1. Giang mai lây qua đường nào?
Giang mai là một bệnh xã hội, gây Tâm lý mặc cảm, ảnh hưởng sức khỏe người bệnh. Đây cũng là một bệnh rất dễ lây nhiễm cần phòng tránh đúng đắn để tránh những biến chứng nguy hiểm.
Có nhiều người vẫn không biết bệnh giang mai lây qua đường nào, điều này khiến cho việc phòng ngừa gặp nhiều khó khăn hơn. Những con đường lây nhiễm bệnh Giang mai gồm:
- Qua con đường quan hệ Tình dục không an toàn: 95 – 98% số người mắc giang mai là do lây nhiễm từ bạn tình khi quan hệ. Da và niêm mạc trên cơ quan sinh dục người bệnh thường nhiều tổn thương, các vết loét tiết nhiều chất dịch có chứa xoắn khuẩn giang mai. Thêm vào đó, các tiếp xúc khác như quan hệ Tình dục đường miệng cũng có thể khiến lây nhiễm bệnh.
- Lây nhiễm giang mai gián tiếp: Dù con đường lây nhiễm này không phổ biến nhưng cũng hoàn toàn có thể xảy ra. Khi có sự tiếp xúc với những vật dụng cá nhân của người bệnh như mặc chung quần lót, đồ dùng cá nhân, nhà vệ sinh và khăn tắm... Các dụng cụ này có thể chứa vi khuẩn bệnh giang mai và lây sang cho người lành qua dùng chung đồ đạc. Bên cạnh đó, nếu người bị bệnh giang mai mà sống chung với người khỏe mạnh thì chỉ cần một vết Trầy xước nhỏ tiếp xúc với vật dụng của người lành thì sẽ rất dễ lây nhiễm vi khuẩn giang mai.
- Lây nhiễm qua truyền máu: Nếu người có máu mang các xoắn khuẩn giang mai thì người nhận cũng sẽ mang bệnh. Người bị lây nhiễm sẽ không mang các biểu hiện giai đoạn đầu của giang mai mà trực tiếp có các triệu chứng giai đoạn 2 của bệnh.
- Giang mai lây từ mẹ sang con qua nhau thai và đường sinh nở: Nếu thai phụ bị giang mai mà không phát hiện và điều trị kịp thời hoặc điều trị không triệt để thì vi khuẩn giang mai có thể thông qua nhau thai xâm nhập vào thai nhi làm cho thai nhi nhiễm. Khi thai Nhi được sinh ra theo đường âm đạo mà người mẹ trước đó đã bị nhiễm vi khuẩn giang mai thì vi khuẩn giang mai có thể lây truyền cho thai Nhi dẫn đến việc đứa trẻ bị nhiễm vi khuẩn giang mai.
2. Các tổn thương của giang mai xuất hiện sau bao lâu bị lây?
Sau khoảng thời gian ủ bệnh từ 2 - 4 tuần, bệnh giang mai sẽ diễn biến theo ba giai đoạn.
- Ở giai đoạn thứ nhất: Tức sau khoảng 3 – 4 tuần bị lây, các tổn thương bắt đầu xuất hiện trên da người bệnh. Những tổn thương này thường ở những vị trí như môi lớn, môi bé, âm đạo, quy đầu, dương vật... Tổn thương này là những vết loét tại chỗ, hình tròn hoặc bầu dục kích thước 0.3 – 3cm, nhẵn, màu đỏ, không ngứa, không đau, không mủ; đáy vết loét cứng, nổi hạch hai bên bẹn. Các triệu chứng này sau khoảng 3 – 6 tuần thì biến mất, tuy nhiên bệnh tiếp tục phát triển với biểu hiện khác ở giai đoạn thứ 2.
- Ở giai đoạn thứ 2: Sau khi có vết loét tại chỗ từ 6-9 tháng sẽ xuất hiện ban đối xứng, màu hồng như hoa đào (đào ban) không ngứa. Những vết đào ban màu đỏ hồng hoặc hồng tím, ấn vào thì mất, không nổi cao trên mặt da, không bong vảy và sẽ tự mất đi. Bệnh giang mai có thể sẽ làm xuất hiện các mảng sẩn, nốt phỏng nước, vết loét ở da, niêm mạc.
- Ở giai đoạn 3: Giang mai giai đoạn 3 có thể xảy ra khoảng 3-15 năm sau những triệu chứng của giai đoạn. Vi khuẩn giang mai phát triển trong các phủ tạng như não, gan, cơ bắp Tim mạch ..., gây nên các bệnh cảnh khác nhau tùy bộ phận cơ thể bị nhiễm giang mai.
3. Biến chứng nguy hiểm của bệnh giang mai
- Xuất hiện các cơn đau ở chi: Khi bị bệnh giang mai, người bệnh xuất hiện cảm giác đau nhức, đặc biệt là ở chi dưới. Cảm giác đau nhói nhưng ngắn, như giật mạnh hoặc như bị đốt. Giai đoạn cuối xuất hiện tình trạng đi lại khó khăn.
- Rối loạn chức năng co thắt: Giang mai thường gây tổn thương đốt thứ 2 - 4 ở lưng, ảnh hưởng đến chức năng tiểu tiện. Người bệnh luôn có cảm giác buồn tiểu mà không tiểu được dẫn đến bí tiểu, tiểu không kiểm soát.
- Ảnh hưởng ở khu vực mắt: Vi khuẩn giang mai có khả năng tấn công vào niêm mạc mắt, khiến người bệnh có dị thường ở đồng tử mắt. Nó khiến đồng tử bị nhỏ hẹp, không bình thường. Mất phản xạ ánh sáng, khiến mắt bị mờ dần.
- Bệnh về khớp xương: Hông, đầu gối và mắt cá chân, thậm chí cả ở đốt sống lưng và chi trên là những cơ quan chịu nhiều ảnh hưởng nhất. Các khớp không ngừng bị tổn hại dẫn đến cấu trúc xương bị thay đổi, gây thoát vị và gãy xương.
- Ảnh hưởng đến nội tạng: Giang mai không được điều trị, các xoắn khuẩn sẽ ăn vào nội tạng gây nên biến chứng nguy hiểm như suy tim, tử vong ngay lập tức.
- Đối với phụ nữ mang thai: Giang mai có thể lây truyền từ mẹ sang con. Vì vậy, trong quá trình mang thai, chị em bị mắc giang mai thì khả năng lây nhiễm sang bào thai khiến trẻ bị mắc giang mai bẩm sinh, dị tật thai nhi hoặc tử vong.
4. Xử trí như thế nào khi bị giang mai?
Bệnh giang mai gây ra những triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sinh hoạt và sức khỏe của người bệnh. Chính vì thế khi có những biểu hiện của bệnh, cần thiết phải đến ngay cơ sở y tế tìm đúng bệnh, mức độ tình trạng, từ đó mà có cách xử trí thích hợp.
Sau khi chẩn đoán và xác định phác đồ điều trị bệnh giang mai, người bệnh cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ, không tùy ý dùng thuốc khiến bệnh thêm nghiêm trọng. Đặc biệt sau khi kết thúc liệu trình điều trị cần thường xuyên thăm khám, Xét nghiệm định kỳ nhằm phát hiện sớm bệnh có tái phát không.
Người bệnh cũng rất cần giữ vệ sinh sạch sẽ, ăn uống, nghỉ ngơi thư giãn thích hợp để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.