1. Kiểm tra tái phát ung thư vú như thế nào?
Sau khi thực hiện điều trị ung thư vú, bạn nên tiếp tục tự mình kiểm tra khối u vú, kiểm tra khu vực được điều trị và phần vú còn lại của bạn hàng tháng. Nếu phát hiện bất cứ sự thay đổi nào, bạn cần báo ngay cho bác sĩ điều trị.
Bên cạnh đó, bạn cần thường xuyên chụp X-quang tuyến vú. Trong một số trung tâm sàng lọc, chụp X-quang tuyến vú ba chiều có sẵn ngoài chụp X -quang kỹ thuật số truyền thống. Nếu Xét nghiệm di truyền cho thấy bạn có đột biến BRCA, bạn cũng có thể cần chụp MRI vú.
Nếu phẫu thuật cắt bỏ khối u vú, bạn sẽ được chỉ định chụp X quang cả hai vú. Nếu bạn được phẫu thuật cắt bỏ 1 bên vú, bạn sẽ chỉ cần thực hiện chụp X quang vú còn lại. Điều quan trọng nhất là bạn cần phải cảm nhận được bất kỳ một sự thay đổi nào đó xảy ra ở vú, ngực, hoặc khu vực xung quanh sau khi được điều trị kể cả khi bạn đang tái khám đều đặn. Tham khảo ý kiến của bác sĩ để lựa chọn phương pháp xét nghiệm sàng lọc tốt nhất.
Tình trạng ung thư vú tái phát có thể gây ra một số sự thay đổi như:
- Khối u dày lên ở phía trong hoặc gần vú, có thể dưới nách
- Thay đổi kích thước, hình dạng của vú
- Xuất hiện một khối u mới dưới da, khi sờ vào vùng đó có cảm giác cứng
- Có sự thay đổi ở vùng da quanh vú hoặc núm vú, chẳng hạn như da bị nhăn nhúm, có vảy, đỏ hoặc sưng lên
- Máu hoặc dịch lỏng trong suốt chảy ra từ núm vú
- Ngực, nách hoặc khu vực quanh xương đòn có chỗ bị sưng lên
- Núm vú bị tụt vào hoặc có sự thay đổi về hình dạng
- Xung quanh núm vú bị đỏ hoặc phát ban trên da
- Đau
- Bắp tay bị sưng
Cùng với việc tự kiểm tra vú, phát hiện sự thay đổi xảy ra ở vú còn lại hoặc khu vực xung quanh, bạn cần báo cáo lại tình trạng của mình với các chuyên gia y tế. Các bác sĩ sẽ giúp bạn kiểm tra ngực, hỏi bạn về bất cứ triệu chứng nào và sẽ thực hiện xét nghiệm nếu cần thiết. Nên báo ngay cho bác sĩ điều trị khi bạn xuất hiện các triệu chứng như đau ngực, đau đầu, giảm cân....
2. Nguyên nhân ung thư vú dễ tái phát
Một số nguyên nhân khiến cho bệnh ung thư vú dễ tái phát bao gồm:
- Kích thước khối u: Khối u càng lớn thì khả năng tái phát càng cao.
- Tế bào ung thư đã lan rộng: Nếu tế bào ung thư của bạn đã di căn đến các hạch bạch huyết, càng nhiều hạch bạch huyết có tế bào ung thư thì nguy cơ tái phát càng cao.
- Hormone thụ thể: Khoảng 2/3 các bệnh nhân bị ung thư vú có hormone thụ thể Estrogen hoặc Progesterone hoặc có đồng thời cả hai
- Gen HER2: Gen này có vai trò kích hoạt sự phát triển của các tế bào ung thư. Ở cấp độ mô học, càng nhiều tế bào khối u giống với các tế bào bình thường thì tỷ lệ tái phát càng cao.
3. Điều trị ung thư vú tái phát
Ung thư vú có thể tái phát quay trở lại ở gần vị trí ban đầu, nhưng chưa lan sang các bộ phận khác của cơ thể. Tái phát tại chỗ có thể điều trị được. Vì thế, nếu thấy bất cứ sự thay đổi nào xung quanh vết mổ ban đầu hoặc quanh vùng ngực, bạn nên báo ngay cho bác sĩ điều trị.
Ung thư vú tái phát và lan tới các mô và hạch bạch huyết xung quanh ngực, cổ và dưới xương ức. Một số trường hợp ung thư vú Nguyên phát mới có thể phát triển ở bên khu vực phẫu thuật cắt bỏ khối u hoặc ở vú còn lại.
Điều trị ung thư tái phát phụ thuộc vào phương pháp điều trị ban đầu đã thực hiện. Nếu bạn đã cắt bỏ khối u, tái phát cục bộ thường được điều trị bằng phẫu thuật cắt bỏ khối u. Nếu bạn đã phẫu thuật cắt bỏ vú, tình trạng tái phát gần vị trí cắt bỏ vú được điều trị bằng cách loại bỏ khối u nếu có thể.
Trong cả hai trường hợp, bạn có thể sử dụng liệu pháp hormone, hóa trị hoặc Xạ trị sau phẫu thuật. Đôi khi, bác sĩ sẽ sử dụng kết hợp các phương pháp trên.
Nếu ung thư vú được tìm thấy ở vú còn lại, nó có thể là một khối u mới không liên quan đến ung thư vú đầu tiên. Điều này sẽ được điều trị như một trường hợp ung thư vú mới. Bạn sẽ được phẫu thuật cắt khối u hoặc cắt bỏ vú, sau đó là các phương pháp điều trị khác nếu cần thiết.
Nếu ung thư tái phát ở một bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như xương, phổi, gan hoặc não, bạn có thể được phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, liệu pháp hormone, liệu pháp trúng đích hoặc kết hợp. Điều này còn phụ thuộc vào tình hình cụ thể của bạn.
Các bác sĩ có thể khuyến nghị những phụ nữ có tế bào ung thư có hàm lượng protein HER2 cao trải qua liệu pháp nhắm mục tiêu, hoặc kết hợp với hóa trị liệu với một số loại thuốc được chỉ định.
Ung thư vú là căn bệnh gây ra tỷ lệ tử vong cao ở nữ giới, bệnh có thể được chữa nếu phát hiện và điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, bản thân mỗi chị em cũng phải tự bảo vệ sức khỏe của chính mình bằng cách tự kiểm tra và cảm nhận bất kỳ sự thay đổi nào ở vú và khu vực quanh vú.
4. Phòng ngừa ung thư vú tái phát
Các chiến lược có liên quan đến việc giảm nguy cơ tái phát ung thư vú bao gồm:
- Dùng liệu pháp hormone sau đợt điều trị ban đầu có thể làm giảm nguy cơ tái phát ung thư vú. Áp dụng đối với bệnh nhân ung thư vú dương tính với thụ thể hormone. Liệu pháp hormone có thể tiếp tục trong ít nhất 5 năm.
- Hóa trị đã được chứng minh là làm giảm nguy cơ ung thư tái phát.
- Dùng thuốc tạo xương làm giảm nguy cơ ung thư tái phát trong xương (di căn xương) ở những người có nguy cơ tái phát ung thư vú.
- Duy trì cân nặng hợp lý.
- Tập thể dục thể thao thường xuyên có thể giảm nguy cơ tái phát.
- Lựa chọn một chế độ ăn uống lành mạnh. Ăn nhiều rau, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt. Hạn chế rượu, bia.