Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Bệnh võng mạc trẻ đẻ non

25/06/2021
Bệnh võng mạc trẻ đẻ non

Bệnh võng mạc trẻ đẻ non là bệnh lý thường gặp, đặc biệt là với những trẻ sinh khi tuổi thai nhỏ hơn 33 tuần tuổi. Nguyên nhân là vì võng mạc mắt thường hình thành từ tuần thứ 16 đến tuần thứ 40 của thai kỳ.

1. Bệnh võng mạc trẻ đẻ non là gì?

Bệnh võng mạc trẻ đẻ non (Retinopathy of prematurity - ROP) là một tình trạng bệnh lý của Mắt thường gặp ở những trẻ đẻ non, nhẹ cân (dưới 1800 g). Nếu bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời thì một tỷ lệ đáng kể có nguy cơ bị mù vĩnh viễn cả hai mắt.

2. Nguyên nhân nào gây ra bệnh ROP?

  • Chưa biết chính xác nguyên nhân gây bệnh.
  • Cân nặng và tuổi thai khi sinh thấp, thở oxy cao và kéo dài, thiếu máu....

3. Những trẻ nào dễ bị bệnh? Tại sao trẻ đẻ non lại dễ bị bệnh này?

  • Những trẻ sinh càng non, càng nhẹ cân và càng ốm yếu thì nguy cơ mắc bệnh càng cao và bệnh càng nặng.
  • Thường gặp trẻ đẻ non có cân nặng khi sinh dưới 1800 g.
  • Tuổi thai khi sinh ≤ 33 tuần.

Trẻ Sinh non dễ bị bệnh này vì:

  • Võng mạc của mắt hình thành vào tuần thứ 16 thường kết thúc tuần 40. Hệ thống mạch máu này cung cấp dưỡng chất và Oxy phát triển toàn bộ bề mặt của lớp trong cùng phía sau của mắt. Ở trẻ đẻ non quá trình này chưa hoàn thành.
  • Sau sinh nếu các mạch máu phát triển bất thường trẻ sẽ mắc bệnh.
Bệnh võng mạc trẻ đẻ non - ảnh 1
HÌnh ảnh bệnh võng mạc trẻ đẻ non

4. Phải làm thế nào để biết cháu bé bị bệnh?

  • ROP khi đã biểu hiện ra bên ngoài là đã ở vào giai đoạn quá muộn. Khi bệnh ở giai đoạn sớm thì nhìn bằng mắt thường không thể phát hiện được.
  • Bác sỹ chuyên khoa mắt sẽ có dụng cụ, máy chuyên dụng để khám đáy mắt của cháu bé và phát hiện bệnh ở giai đoạn rất sớm.

5. Khi nào cháu bé cần khám mắt để phát hiện bệnh, số lần khám, khám đến bao giờ? 

  • Lần khám mắt đầu tiên khi trẻ được 3 - 4 tuần sau sinh, hoặc trẻ ≥ 31 tuần tuổi.
  • Ngay khi cháu còn nằm điều trị trong khoa sơ sinh và cả khi cháu đã được về nhà.
  • Khám lại 2 tuần một lần cho tới khi bé được 40 - 42 tuần tuổi (tính từ ngày thụ thai).
  • Hoặc tới khi các mạch máu ở võng mạc phát triển một cách đầy đủ.

Giai đoạn nặng hơn thì cháu bé có thể sẽ phải được khám lại sau 1 tuần thậm chí sau 2 - 3 ngày, có khi cần phải điều trị ngay.

6. Khi trẻ bị bệnh có cách nào để điều trị?

  • Bác sỹ khám sẽ lựa chọn phương pháp điều trị tốt nhất cho bé.
  • Có 2 phương pháp điều trị hiện nay là laser và tiêm thuốc. Tỷ lệ thành công laser: 65% với hình thái nặng và khoảng 90% - 95% với hình thái nhẹ hoặc trung bình. Tiêm thuốc từ 98 - 100%.

7. Cách nào phòng cho trẻ không bị bệnh?

  • Quản lý thai nghén tốt để hạn chế bị đẻ non.
  • Khi đã bị đẻ non, cân nặng thấp thì cần phải tuân thủ chế độ khám mắt cho bé.
  • Không chủ quan khi thấy mắt bé bề ngoài có vẻ bình thường.