Sau đây là các loại ho thường gặp nhất ở trẻ.
2.1. Ho khan từng cơn
Nguyên nhân gây ra ho khan từng cơn ở trẻ bắt nguồn từ các bệnh Nhiễm trùng đường hô hấp trên (vùng mũi và cổ họng) như cảm lạnh, cảm cúm. Ngoài ra, ho khan cũng có thể là dấu hiệu sớm của bệnh viêm đường hô hấp dưới như viêm phế quản hoặc viêm phổi. Những nguyên nhân khác bao gồm: Bé tiếp xúc thường xuyên với khói thuốc lá từ người lớn.
2.2. Ho ra đờm
Loại ho này gây ra bởi chất dịch nhầy ở đường hô hấp dưới của bé. Nguyên nhân thường gặp của ho có đờm là viêm phế quản, Viêm tiểu phế quản và bệnh hen suyễn. Qua đó, cơn ho sẽ loại bỏ chất dịch (đờm) qua đường hô hấp dưới.
2.3. Trẻ bị ho gà
Các triệu chứng của Ho gà tương tự như cảm lạnh, tuy nhiên các cơn ho càng lúc càng nặng hơn, nhất là vào ban đêm. Khi bé ho gà, âm thanh phát ra giống những tiếng rít. Các cơn Ho gà gây ra hiện tượng khó thở và mặt bé trở nên tím tái vì bị thiếu oxy.
3. Làm sao điều trị dứt điểm bệnh ho của bé?
3.1. Bố mẹ có nên tự mua thuốc điều trị ho cho bé không?
Khi bé bị ho , bố mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi cho bé sử dụng bất kỳ loại thuốc nào. Thực tế, hầu hết các bác sĩ đều không khuyến khích việc bố mẹ tự ý cho trẻ nhỏ dùng thuốc. Đặc biệt hiện nay, tình hình đề kháng kháng sinh đang gia tăng nhanh chóng. Theo khuyến cáo của Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) , bố mẹ không nên tự ý dùng thuốc cho trẻ dưới 4 tuổi, thậm chí đối với trẻ từ 4 đến 6 tuổi cũng nên sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.Khi bé được 6 tuổi, bố mẹ có thể đến nhà thuốc mua thuốc ho cho bé, tuy nhiên cần sử dụng theo hướng dẫn của dược sĩ đứng quầy, lưu ý liều lượng phù hợp của thuốc đối với độ tuổi của trẻ. Không nên cho trẻ dùng nhiều hơn 2 loại thuốc trong cùng một thời điểm, bởi vì trong mỗi thuốc thường có nhiều thành phần hoạt chất khác nhau và rất có thể bạn sẽ vô tình cho trẻ dùng một hoạt chất nào đó quá liều lượng, dễ dẫn đến tác dụng không mong muốn.
3.2. Trường hợp nào cần đưa trẻ đến khám bác sĩ ngay lập tức?
Không phải khi nào bé bị ho cũng cần được bác sĩ thăm khám đặc biệt. Đa phần các triệu chứng sẽ dần tự khỏi.
- Bé có biểu hiện tím tái môi và quanh môi.
- Bé thở mệt, thở gắng sức.
- Bé ngừng thở.
Đối với các triệu chứng sau đây, cần đưa trẻ đến bác sĩ càng sớm càng tốt:
- Cảm thấy khó chịu khi thở hoặc nói chuyện
- Ho kèm nôn mửa.
- Mặt hay da môi tím khi ho
- Chảy nước dãi hoặc khó nuốt
- Tỏ vẻ rất yếu ớt hoặc mệt mỏi
- Bản thân bé hoặc bố mẹ cảm thấy có dị vật bị kẹt trong họng
- Đau ngực khi thở sâu
- Ho và thở khò khè
- Bé dưới 4 tháng tuổi có nhiệt độ tại trực tràng trên 39° C (Không được cho trẻ uống thuốc hạ sốt)
- Bé Sốt cao 40° C , không cải thiện trong vòng hai giờ sau khi sử dụng thuốc hạ sốt.
- Bé nhũ nhi bú kém hoặc bỏ bú.
3.3. Nên làm gì khi bé bị ho?
Như vậy, bố mẹ phải làm sao với bệnh ho của bé? Bố mẹ có thể chăm sóc bé như sau:
- Nên để bé có thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn. Tăng cường đề kháng cho bé bằng sữa mẹ hoặc sữa công thức. Bên cạnh đó, cần bổ sung nhiều nước và các chất điện giải;
- Tắm hơi có thể giúp làm giảm cơn ho cho bé. Bố mẹ nên ngồi cùng với bé trong phòng tắm, sử dụng hơi nước ấm hoặc nóng. Không khí ấm áp và hơi nóng từ nước sẽ giúp thư giãn đường hô hấp của bé. Cần thận trọng tránh để bé bị bỏng;
- Nếu bé hơn 1 tuổi, bạn có thể pha cho bé một ly nước ấm với mật ong và chanh. Lưu ý cách này không nên áp dụng cho trẻ dưới 1 tuổi, vì hệ cơ quan chưa hoàn thiện có thể làm tăng nguy cơ Ngộ độc thực phẩm từ mật ong.
- Tiêm phòng cho trẻ 0 - 24 tháng tuổi là phương pháp phòng bệnh hiệu quả và tiết kiệm nhất giúp trẻ phòng ngừa ho do các bệnh lý như cảm cúm, viêm phế quản, viêm phổi...
4. Cần lưu ý điều gì ở bệnh ho của bé?
- Kẹo ngậm và một số loại thuốc có thể làm giảm đau họng do ho. Lưu ý không nên tự ý dùng thuốc cho trẻ dưới 4 tuổi.
- Một vài loại thuốc ho và thuốc Cảm lạnh không kê đơn có thể không phù hợp với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 6 tuổi vì nguy cơ xuất hiện các phản ứng có hại.
- Nên sử dụng thuốc ho theo chỉ định của bác sĩ.
- Chế độ ăn uống của trẻ cần hạn chế các loại thực phẩm sau: chocolate, bạc hà, thức ăn dầu mỡ béo, cay, các chất kích thích và thức uống có ga.
- Chia nhỏ bữa ăn và nên cho trẻ ăn ít nhất hai giờ trước khi ngủ. Nếu tình trạng ho của bé tiếp tục không thuyên giảm, bạn cần đưa bé đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.
Bệnh ho của bé là triệu chứng thường gặp ở trẻ em. Tuy nhiên, một khi đã tìm hiểu rõ các nguyên nhân khiến bé bị ho, triệu chứng cụ thể về bệnh ho của bé, quý phụ huynh sẽ dễ dàng hơn trong việc xác định phương hướng, để có thể thăm khám chuyên khoa và điều trị thích hợp nhất cho con em mình