1. Thời gian ủ bệnh thủy đậu trong bao lâu?
Thủy đậu là bệnh gây ra bởi virus thủy đậu (Varicellavirus), xảy ra ở trẻ nhỏ, virus này còn là nguyên nhân gây bệnh Zona ở người lớn. Bệnh diễn biến cấp tính với biểu hiện Sốt nhẹ và phát ban. Ban mọc nhiều đợt trên cùng một vùng da nên có thể thấy chúng ở nhiều lứa tuổi khác nhau từ nốt sần, bọng nước trong, bọng nước đục cho đến nốt vảy.
Cũng như các bệnh nhiễm khuẩn lây bằng đường không khí giọt nhỏ, mức độ mắc thủy đậu cao hơn trong các tháng lạnh. Dịch thủy đậu cũng có tính chất chu kỳ nhất định như dịch sởi.
Thời gian ủ bệnh: 2 đến 3 tuần, thông thường 14-16 ngày.
Thời kỳ lây truyền: Dài nhất là 5 ngày, nhưng thường là từ 1-2 ngày trước phát ban và không quá 5 ngày sau khi xuất hiện lớp bọng nước đầu tiên. Sự lây truyền có thể kéo dài hơn ở những người bị thay đổi miễn dịch. Tỷ lệ tấn công thứ phát ở những người cảm nhiễm sống cùng trong gia đình là 70 - 90%. Bệnh nhân Zona có thể lan truyền bệnh trong một tuần sau khi mọc ban. Cơ thể cảm nhiễm có thể bị mắc bệnh sau khi phơi nhiễm 10 - 21 ngày.
2. Bệnh thủy đậu lây qua đường nào?
Bệnh thủy đậu lây truyền qua những con đường sau:
- Lây truyền từ người sang người bằng tiếp xúc trực tiếp,
- lây qua đường không khí từ các giọt nhỏ dịch tiết đường Hô hấp hoặc chất dịch của nốt phỏng.
- Lây gián tiếp qua các đồ vật vừa mới bị nhiễm chất dịch của nốt phỏng hoặc niêm mạc.
Ở người bị thủy đậu, bệnh có thể lây từ 1-2 ngày trước khi nổi ban Ngứa cho đến khi tất cả những vết phồng đã đóng vảy. Khoảng 90% những người chưa từng bị thủy đậu sẽ mắc bệnh, nếu tiếp xúc với một người bị nhiễm bệnh.
3. Bệnh thủy đậu có nguy hiểm không?
Cũng như các bệnh lý khác, nếu không được điều trị kịp thời bệnh thủy đậu có thể dẫn tới một số biến chứng nguy hiểm:
- Nhiễm trùng da nơi mụn nước: Đây là biến chứng nhẹ, không gây nguy hiểm, nhưng có thể để lại sẹo
- Vi trùng xâm nhập từ Mụn nước vào máu, gây nhiễm trùng huyết
- Viêm phổi, viêm não, viêm tiểu não...: Đây là các biến chứng gây nguy hiểm đến tính mạng, hoặc để lại di chứng về sau này.
- Zona: Ngay cả sau khi bệnh nhân đã khỏi bệnh, siêu vi thủy đậu vẫn còn tồn tại trong các hạch Thần kinh dưới dạng bất hoạt (ngủ đông). 10, 20, hay 30 năm sau đó, khi gặp được các điều kiện thuận tiện (sức đề kháng cơ thể yếu đi, mắc một số bệnh nhất định...), siêu vi này sẽ tái hoạt động trở lại và là một yếu tố gây bệnh zona (hay còn gọi là giời leo).
- Bệnh đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai. Ở 3 tháng đầu của thai kỳ, virus thủy đậu trong cơ thể mẹ sẽ gây sảy thai, hay khi sinh ra trẻ sẽ bị thủy đậu bẩm sinh với nhiều dị tật như đầu nhỏ, co gồng tay chân, bại não, Sẹo bẩm sinh... Ở những ngày cuối của thai kỳ hoặc sau sinh, bệnh thủy đậu ở mẹ có thể lây sang bé, khiến bé bị nổi Mụn nước rất nhiều và dễ bị biến chứng viêm phổi, viêm đường hô hấp...
4. Cách phòng ngừa bệnh thủy đậu
Tiêm vacxin phòng thủy đậu là cách hiệu quả và lâu dài, giúp cơ thể tạo kháng thể chống lại virus thủy đậu. Vaccine thủy đậu có tác dụng lâu bền. Khoảng 90% người đã Tiêm chủng có khả năng miễn dịch tuyệt đối với bệnh. Khoảng 10% còn lại có thể bị thủy đậu sau khi tiêm chủng, nhưng các trường hợp này cũng chỉ bị nhẹ, rất ít nốt đậu, không bị biến chứng. Thực hiện tiêm chủng: Vắc xin thủy đậu sống giảm độc lực. Với trẻ từ 12 tháng đến 12 tuổi tiêm 1 liều 0,5 ml dưới da. Trẻ từ 13 tuổi trở lên tiêm 2 liều cách nhau 4-8 tuần.
Ngoài ra, nên hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan. Những trường hợp mắc bệnh thuỷ đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày từ lúc khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường.
Nguồn tổng hợp: Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế