1. Dạ dày là gì?
Dạ dày là một tạng rỗng tiếp nối giữa thực quản với tá tràng (phần đầu của ruột non). Dạ dày nằm ở phía trên trái của bụng, nhận thức ăn từ thực quản qua cơ vòng dưới thực quản.
Dạ dày tiết ra axit và các enzyme tiêu hóa thức ăn. Các dạ dày co bóp từng đợt, nhào trộn thức ăn để tăng cường tiêu hóa. Cơ vòng môn vị là một van cơ bắp mở ra để viên thức ăn đi qua từ dạ dày xuống ruột non.
2. Ung thư dạ dày là gì?
Ung thư dạ dày đặc trưng bởi sự tăng sinh của các tế bào ung thư ở niêm mạc của thành dạ dày và sau đó xâm lấn sâu hơn vào thành dạ dày khi bệnh tiến triển.
Ung thư dạ dày có xu hướng phát triển chậm trong nhiều năm. Trước khi ung thư thực sự phát triển, thay đổi tiền ung thư thường xảy ra ở niêm mạc của dạ dày. Những thay đổi sớm hiếm khi gây ra các triệu chứng và do đó thường không được phát hiện.
Ước tính của Hiệp hội Ung thư Hoa kỳ về ung thư dạ dày trong năm 2015 là:
- Khoảng 24.590 trường hợp ung thư dạ dày sẽ được chẩn đoán (15.540 ở nam và 9.050 ở nữ)
- Khoảng 10.720 người chết vì loại ung thư này (6.500 nam và 4.220 nữ)
Ung thư dạ dày chủ yếu ảnh hưởng đến người lớn tuổi. Độ tuổi trung bình của người bị mắc bệnh khi họ được chẩn đoán là 69. Khoảng 6 trong số 10 người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư dạ dày mỗi năm là 65 tuổi hoặc lớn hơn. Nguy cơ trung bình mà một người sẽ phát triển bệnh ung thư dạ dày trong suốt cuộc đời của họ là khoảng 1 trong 111. Nguy cơ này ở nam cao hơn ở nữ và cũng có thể bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố khác. Độ tuổi mắc bệnh ngày càng trẻ dần.
Ung thư dạ dày không phổ biến tại Hoa Kỳ và số người được chẩn đoán mắc bệnh này mỗi năm đang giảm. Ung thư dạ dày phổ biến hơn ở các khu vực khác trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc và Nhật Bản. Nó là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư trên thế giới.
4. Những triệu chứng của bệnh ung thư dạ dày là gì?
Các triệu chứng ung thư dạ dày bao gồm:
- Buồn nôn và nôn
- Nuốt khó
- Cảm giác no sau ăn một ít thức ăn
- Ợ nóng mức độ nặng và dai dẳng
- Khó tiêu nghiêm trọng không ngừng
- Ăn mất ngon
- Sụt cân
- Cảm thấy mệt
- Đầy hơi sau ăn
- Ói ra máu (trong giai đoạn ung thư tiến triển)
5. Nguyên nhân của ung thư dạ dày là gì?
Các bác sĩ không chắc chắn nguyên nhân gây ra ung thư dạ dày. Có mối liên hệ chặt chẽ giữa ăn các thực phẩm hun khói, ướp muối và ngâm (giấm) với ung thư dạ dày. Từ khi áp dụng bảo quản thức ăn bằng đông lạnh trên toàn thế giới, tỷ lệ mắc bệnh ung thư dạ dày đã giảm.
Nguyên nhân chính của ung thư dạ dày là một đột biến gen trong các tế bào của dạ dày làm cho các tế bào phát triển nhanh chóng và cuối cùng tạo thành một khối u.
Các dạng của ung thư dạ dày:
- Ung thư biểu mô tuyến (adenocarcinoma). Khoảng 90% đến 95% ung thư dạ dày là ung thư biểu mô tuyến. Khi nói đến ung thư dạ dày hầu như luôn luôn đề cập đến adenocarcinoma.
- Lymphoma. Đây là những ung thư của mô hệ thống miễn dịch đôi khi được phát hiện ở thành của dạ dày. Khoảng 4% ung thư dạ dày là các u lympho. .
- U mô đệm đường tiêu hóa (GIST). Đây là những khối u hiếm. Một số khối u này không phải ung thư (lành tính); một số là ung thư. Mặc dù GISTs có thể tìm thấy bất cứ nơi nào trong đường tiêu hóa, hầu hết được phát hiện ở dạ dày.
