Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Cách chăm sóc vết mổ sau sinh nhanh lành, không sẹo

08/01/2021
Cách chăm sóc vết mổ sau sinh nhanh lành, không sẹo

Ngày nay nhiều mẹ bầu thường chọn phương pháp sinh mổ do hạn chế được các biến chứng khi sinh nở, có tính thẩm mỹ và đỡ đau hơn so với sinh thường. Vây bài viết dưới đây hướng dẫn Cách chăm sóc vết mổ sau sinh nhanh lành, không sẹo

1. Chăm sóc vết mổ sau sinh

Hiện nay, vết mổ đẻ thường được các bác sỹ Sản khoa khâu Thẩm mỹ bằng chỉ tiêu hoặc chỉ rút sau 5-7 ngày.

Vệ sinh vết mổ như thế nào quyết định trực tiếp đến việc vết sẹo có nhanh liền hay không, có để lại Sẹo lớn hay không.

Trong những ngày đầu tiên sau mổ đẻ, các mẹ sẽ được các nhân viên y tế chăm sóc và vệ sinh vết mổ đẻ để vết mổ tránh khỏi nhiễm trùng và biến chứng. Thời gian này, sản phụ cần giữ gìn vệ sinh cho vết mổ, không tự tháo băng, không làm ướt băng gạc...

Thời gian 48 tiếng sau mổ, nhân viên y tế sẽ tháo gỡ băng, vệ sinh và đánh giá vết mổ. Nếu vết mổ khô, không có biểu hiện sưng đau hay chảy dịch thì sẽ để hở hoàn toàn vết mổ không cần băng kín. Lúc này sản phụ cần chú ý không để da vùng vết mổ và xung quanh bị vấy bẩn. Sản phụ có thể tắm bằng nước sạch sau đó dùng gạc để thấm khô vùng vết mổ một cách nhẹ nhàng

Bệnh nhân sẽ lưu viện 4-5 ngày sau mổ. Thời gian sau khi xuất viện về nhà, bệnh nhân có thể tắm bình thường bằng xà phòng tắm, sau đó dùng khăn sạch để thấm khô vùng vết mổ. Tránh sờ tay nhiều lần vào vết mổ, tránh gãi nếu da vết mổ có phản ứng ngứa.

2. Vận động điều độ giúp vết mổ đẻ nhanh lành

Hiện nay các sản phụ được khuyến cáo là nên vận động sớm sau mổ để tăng lưu thông toàn hoàn giúp vết mổ nhanh liền và chống dính ruột. Tại bệnh viện, sản phụ sẽ được hướng dẫn vận động từ từ tại giường trong ngày đầu sau mổ, sau đó ngồi dậy, ra khỏi giường khi ống sonde tiểu được rút để đi vào nhà vệ sinh. Qua ngày thứ 3, sản phụ sẽ tập vận động đi lại quanh phòng và sinh hoạt gần như bình thường.

Vận động sau mỗ sẽ gặp phải tình trạng đau. Vì vậy phác đồ giảm đau sau mổ của các bác sỹ là rất quan trọng.

Hết thời gian hậu sản, từ 4 - 6 tuần, sản phụ hồi phục sức khỏe và tham gia các bài tập thể dục trở lại bình thường.

3. Chế độ ăn uống hợp lý

Chế độ ăn uống có vai trò quan trọng giúp sản phụ sớm phục hồi sức khỏe cũng như có nhiều sữa cho con bú. Cần đảm bảo đủ các chất dinh dưỡng, cân đối giữa các nhóm thực phẩm, ăn chín, uống sôi. Lượng thức ăn nên vừa phải, không nên ăn quá no.

Các nhóm thức ăn mẹ sau sinh nên bổ sung vào chế độ hàng ngày

  • Các thực phẩm giàu đạm, giàu Sắt như thịt lợn, thịt bò, thịt gà, cá, tôm... giúp vết mổ nhanh lành, chống thiếu máu do thiếu sắt.
  • Tăng cường rau xanh và trái cây để phòng chống Táo bón và bổ sung vitamin và khoáng chất nhằm tăng sức đề kháng.
  • Bổ sung sữa, các chế phẩm từ sữa vào thực đơn hàng ngày giúp tăng hàm lượng canxi cung cấp cho cơ thể cả mẹ và bé.
  • Uống nhiều nước.

Một số món ăn lợi sữa như cháo, móng giò hầm, chân chó hầm, rau ngót, đu đủ chín... mẹ có thể luân phiên bổ sung vào thực đơn hàng ngày để cung cấp đủ sữa cho bé bú.

4. Cho con bú

Sau khi sinh, mẹ nên cho con bú ngay càng sớm càng tốt vì lúc này sữa non có chứa nhiều Dinh dưỡng nhất, chứa nhiều chất đề kháng nhất cung cấp các chất thiết yếu cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và tăng cường miễn dịch cho trẻ.

5. Vệ sinh

  • Mẹ nên rửa mặt, súc miệng và chải răng mỗi ngày.
  • Đi tiểu: Trong ngày đầu có thể dùng bô, những ngày sau vào nhà vệ sinh.
  • Vệ sinh thân thể bằng nước ấm sạch và lau khô người. Tránh làm ướt vết mổ. Sang tuần thứ 2 có thể tắm rửa bình thường, nhưng không chà xát mạnh lên vết mổ

6. Đi khám nếu vết mổ khi có dấu hiệu bất thường

Rất nhiều trường hợp vết mổ bị cứng, ấn tay thấy đau. Tuy nhiên, mẹ không cần lo lắng, đó chỉ là do chỉ khâu chưa tiêu hết. Chỉ khi vết mổ có các dấu hiệu bất thường, các mẹ Sinh mổ mới cần đi khám bác sĩ. Dưới đây là một số dấu hiệu cần lưu ý đối với vết mổ đẻ, sản phụ cần tới bệnh viện để được kiểm tra

  • Sản phụ bị đau bụng dữ dội, đi tiểu khó, cảm giác buốt, rát.
  • Vết mổ bị sưng, vùng da xung quanh vết mổ bị đỏ.
  • Sốt cao trên 38 độ C.
  • Vết mổ có dịch và mủ, mùi hôi hoặc chảy máu.
  • Âm đạo có dịch và có mùi lạ.

Nếu có một hay một vài các dấu hiệu như trên, sản phụ cần được bác sĩ kiểm tra. Vết mổ bị nhiễm trùng có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như bục vết mổ, nhiễm trùng máu hoặc gây Hoại tử bên trong...

7. Chăm sóc vùng sẹo bằng cách dưỡng da

Thoa kem dưỡng da chống sẹo theo chỉ định của bác sĩ:

  • Tùy theo cơ địa, hiện trạng của vết mổ mà bác sĩ sẽ kê đơn kem dưỡng da kèm theo thuốc bôi để giúp vết mổ mau lành, tránh sẹo lồi.
  • Không nên thoa kem bằng tay mà nên dung tăm bông sạch để bôi kem lên vùng da vết mổ.
  • Chăm sóc vết mổ tốt nhằm phục hồi sớm vết mổ và hạn chế mức độ Sẹo lồi tùy theo cơ địa của mỗi sản phụ.