1. Phẫu thuật - phương pháp phổ biến điều trị U xơ tử cung
Phụ nữ bước vào giai đoạn 30 - 45 tuổi thường dễ bị u xơ tử cung. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc U xơ tử cung là di truyền, béo phì, có kinh sớm (trước năm 12 tuổi), người bị cường estrogen, bệnh nhân tiểu đường, u sợi tuyến vú,...
Những triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân u xơ tử cung gồm: bụng to ra; tiểu nhiều lần, tiểu khó, Bí tiểu (khối u chèn ép lên bàng quang); Thận ứ nước (khối u chèn ép niệu quản); táo bón, đau khi đại tiện (khối u chèn ép trực tràng) hoặc Rối loạn tiêu hóa (khối u chèn ép dạ dày, ruột),... Ngoài ra, bệnh nhân u xơ tử cung còn có biểu hiện rong kinh, cường kinh, lâu ngày dẫn tới tình trạng thiếu máu.
Trong điều trị u xơ tử cung, bác sĩ cần thời gian để theo dõi sự phát triển và các triệu chứng khối u gây ra trước khi đưa ra phương án tốt nhất. Nếu khối u phát triển chậm, bệnh nhân không có triệu chứng ra máu âm đạo thì không nhất thiết phải điều trị. Tuy nhiên, nếu khối u phát triển nhanh, gây nhiều triệu chứng khác, bệnh nhân có thể chỉ định dùng thuốc hoặc phẫu thuật.
Với trường hợp dùng thuốc, bệnh nhân được hướng dẫn sử dụng thuốc kháng viêm không steroid, thuốc tránh thai bằng đường uống, thuốc kháng tiết hormone gonadotropin,... Và phẫu thuật là phương pháp điều trị có chi phí thấp, triệt để nhất nên đang được áp dụng rộng rãi hiện nay.
Đa số bác sĩ chỉ định bệnh nhân u xơ tử cung mổ lấy nhân xơ bằng các phương pháp sau:
- Bóc tách nhân xơ: Bệnh nhân còn trẻ, muốn bảo tồn khả năng sinh sản có thể lựa chọn phương pháp bóc tách nhân xơ rồi khâu phục hồi lớp cơ tử cung. Chỉ định bóc tách nhân xơ nếu có một hoặc hai nhân nằm trong lớp cơ. Tuy vậy, nhân xơ vẫn có thể tái phát sau khi bóc tách;
- Xoắn bỏ nhân xơ đường âm đạo: Nếu nhân xơ có cuống mọc thò ra âm đạo thì có thể xoắn bỏ nhân xơ sát tới cuống. Nếu cuống nhân xơ to, nên khâu hoặc đốt điện để cầm máu ở chân cuống;
- Cắt tử cung ngang eo hoặc hoàn toàn: Chỉ định cho các trường hợp bệnh nhân lớn tuổi, nhân xơ to hoặc nhiều nhân xơ. Tùy theo tình trạng cổ tử cung và tuổi của bệnh nhân để đưa ra quyết định cắt hoàn toàn hay ngang eo (không hoàn toàn) và có giữ lại 2 buồng trứng hay không;
- Làm tắc động mạch: Là phương pháp loại bỏ u xơ tử cung bằng kỹ thuật làm tắc động mạch. Bác sĩ bơm thuốc vào cơ thể bệnh nhân để ngăn máu nuôi dưỡng khối u. Sau 3 - 6 tháng, khối u sẽ bị teo nhỏ, tự thải ra ngoài cơ thể theo đường kinh nguyệt. Phương pháp này có ưu điểm là không gây đau đớn và bệnh nhân có thể Mang thai bình thường khi khối u bị loại bỏ.
2. Nguy cơ biến chứng rò niệu quản sau cắt u xơ tử cung
Phẫu thuật cắt u xơ tử cung là thủ thuật đơn giản, ít biến chứng. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số nguy cơ sau khi thực hiện kỹ thuật này, đặc biệt là biến chứng rò niệu quản.
Rò niệu quản là tình trạng xảy ra khi một lỗ bất thường phát triển giữa âm đạo và các ống dẫn nước tiểu từ thận đến bàng quang (niệu quản). Có nhiều nguyên nhân gây rò niệu quản - âm đạo như tai biến trong mổ sinh, sang chấn trong quá trình chuyển dạ, Chấn thương như tai nạn giao thông, ngã, ung thư xâm lấn hoặc biến chứng sau phẫu thuật cắt bỏ u xơ tử cung. Đặc biệt, nếu bệnh nhân mang khối u xơ tử cung to, đã dính vào thành ruột và bàng quang thì rất dễ gặp tổn thương rò bàng quang tử cung sau phẫu thuật.
Sau cắt u xơ tử cung khoảng 7 - 10 ngày, nếu bệnh nhân bị đau, đi tiểu liên tục, không kiểm soát, thậm chí tiểu ra máu,... thì có thể đó là dấu hiệu cảnh báo tai biến rò niệu quản sau mổ. Kích thước lỗ rò có thể rất bé, phải dùng tăm thông mới thấy được hoặc lớn bằng đầu ngón tay. Người bệnh thường bị chảy nước tiểu qua âm đạo, chảy cả ngày lẫn đêm gây nặng mùi và dễ dẫn đến viêm bàng quang nhiễm khuẩn. Bệnh lý này gây ảnh hưởng rất nhiều tới chất lượng cuộc sống của bệnh nhân và cần được điều trị ngay để ngăn nước tiểu chảy vào vết mổ.
Về việc điều trị biến chứng rò niệu đạo sau cắt u xơ tử cung, với trường hợp lỗ rò nhỏ thì có thể dùng đốt điện đường rò, kết hợp đặt dẫn lưu bàng quang để đường rò hóa sẹo. Trường hợp lỗ rò lớn sẽ được chỉ định phẫu thuật. Bệnh nhân cần mổ sớm khi các phần bàng quang - âm đạo tiếp giáp lỗ rò vẫn mềm mại, chưa bị xơ cứng do viêm kéo dài. Từ lỗ rò, bác sĩ sẽ bóc tách tổ chức bàng quang khỏi tổ chức âm đạo trên một diện tích đủ rộng để khâu đóng kín lỗ rò bàng quang, sau đó sẽ khâu lỗ rò âm đạo.
Để phòng ngừa nguy cơ khối u xơ tử cung to, dễ gây biến chứng nguy hiểm sau mổ, đặc biệt là biến chứng rò niệu quản, các bác sĩ khuyên phụ nữ nên thực hiện khám Phụ khoa định kỳ. Những người đã từng phẫu thuật thành bụng cần đặc biệt chú ý khi cắt u xơ tử cung vì có nguy cơ cao bị dính ruột hoặc bàng quang, dễ gặp tổn thương rò bàng quang - âm đạo.