- Carcinoid. Đây là những khối u hình thành từ các tế bào Nội tiết tố của dạ dày. Hầu hết các khối u không lan rộng đến các cơ quan khác. Khoảng 3% ung thư dạ dày là khối u carcinoid.
- Các loại khác. Các loại khác như ung thư tế bào vảy, ung thư tế bào nhỏ, và leiomyosarcoma cũng có thể bắt đầu trong dạ dày nhưng rất hiếm.
6. Các yếu tố nguy cơ gây ra ung thư dạ dày là gì?
Các yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày bao gồm:
- Nhiễm Helicobacter pylori
- Một chế độ ăn mặn và xông khói
- Một chế độ ăn ít trái cây và rau quả
- Ăn thực phẩm bị ô nhiễm với nấm aflatoxin
- Tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư dạ dày
- Viêm dạ dày mạn tính
- Thiếu máu ác tính
- Hút thuốc, uống rượu
- Polyp dạ dày
- Ít vận động, béo phì
7. Làm thế nào để chẩn đoán ung thư dạ dày?
Có một vài Xét nghiệm khác nhau được sử dụng để giúp chẩn đoán ung thư dạ dày:
Các Xét nghiệm hình ảnh như CT scan, X-quang dạ dày cản quang và MRI có thể giúp xác định bệnh khi khối u đủ lớn.
Nội soi đường tiêu hóa trên là cần thiết để sinh thiết tổn thương nhằm xác định chẩn đoán hoặc để phát hiện sớm ung thư trước khi khối u đủ lớn để có thể thấy trên các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh.
Để xác định khối u xâm lấn đến mức nào của thành dạ dày và đề đánh giá giai đoạn của ung thư, bác sĩ sẽ yêu cầu siêu âm qua nội soi.
8. Tôi bị ung thư ở giai đoạn mấy?
Ung thư dạ dày có thể xâm lấn (di căn) theo những cách khác nhau. Nó có thể phát triển qua thành dạ dày và xâm lấn vào các cơ quan lân cận. Nó cũng có thể ăn lan đến các mạch bạch huyết và các hạch bạch huyết kế cận. Khi ung thư dạ dày tiến triển hơn, nó có thể theo đường máu và ăn lan đến các cơ quan như gan, phổi và xương.
Giai đoạn ung thư dạ dày của bạn sẽ giúp bác sĩ quyết định phương pháp điều trị tốt nhất cho bạn. Các xét nghiệm và thủ thuật được sử dụng để xác định giai đoạn ung thư bao gồm:
- Các đánh giá hình ảnh: CT và PET
- Nội soi ổ bụng. Phẫu thuật Nội soi cho phép bác sĩ tìm những dấu hiệu ung thư xâm lấn trong ổ bụng của bạn.
- Các xét nghiệm khác có thể được sử dụng tùy thuộc vào tình trạng bệnh nhân
Từ các dữ liệu trên, bác sĩ sẽ đưa ra giai đoạn ung dạ dày của bạn. Các giai đoạn của ung thư dạ dày có thể là Giai đoạn I, II, III hoặc IV.
9. Ung thư dạ dày được điều trị như thế nào?
Ung thư bắt đầu ở các phần khác nhau của dạ dày có thể gây ra các triệu chứng khác nhau và có kết quả khác nhau. Lựa chọn điều trị cho bệnh ung thư dạ dày phụ thuộc vào giai đoạn ung thư, tổng trạng, vị trí u và lựa chọn của bạn.
Phẫu thuật: Phẫu thuật có thể được thực hiện bằng nội soi, phẫu thuật nội soi hoặc mổ mở. Mục tiêu của phẫu thuật là để cắt bỏ tất cả các mô ung thư dạ dày và có một bờ cắt lành (không còn tế bào ung thư), bao gồm:
- Cắt niêm mạc dạ dày cho những ung thư giai đoạn sớm: Cắt niêm mạc, cắt dưới niêm qua nội soi ống mềm.
- Cắt bán phần dạ dày: Cắt bỏ phần bị ảnh hưởng bởi ung thư dạ dày.
- Cắt toàn bộ dạ dày: Cắt bỏ toàn bộ dạ dày và một số mô xung quanh.
- Nạo hạch bạch huyết để tìm ung thư: Bác sĩ phẫu thuật nạo vét các hạch bạch huyết dẫn lưu ở dạ dày.
