Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Tiêm vắc-xin sởi có gây sốt không?

15/06/2021
Tiêm vắc-xin sởi có gây sốt không?

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lây qua đường hô hấp do vi rút sởi gây nên. Bệnh chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, hay xảy ra vào mùa đông xuân, có thể xuất hiện ở người lớn do chưa được tiêm phòng hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm đầy đủ.

Bệnh có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm long đường hô hấp, Viêm kết mạc và phát ban, có thể dẫn đến nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, viêm Loét giác mạc dẫn đến mù lòa, tiêu chảy; một số trường hợp có thể viêm loét Hoại tử hàm mặt (cam tẩu mã), suy dinh dưỡng,...thậm chí có thể gây tử vong Đối với phụ nữ mang thai: sởi có thể làm dị tật thai nhi, đẻ non, sảy thai, trẻ đẻ ra thiếu cân, thai Nhi bị Sởi tiên phát...

Tiêm vắc-xin để phòng bệnh sởi là một biện pháp hữu hiệu hiện nay. Tuy nhiên, có nhiều mẹ đang lo lắng liệu tiêm vắc-xin phòng sởi có gây Sốt nhiều không? Hãy cùng Vinmec giải đáp một số thắc mắc về vấn đề này ở bài viết dưới đây.

Tiêm vắc-xin sởi có gây sốt không? - ảnh 1
Sốt sau tiêm vắc-xin phòng sởi sẽ kéo dài 1-2 ngày là bình thường

1. Vắc-xin phòng sởi

Vắc-xin là một lựa chọn hàng đầu để phòng bệnh sởi một cách chủ động. Vắc-xin có mặt trên thị trường ở cả dạng đơn và dạng kết hợp với vắc-xin khác gồm vắc-xin phòng rubella, vắc-xin phòng quai bị, và vắc-xin phòng thủy đậu (vắc-xin MMR và vắc-xin MMRV). Vắc-xin phòng bệnh sởi có hiệu quả giống nhau trong tất cả các dạng chế phẩm. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo tiêm chủng vắc-xin vào lúc 9 tháng tuổi ở những vùng có bệnh lưu hành.

Ở những vùng bệnh ít xảy ra thì nên tiêm chủng vào lúc 12 tháng tuổi. Tại Việt Nam, ở vùng dịch, vắc-xin phòng sởi đơn MVVAC có thể tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi. Sau khi tiêm một liều, 85% trẻ chín tháng tuổi và 95% trên mười hai tháng tuổi miễn nhiễm bệnh. Hầu như tất cả những người không miễn dịch sau một liều đơn đều đạt miễn dịch sau mũi thứ hai. Khi tỷ lệ tiêm chủng trong vùng trên 93% thì thường không còn bùng phát dịch nữa; tuy nhiên, dịch có thể tái phát nếu tỷ lệ tiêm chủng lại giảm.

Vắc-xin phòng sởi đơn hay kết hợp đều là loại vắc-xin sống giảm độc lực. Vắc-xin ở dạng bột đông khô cần được pha hồi chỉnh trước khi tiêm.

2. Tiêm vắc-xin phòng sởi có gây Sốt nhiều không?

Sốt sau tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi là một điều khiến nhiều mẹ lo lắng. Phần lớn vắc-xin, tác dụng phụ xảy ra trong khoảng 24 - 48h đầu sau tiêm. Đối với trẻ em, có thể quấy khóc, dễ ói sau bú, Khó ngủ hơn. Trẻ có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao sau tiêm. Đa số những trường hợp này sẽ tự khỏi, nhưng có một số trường hợp sẽ phải dùng thuốc hạ sốt để điều trị triệu chứng.

Trong vòng 24 tiếng sau khi tiêm, vắc-xin phòng sởi đơn (MVVAC) hay kết hợp sởi - quai bị - Rubella (MMR) có thể gây đau nhẹ và nhạy cảm ở vùng tiêm.Trong phần lớn các trường hợp, các triệu chứng thường tự khỏi sau 2 đến 3 ngày mà không cần có sự can thiệp về y tế. Sốt nhẹ cũng có thể xảy ra trong khoảng 7-12 ngày sau tiêm và kéo dài 1-2 ngày (kèm theo phát ban giả sởi) chiếm tỷ lệ 5-15% người được tiêm. Phát ban xảy ra với khoảng 2% người được tiêm, thường bắt đầu từ 7-10 ngày sau tiêm và kéo dài 2 ngày. Trường hợp sốt cao sau 2-3 ngày là rất hiếm, do tác dụng phụ từ vắc-xin là rất thấp và không đáng kể.

