1. Dấu hiệu bệnh sởi ở trẻ sơ sinh
Biểu hiện lâm sàng của bệnh Sởi ở trẻ sơ sinh thường không điển hình, bao gồm những dấu hiệu sau:
- Sốt nhẹ, viêm hong nhẹ,
- Ban dạng sởi: Ban dát hồng, hơi gờ lên mặt da, mịn nhưng mọc không tuần tự từ sau tai, mặt đến thân mình trong ba ngày, mà ban có thể thấy ở lưng hay ngực trước. Ban mọc không dày, biếng ăn, bỏ bú.
- Có thể trẻ bị tiêu chảy hay nôn ói.
- Bệnh không rầm rộ như trẻ lớn vì còn miễn dịch của mẹ truyền qua nhau thai.
2. Bệnh sởi ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không?
Bệnh sởi ở trẻ sơ sinh rất nguy hiểm vì sau khi mắc sởi, đáp ứng miễn dịch của cơ thể giảm sút do vi rút sởi gây Suy giảm miễn dịch nên trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng nguy hiểm do vi khuẩn nếu trẻ không được điều trị đúng cách.
Hầu hết các trường hợp tử vong liên quan tới sởi là do biến chứng của bệnh. Biến chứng thường xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi hoặc người lớn trên 20 tuổi. Các biến chứng thường gặp của bệnh sởi nghiêm trọng nhất bao gồm: mù Mắt do Loét giác mạc vì không vệ sinh sạch sẽ mắt hàng ngày, viêm não, tiêu chảy nặng gây mất nước, nhiễm trùng tai, hoặc nhiễm trùng Hô hấp nặng như viêm phổi.
Nếu phát hiện trẻ sơ sinh có các dấu hiệu bệnh sởi, mẹ nên đưa bé đến bệnh viện vì quá trình bệnh sởi ở trẻ nhỏ thường rất nghiêm trọng.
3. Phòng ngừa và điều trị bệnh sởi ở trẻ sơ sinh như thế nào?
Người mẹ của bé đã được tiêm phòng đầy đủ các vắc xin cần thiết từ khi ở lứa tuổi Tiêm chủng và có cơ thể khỏe mạnh và tinh thần lạc quan trước, trong thai kỳ. Tốt nhất là nên kiểm tra sức khỏe tổng thể trước khi chuẩn bị có thai, khám thai định kỳ tại cơ sở y tế/bệnh viện tin cậy. Chỉ có tiêm phòng sởi đầy đủ, đúng lịch cho mẹ mới là cách phòng tránh tốt nhất để trẻ tránh mắc sởi trong kỳ sơ sinh.
Nếu trong gia đình có trẻ nghi ngờ bệnh sởi phải cách ly ngay để không lây cho các bé khác.
Tuyệt đối không tự ý cho trẻ dùng kháng sinh hoặc vitamin mà không có sự chỉ định của bác sĩ. Cho trẻ nằm cách ly trong phòng thoáng, không có gió lùa, kiêng gió, kiêng bẩn.
4. Trẻ sơ sinh bị sởi có nên tắm lá, kiêng gió không?
Khi chăm sóc trẻ sơ sinh bị sởi, bác sĩ khuyên mẹ nên tắm rửa chân tay cho trẻ bằng nước đun sôi để nguội hoặc nước lá lành như lá kinh giới, và trà xanh... Cần lưu ý dùng nguồn nước sạch, nguồn cung cấp lá sạch và rửa sạch các loại lá trước khi nấu nước tắm là được.
Cần kiêng gió tự nhiên lùa nhưng không cần kiêng bật quạt trong phòng. Có thể bật để không khí thoáng mát vì nếu nóng quá ra mồ hôi sẽ làm cho người bệnh khó chịu và thậm chí bệnh sẽ nặng hơn.
Bệnh sởi ở trẻ em chỉ nguy hiểm khi phát hiện chậm và chăm sóc, điều trị không đúng cách vì đa số trẻ bị mắc Sởi ở thể thông thường. Chính vì vậy, các bà mẹ trước khi mang bầu nên kiểm tra sức khỏe tổng thể và luôn giữ cho tinh thần vui tươi, thể lực khỏe trong suốt thai kỳ để phòng bệnh Sởi ở trẻ sơ sinh. Khi trẻ mắc bệnh sởi, không tự ý mua thuốc hay cho trẻ dùng kháng sinh, cần phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Mẹ hãy đưa trẻ đến bác sĩ để được điều trị đúng cách, kịp thời.