- Phẫu thuật cắt giảm: Cắt bỏ một phần của dạ dày mang u tiến triển. Trong trường hợp này, phẫu thuật không thể chữa khỏi bệnh nhưng có thể làm cho người bệnh thoải mái hơn.
Xạ trị: Xạ trị có thể được thực hiện trước khi phẫu thuật nhằm thu nhỏ khối u dạ dày để dễ dàng cắt bỏ. Xạ trị cũng có thể thực hiện sau phẫu thuật để diệt các tế bào ung thư vẫn còn xung quanh dạ dày. Xạ trị thường được kết hợp với hóa trị. Trong trường hợp ung thư tiến triển, xạ trị có thể được sử dụng để làm giảm các triệu chứng phụ gây ra bởi một khối u lớn. Xạ trị có thể gây ra tiêu chảy, khó tiêu, buồn nôn và ói mửa.
Hóa trị: Hóa trị có thể được dùng trước phẫu thuật nhằm giúp thu nhỏ một khối u để có thể cắt bỏ dễ dàng. Hóa trị cũng được sử dụng sau khi phẫu thuật để tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư vẫn còn trong cơ thể. Hóa trị thường kết hợp với xạ trị. Hóa trị có thể được sử dụng riêng lẻ ở những người bị ung thư dạ dày giai đoạn muộn để giúp làm giảm các dấu hiệu và triệu chứng.
Tác dụng phụ của hóa trị tùy thuộc vào loại thuốc được sử dụng.
Thuốc nhắm trúng đích: Liệu pháp nhắm trúng đích sử dụng thuốc diệt những bất thường đặc biệt trong tế bào ung thư.
Thử nghiệm lâm sàng.
10. Phòng ngừa ung thư dạ dày như thế nào?
Nguyên nhân gây ra ung thư dạ dày không rõ ràng, vì vậy không có cách nào để ngăn chặn nó. Nhưng bạn có thể thực hiện các bước để giảm nguy cơ ung thư dạ dày bằng cách thay đổi cuộc sống hàng ngày của bạn. Ví dụ, cố gắng:
- Ăn nhiều trái cây và rau quả. Chọn nhiều loại trái cây và rau quả nhiều màu sắc.
- Giảm lượng thức ăn mặn và xông khói.
- Bỏ thuốc lá. Nếu bạn hút thuốc, bỏ thuốc lá. Nếu bạn không hút thuốc, đừng bắt đầu hút. Hút thuốc làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày, cũng như nhiều loại ung thư khác.
- Duy trì một cân nặng phù hợp và tập thói quen tập thể dục.
11. Có thể phát hiện sớm ung thư dạ dày?
Ở các nước như Nhật Bản, nơi mà ung thư dạ dày rất phổ biến, tầm soát rộng rãi trong dân số đã giúp phát hiện nhiều trường hợp ung thư ở giai đoạn sớm có thể điều trị khỏi. Điều này có thể làm giảm số người chết vì căn bệnh này nhưng điều này chưa được chứng minh.
Một số xét nghiệm có thể được sử dụng để tầm soát ung thư dạ dày chẳng hạn như nội soi đường tiêu hóa trên.
Các nhà khoa học tin rằng những người có yếu tố nguy cơ có thể được hưởng lợi từ tầm soát ung thư dạ dày. Hãy hỏi bác sĩ của bạn về nguy cơ ung thư dạ dày. Hãy nói chuyện với bác sĩ nếu bạn có nguy cơ cao ung thư dạ dày.
12. Triển vọng cho người bị ung thư dạ dày là gì?
Tiên lượng bệnh ung thư dạ dày có thể rất khác nhau tùy thuộc vào giai đoạn của ung thư. Bệnh nhân ở giai đoạn sớm có tỷ lệ sống còn tốt hơn nhiều so với ung thư ở giai đoạn muộn. Nếu ung thư dạ dày được phát hiện ở giai đoạn sớm nó có thể được cắt bỏ bằng nội soi, tỷ lệ sống sót sau 5 năm cao hơn 90%. Nếu ung thư được phát hiện sau khi nó đã lan rộng đến các vùng xung quanh dạ dày, tỷ lệ sống còn sau 5 năm là 28%. Nếu ung thư đã di căn xa hơn những vùng xung quanh dạ dày, tỷ lệ sống sót sau năm năm là 4%.