Trường hợp sốt cao sau chích ngừa, chúng ta nên làm một số việc sau:

  • Mặc thoáng mát cho trẻ, để không làm tăng thân nhiệt.
  • Uống thêm nước hoặc bú sữa nhiều hơn.
  • Có thể dùng thuốc hạ sốt để điều trị triệu chứng (nếu sốt trên 38,50C). theo chỉ dẫn của bác sĩ. Có thể dùng paracetamol, Ibuprofen ... để hạ sốt.

Có một số trường hợp sốt sau tiêm không phải là do tiêm vắc-xin mà có thể sốt do một bệnh nào đó đang ủ bệnh trước khi tiêm vắc-xin rồi phát bệnh; nên hãy đến cơ sở y tế để kiểm tra để loại trừ sốt do bệnh lý trong một số trường hợp sau:

  • Sốt cao trên 38,5 0C và không đáp ứng với thuốc hạ sốt
  • Sốt kéo dài > 48 giờ hoặc trẻ sốt 1-2 ngày, hạ sốt sau đó lại sốt lại.
  • Sốt kèm theo một số triệu chứng khác: ho, hắt hơi, chảy nước mũi, ỉa lỏng, phát ban....
  • Trẻ bỏ ăn, thở nhanh, khó thở, tím tái ...hay kích thích, quấy khóc liên tục, li bì, hôn mê
Tiêm vắc-xin sởi có gây sốt không? - ảnh 2
Tiêm vắc-xin phòng sởi cho trẻ tác dụng phụ rất thấp

3. Sốt sau tiêm vắc-xin và tác dụng của vắc-xin phòng sởi?

Con sốt sau tiêm vắc-xin phòng sởi là điều khiến nhiều bố mẹ rất lo lắng. Trường hợp con không sốt, lại lo lắng là vắc-xin có vấn đề hoặc hiệu quả không tốt, nên con mới không sốt.

Sốt là một phản ứng của cơ thể đáp ứng lại vắc-xin. Tuy nhiên, việc sốt hay không sốt, sốt nhiều hay sốt ít không ảnh hưởng đến vắc-xin có tạo miễn dịch sau tiêm không. Bởi vì phản ứng phụ của vắc-xin là rất thấp, tỷ lệ trẻ sốt sau tiêm chiếm tỉ lệ khá nhỏ (5-15%). Vì thế, các bạn đừng quá lo lắng về vấn đề trẻ sốt sau tiêm vắc-xin phòng sởi.

4. Một số tác dụng phụ khác của tiêm vắc-xin phòng sởi

Vắc-xin phòng sởi được đánh giá là khá an toàn, tác dụng phụ khá thấp. Một số tác dụng phụ khác sau tiêm có thể là: sưng, nóng, đỏ, đau tại vị trí tiêm, sốt (5- 15%), phát ban (2%)... hầu hết những trường hợp này sẽ hết trong 1-2 ngày sau tiêm vắc-xin mà không cần dùng thuốc điều trị. Có rất ít trường hợp dị ứng, Sốc phản vệ sau khi tiêm vắc-xin. Nguyên nhân có thể là do cơ thể phản ứng lại với những kháng nguyên của virus giảm độc lực trong vắc-xin. Để hạn chế tình trạng này, sau khi tiêm vắc-xin thì mọi người nên ở lại 30 phút để theo dõi sau tiêm tại cơ sở tiêm chủng; tiếp tục theo dõi tại nhà 24-48 giờ và đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế nếu trẻ có dấu hiệu bất thường.

Các mẹ không nên quá lo lắng khi con mình đi tiêm vắc-xin phòng sởi về bị sốt. Hãy nhận biết đúng dạng sốt và thời gian sốt của trẻ để tìm hiểu nguyên nhân sốt do vắc-xin hay do bệnh khác để đưa bé đến cơ sở y tế khám kịp thời.