Bị sởi phải kiêng nước, kiêng gió đúng hay sai?

Thời gian gần đây, bệnh sởi diễn biến hết sức phức tạp với những biến chứng khó lường. Vậy khi mắc sởi, bệnh nhân cần được chăm sóc như thế nào, có cần kiêng nước, kiêng gió như mọi người thường nói hay không?
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1. Bệnh Sởi  là gì?

Bệnh Sởi là bệnh Truyền nhiễm lây qua đường không khí do virus Paramyxoviridae gây ra. Bệnh thường xuất hiện vào thời điểm đông - xuân, hay gặp ở trẻ em nhưng cũng gặp ở người lớn, rất dễ gây thành dịch.

2. Triệu chứng nhận biết bệnh sởi? Bị sởi phải kiêng nước, kiêng gió đúng hay sai? - ảnh 1

Triệu chứng của bệnh sởi

Khi bệnh sởi khởi phát, bệnh nhân thường biểu hiện bằng: Sốt cao, viêm kết mạc, viêm long đường Hô hấp trên, Viêm thanh quản cấp, có thể xuất hiện các hạt Koplik. Sau Sốt 3-4 ngày, ban bắt đầu xuất hiện, ban dát sẩn, màu hồng, xuất hiện lần lượt theo thứ tự từ sau tai, trán, xuống vùng ngực, lưng, rồi xuống đùi và bàn chân. Khi ban mất đi cũng mất theo thứ tự trên, ban bong vảy để lại vết thâm trên da.

3. Khi mắc sởi có cần kiêng nước, kiêng gió?

Khi bị sởi phải kiêng nước, kiêng gió là hoàn toàn sai lầm, không những không có ích cho bệnh nhân, mà còn rất dễ gây ra các biến chứng. Theo Bác sĩ Phạm Thị Sửu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, bệnh nhân sởi nên được chăm sóc đúng cách như sau:

  • Cách ly bệnh nhân, tránh để bệnh nhân ở chỗ đông người. Đeo khẩu trang y tế cho bệnh nhân.
  • Để bệnh nhân nghỉ ngơi tại buồng thoáng khí, đủ ánh sáng (tránh ánh sáng mạnh vì bệnh nhân có thể sợ ánh sáng). Thường xuyên vệ sinh buồng sạch sẽ.
  • Nghỉ ngơi nhiều, ngủ đủ giấc.
  • Giữ ấm cho cơ thể nếu thời tiết lạnh, giữ vệ sinh thân thể, vệ sinh răng miệng, không kiêng nước, kiêng gió.
  • Nhỏ mắt, mũi bằng Dung dịch nước muối sinh lý NaCl 0,9% hoặc sử dụng dung dịch nhỏ mắt mũi chuyên dùng, nhỏ 3-4 lần/ngày.
  • Tăng cường dinh dưỡng, nâng cao thể trạng, cho bệnh nhân ăn những thức ăn dễ tiêu, có thể cho bệnh nhân ăn nhiều bữa. Tích cực bổ sung các thức ăn giàu Vitamin, đặc biệt là các thức ăn chứa nhiều Vitamin A. Đối với trẻ còn bú mẹ, tiếp tục cho trẻ ăn sữa mẹ, cho trẻ bú nhiều hơn khi trẻ bị tiêu chảy.
  • Để bệnh nhân uống nhiều nước, nước hoa quả và tốt nhất là uống Oresol để đảm bảo đủ nước - điện giải.
Bị sởi phải kiêng nước, kiêng gió đúng hay sai? - ảnh 2
Bổ sung nhiều nước, nước hoa quả để đảm bảo nước - điện giải
  • Chườm ấm khi bệnh nhân sốt nhẹ, nếu sốt cao > 38,5oC sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ.
  • Các loại thuốc khác, đặc biệt là thuốc kháng sinh, chỉ sử dụng theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý sử dụng cho bệnh nhân.
  • Người chăm sóc bệnh nhân cần đeo khẩu trang y tế, rửa tay trước và sau khi chăm sóc người bệnh.

Nếu bệnh nhân (đặc biệt là trẻ em) xuất hiện các dấu hiệu nặng của bệnh, cần đưa ngay đến cơ sở y tế để thăm khám, xử trí: Mệt, li bì, hoặc kích thích; bú kém hoặc bỏ bú. Sốt cao, Ho nhiều, thở nhanh, khó thở...Ban đã hết mà bệnh nhân vẫn còn sốt.

4. Làm gì để phòng tránh bệnh sởi?

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm có thể thành dịch do nguyên nhân virus, vì thế, tiêm phòng vaccine sởi là biện pháp phòng tránh hàng đầu. Theo Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, trẻ cần được tiến hành tiêm chủng hai mũi, mũi thứ nhất khi trẻ 9 tháng tuổi, và mũi thứ hai khi trẻ 18 tháng tuổi.

Bị sởi phải kiêng nước, kiêng gió đúng hay sai? - ảnh 3
Thăm khám và tiêm vắc xin đầy đủ để phòng tránh bệnh sởi hiệu quả nhất

Bên cạnh đó, nên thực hiện những phương pháp phòng bệnh chung:

  • Cách ly người mắc bệnh sởi, tránh tập trung đông người khi có dịch.
  • Bệnh nhân và những người tiếp xúc với bệnh nhân cần đeo khẩu trang y tế. Tiến hành rửa tay trước và sau khi tiếp xúc với bệnh nhân.
  • Vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân.
  • Nâng cao thể trạng, Dinh dưỡng đầy đủ, cân bằng.

Ngay khi có các dấu hiệu bệnh sởi, người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm xảy ra.

Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung