Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Cách khám tai thế nào? Có gây đau không?

02/06/2021
Cách khám tai thế nào? Có gây đau không?

Khám tai thủ thuật kiểm tra đơn giản giúp chẩn đoán các bệnh lý về tai 1 cách sơ bộ trước khi tiến hành nội soi tai được chỉ định trong các vấn đề về tai giúp chẩn đoán nguyên nhân và điều trị phù hợp. Vậy cách khám tai thế nào? Có gây đau không?

1. Khám tai giúp chẩn đoán bệnh lý về tai

Khám tai tại nhà là thủ thuật kiểm tra lỗ tai và màng nhĩ bằng cách sử dụng dụng cụ ống soi tai. Ống soi tai là dụng cụ cầm tay gồm đèn, kính lúp phóng to và bộ phận nhìn hình phễu với đầu tận cùng hẹp lại gọi là loa soi tai.

Khám tai là thủ thuật đơn giản, không xâm lấn do vậy hoàn toàn không gây đau hay khó chịu gì cho bệnh nhân.

Mục đích của khám tai là để sàng lọc các vấn đề về tai trong trường hợp mất thính lực, đau tai, chảy mủ, vón cục, Dị vật trong tai nhằm phát hiện các bệnh lý trong ống tai, màng nhĩ và tai giữa. Những vấn đề này có thể bao gồm nhiễm trùng, quá nhiều ráy tai, viêm tai, dị vật, thủng màng nhĩ nhằm đánh giá sơ bộ trước khi thực hiện nội soi tai mũi họng.

Chỉ định khám tai:

  • Kiểm tra tai định kỳ có thể được thực hiện;
  • Trẻ quấy khóc, Sốt không rõ nguyên nhân, nghi ngờ Nhiễm trùng tai cũng cần được khám tai để chẩn đoán bệnh. ;
  • Để sàng lọc, tìm nguyên nhân trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị mất thính lực;
  • Tìm nguyên nhân của đau tai, cảm giác áp lực hoặc đầy trong tai hoặc mất thính giác;
  • Để kiểm tra sự tích tụ sáp dư thừa hoặc vật lạ trong ống tai;
  • Tìm vị trí của một bệnh nhiễm trùng tai có thể là ống tai ngoài, viêm tai giữa;
  • Đánh giá hiệu quả điều trị cho một vấn đề về tai.
Cách khám tai thế nào? Có gây đau không? - ảnh 1
Khám tai tại nhà là thủ thuật kiểm tra lỗ tai và màng nhĩ bằng cách sử dụng dụng cụ ống soi tai

2. Cách khám tai thế nào?

Chuẩn bị
  • Đèn Clar;
  • Loa soi tai các cỡ;
  • Đèn soi tai;
  • Que tăm bông, đèn cồn, bông gạc;
  • Khay thuốc.

Tư thế khám: Bác sĩ và bệnh nhân ngồi đối diện nhau, ngang tầm mắt nhau, nếu là trẻ con cần có người bế cố định trán trẻ.

Các bước khám
  • Đeo đèn, chỉnh đèn;
  • Quan sát vành tai, bình tai, rãnh tai sau, vùng xương chũm sau tai phát hiện Tụ dịch vành tai, Zona tai, viêm cửa tai, Ung thư da vành tai,...
  • Ấn các điểm đau:
  • Điểm đau trước tai: nắp bình tai, kéo vành tai lên trên, kéo vành tai xuống phát hiện các bệnh lý của ống tai như: viêm tấy ống tai, Nhọt ống tai;
  • Điểm đau sau tai gồm điểm đau sào bào nằm ngang với thành trên ống tai sát rãnh sau tai;
  • Điểm mỏm chũm;
  • Điểm bờ sau xương chũm.

Các điểm đau này thường đau trong các bệnh lý của xương chũm như: viêm xương chũm cấp, Viêm tai xương chũm mạn tính hồi viêm.

Khám ống tai ngoài:
  • Kéo vành tai lên trên và ra sau, soi đèn clar vào ống tai viêm có mụn nhọt, viêm ống tai ngoài, polyp, dị vật ống tai ngoài, nấm ống tai ngoài.
Khám màng nhĩ:
Cách khám tai thế nào? Có gây đau không? - ảnh 2
Thông qua quan sát màng nhĩ, bác sĩ có thể phát hiện các bệnh như thủng màng nhĩ, viêm màng nhĩ, viêm tai giữa,...
  • Quan sát màng nhĩ: nhẹ nhàng đưa loa soi vào ống tai: quan sát màng nhĩ, cán búa, bóng xương búa, rốn nhĩ, nón sáng, màng trùng, màng căng... Bình thường màng nhĩ trong suốt, sáng có thể quan sát rõ các thành phần trên.
  • Quan sát màng nhĩ nhằm phát hiện các bệnh lý như: thủng màng nhĩ, viêm màng nhĩ, viêm tai giữa thanh dịch, Viêm tai giữa cấp,... Sự thay đổi màng nhĩ như: màu sắc, độ bóng, độ nghiêng của màng nhĩ, màng nhĩ đẩy lồi ra ngoài giúp phát hiện và chẩn đoán bệnh.
  • Nếu màng nhĩ thủng cần xem kỹ lỗ thủng, ở màng căng hay màng trùng, hình thái lỗ thủng, một lỗ hay nhiều lỗ, kích thước và có sát khung xương không, bờ lỗ thủng có nhẵn hay nham nhở, có polyp không ...
Khám vòi Eustache:

Có nhiều cách thử để xem vòi nhĩ Eustachi có bị tắc không. Kiểm tra bằng các nghiệm pháp sau:

  • Nghiệm pháp Toyenbee: bệnh nhân bịt mũi, ngậm miệng và nuốt nước bọt, nếu bệnh nhân có nghe tiếng kêu ở tai là vòi nhĩ thông.
  • Nghiệm pháp Valsava: bảo bệnh nhân bịt mũi, ngậm miệng và thổi hơi thật mạnh làm phồng cả 2 má, nếu bệnh nhân có nghe thấy tiếng kêu ở tai là vòi nhĩ thông.
  • Nghiệm pháp Politzer: bệnh nhân ngậm 1 ngụm nước, bịt 1 bên mũi, bác sĩ dùng 1 quả bóng cao su to bơm không khí vào mũi bên kia trong khi bệnh nhân nuốt nước, nếu bệnh nhân nghe tiếng kêu trong tai tức là vòi Eustache thông.

Khám tai là thủ thuật đơn giản, thực hiện đơn giản, dễ dàng quan sát và phát hiện 1 số bệnh lý về tai giúp đánh giá sơ bộ và chỉ định thêm các Xét nghiệm nhằm đánh giá bệnh chính xác và điều trị kịp thời.