Mục lục:

Hẹp mạch vành dễ dẫn đến nhồi máu cơ tim

Hẹp mạch vành trong thời gian dài sẽ dẫn đến suy tim do cơ tim thường xuyên bị thiếu máu và tình trạng tắc đột ngột sẽ gây nên tình trạng nhồi máu cơ tim gây ra hoại tử một vùng cơ tim, để lại nhiều di chứng nặng nề cho sức khỏe tim mạch như suy tim, hở van tim, loạn nhịp thậm chí là tử vong.
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1. Hẹp Mạch vành dễ dẫn đến nhồi máu cơ tim

Hẹp mạch vành là khái niệm để chỉ tình trạng dòng máu không thể đến tim đầy đủ do tình trạng hẹp lòng mạch máu nuôi tim (hẹp động mạch vành). Nguyên nhân thường gặp của hẹp Mạch vành là do sự xuất hiện của mảng xơ vữa bám vào lòng mạch, gây ra phản ứng viêm, có khả năng lớn dần lên, gây hẹp lòng động mạch và khi vỡ dễ dẫn đến nhồi máu cơ tim, đe dọa tính mạng bệnh nhân.

Đau thắt ngực trái là triệu chứng điển hình và thường xảy ra nhất của bệnh hẹp mạch vành, chủ yếu xảy ra khi gắng sức, xúc động, cảm lạnh. Cảm giác cơn đau giống như có ai bóp vặn, xoắn trong tim, cơn đau có thể lan ra vùng hàm, cẳng tay, cánh tay và theo dọc ngón út bàn tay trái ... Biểu hiện đau thường kéo dài 5-10 phút, thường tự hết khi nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc hỗ trợ.

Một số trường hợp người cao tuổi, bệnh tiểu đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính khi mắc bệnh hẹp mạch vành có thể không biểu hiện triệu chứng đau thắt ngực điển hình như trên, mà thay vào đó là dấu hiệu mệt mỏi hoặc khó thở mỗi khi gắng sức. Đây là nguyên nhân khiến cho bản thân người bệnh và thân nhân ít lưu tâm để ý, dẫn đến chậm trễ trong việc chẩn đoán và điều trị, cho đến khi nhồi máu cơ tim xảy ra thì đã quá muộn.

Hẹp mạch vành dễ dẫn đến nhồi máu cơ tim - ảnh 1
Nguy cơ nhồi máu cơ tim do hẹp mạch vành

2. Bệnh nhân hẹp mạch vành cần được can thiệp điều trị sớm

Khi phát hiện bệnh hẹp mạch vành, bệnh nhân cần được tiến hành điều trị sớm bằng các phương pháp sau:

2.1. Điều trị hẹp mạch vành không dùng thuốc

Bệnh nhân hẹp mạch vành cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ đối với điều trị không dùng thuốc:

  • Tiết thực: Bệnh nhân cần có chế độ ăn kiêng hợp lý theo lời khuyên của bác sĩ điều trị, chẳng hạn như hạn chế bổ sung quá nhiều năng lượng, giảm chất béo động vật (trong lòng đỏ trứng, mỡ động vật).
  • Tập thể dục đều đặn: Mức độ vận động thể lực tùy theo thể trạng, tuổi và các bệnh kèm theo. Trung bình nên tập thể dục 30 phút mỗi ngày, đều đặn vào các ngày trong tuần.
  • Tuân thủ các chế độ điều trị, đặc biệt với bệnh nhân kèm cao huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid máu.

2.2. Điều trị nội khoa bằng thuốc

Việc sử dụng thuốc cần được thực hiện dưới chỉ định của bác sĩ điều trị trực tiếp cho bệnh nhân:

  • Thuốc giãn vành: Thường sử dụng khi bệnh nhân lên cơn đau, trước khi vận động (lên cầu thang, lên dốc).
  • Kháng tiểu cầu: Là các thuốc điều trị thường xuyên đối với bệnh hẹp mạch vành, khi không bị Loét dạ dày tá tràng hoặc xuất huyết tiêu hoá, ngăn ngừa xảy ra nhồi máu cơ tim.
  • Chẹn bêta: Là những thuốc giúp làm giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim nhưng tránh sử dụng ở những người Nhịp tim chậm (< 60 lần/phút), hen phế quản...
  • Thuốc giảm mỡ máu Statin: giúp làm giảm mỡ máu và ổn định mảng xơ vữa.

2.3. Đặt stent mạch vành

Đặt stent mạch vành là phương pháp điều trị ít gây chảy máu, thường được chỉ định thực hiện sau chụp động mạch vành. Thông qua ống thông (catheter), bác sĩ sẽ luồn một dây dẫn nhỏ (có chứa một bong bóng nhỏ ở đầu dây) vào đến vị trí lòng động mạch bị hẹp. Sau đó, bong bóng được bơm phồng lên để mở rộng lòng mạch, và một giá đỡ (stent) được đặt vào để giữ cho lòng mạch không bị hẹp trở lại. Sau khi đặt giá đỡ, người bệnh vẫn phải tuân thủ uống thuốc điều trị như trên trong suốt khoảng thời gian còn lại.

2.4. Phẫu thuật bắc cầu động mạch chủ

Loại can thiệp này thường được áp dụng cho những trường hợp hẹp nhiều nhánh mà không thể nong hay đặt giá đỡ. Bác sĩ sẽ thực hiện nối đoạn trước và sau chỗ hẹp bằng một nhánh mạch máu khác, nhằm giúp dòng máu tránh qua đoạn bị hẹp và lưu thông tiếp tục.

Hẹp mạch vành dễ dẫn đến nhồi máu cơ tim - ảnh 2
Thủ thuật can thiệp đặt stent mạch vành

3. Can thiệp đặt stent điều trị hẹp mạch vành

Bác sĩ thường chỉ định đặt stent mạch vành trong các trường hợp sau đây:

  • Động mạch vành bị hẹp nhiều từ 70% trên phim chụp MSCT mạch vành (chụp cắt lớp điện toán đa lát cắt) hoặc Chụp mạch vành can thiệp. Khi đó cần phải tiến hành đặt stent nong động mạch vành. Tuy nhiên, đôi khi trong lúc chụp mạch, các bác sĩ có thể sử dụng các kỹ thuật khác nhằm đánh giá thêm về tổn thương hẹp trước khi quyết định đặt stent.
  • Đau thắt ngực ổn định không thể giải quyết được dù đã áp dụng điều trị nội khoa tối ưu.
  • Đau thắt ngực ổn định, có kèm bằng chứng của tình trạng thiếu máu cơ tim (như dương tính với Xét nghiệm xạ hình tưới máu cơ tim hoặc nghiệm pháp gắng sức) và có tổn thương ở động mạch vành cấp máu cho một vùng cơ tim lớn.
  • Đau thắt ngực không ổn định hoặc dấu hiệu nhồi máu cơ tim cấp không có suy tim.
  • Nhồi máu cơ tim cấp có suy tim chênh lên.
  • Tình trạng đau thắt ngực xuất hiện sau khi làm phẫu thuật cầu nối chủ vành.
  • Bệnh nhân có triệu chứng tái hẹp mạch vành sau khi thực hiện can thiệp động mạch vành qua da.
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung