1. Biểu hiện bóng nước khi bị tay chân miệng bội nhiễm
Biểu hiện sớm nhất của bệnh tay chân miệng ở trẻ là Sốt nhẹ, biếng ăn, mệt mỏi. Trong 1 đến 2 ngày, phát ban da xuất hiện với biểu hiện là những nốt hồng ban, có đường kính vài mm, nổi bật trên nền da bình thường, sau đó trở thành những bóng nước.
Sang thương ở khoang miệng có dạng vết loét, với đường kính từ 4 - 8 mm, thường xuất hiện ở phía trong miệng, trên lưỡi, tại vòm miệng và ở lợi răng, khiến trẻ bị đau khi nuốt thức ăn, nước uống. Với triệu chứng này, phụ huynh thường nhầm lẫn với triệu chứng của bệnh viêm Loét miệng thông thường.
Những bóng nước tay chân miệng ngoài da chủ yếu ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, cẳng chân hoặc cánh tay. Trẻ nhũ Nhi có thể phát ban dạng sẩn ở vùng mông, nơi quấn tã lót. Trong giai đoạn cấp tính, ngoài những dấu hiệu nêu trên, đôi khi bệnh sẽ kèm theo triệu chứng khác, như đau họng, xuất hiện hạch ở cổ và dưới hàm, ho, sổ mũi, nôn mửa, tiêu chảy.
Một số trường hợp trong giai đoạn diễn tiến, virus gây bệnh (chủ yếu là Coxsackie A hoặc Enterovirus) xâm nhập vào hệ Thần kinh trung ương, dẫn đến những triệu chứng liên quan đến rối loạn tri giác, chẳng hạn như lơ mơ, li bì, mê sảng, co giật. Trường hợp bệnh tay chân miệng nặng, trẻ có thể tử vong hoặc sau một thời gian điều trị và hồi phục thì vẫn còn biểu hiện rối Loạn tâm thần kéo dài.
Khi bị tay chân miệng bội nhiễm, những bóng nước ban đầu có dịch trong sẽ chuyển sang đục. Nếu được xử trí và chăm sóc đúng cách, các bóng nước sẽ lành và không để lại sẹo. Tuy nhiên, nếu không được điều trị đúng cách, bệnh có thể diễn tiến nặng, gây ra những biến chứng rất nguy hiểm như nhiễm trùng huyết, viêm màng não, viêm não, Viêm cơ tim. Trong đó, biến chứng Não rất dễ dẫn tới tử vong.
2. Chăm sóc trẻ bị tay chân miệng tại nhà để ngăn ngừa bội nhiễm
2.1. Cách ly trẻ
Khi phát hiện trẻ mắc tay chân miệng, nên cách ly tuyệt đối để tránh lây cho trẻ lành, nhất là trẻ bị tay chân miệng bội nhiễm. Chú ý quan sát chặt chẽ những hoạt động của trẻ bệnh khi sinh hoạt thường nhật. Người lớn khi tiếp xúc và chăm sóc bệnh nhi nên mang khẩu trang y tế. Sau khi tiếp xúc với trẻ, cần vệ sinh tay bằng xà phòng.
2.2. Giữ vệ sinh cá nhân
Rửa tay sạch bằng xà phòng để hạn chế nguy cơ bội nhiễm tay chân miệng. Cho trẻ tắm rửa mỗi ngày bằng xà phòng và nước sạch. Tập trẻ thói quen rửa tay sạch sẽ, đúng cách, nhất là trước và sau khi ăn để ngăn ngừa tái nhiễm qua đường tay – miệng.
Quần áo và tã lót của trẻ bệnh nên đem ngâm với dung dịch sát khuẩn hoặc nước nóng trước khi giặt. Giặt riêng quần áo của trẻ bệnh với các trẻ khác. Vật dụng ăn uống, sinh hoạt của trẻ, như bình sữa, ly, chén, muỗng ăn, khăn mặt... nên được khử trùng và sử dụng riêng biệt cho từng trẻ.
Bố mẹ tuyệt đối không được để trẻ kiêng tắm, kiêng gió, không ủ trẻ quá kỹ, không thực hiện những hành vi châm chích, bóp vặn cho bóng nước tay chân miệng mau vỡ. Đây là một quan niệm sai lầm, làm cho bệnh tay chân miệng nặng hơn và là con đường ngắn nhất dẫn đến tình trạng bội nhiễm vi khuẩn, đe dọa đến tính mạng của trẻ.
2.3. Thuốc men
Trong mọi trường hợp, chỉ dùng thuốc theo chỉ định và dưới sự hướng dẫn chuyên môn của bác sĩ.
Việc dùng thuốc chủ yếu là để khắc phục triệu chứng. Bù đủ nước cho trẻ nếu có Sốt cao. Thường xuyên dùng dung dịch sát khuẩn để vệ sinh miệng. Tại các vị trí tổn thương ngoài da, có thể bôi dung dịch sát khuẩn để tránh nguy cơ tay chân miệng bội nhiễm. Nếu có thể, nên cho trẻ súc miệng thường xuyên bằng nước muối loãng.
Khi có bội nhiễm, nên cho trẻ khám và dùng kháng sinh theo toa thuốc của bác sĩ. Đưa trẻ đi tái khám mỗi 2 ngày, liên tục trong 8 - 10 ngày đầu của bệnh.
2.4. Chế độ Dinh dưỡng phù hợp
Cho trẻ dùng thức ăn lỏng, mềm (ví dụ như cháo) để hạn chế nguy cơ kích thích sang thương ở miệng. Ngoài ra, thức ăn nên để nguội, thậm chí nên làm mát để trẻ dễ ăn. Thức ăn quá nóng sẽ gây đau ở vết thương, khiến trẻ không nuốt được. Khi đút cho trẻ ăn, nên dùng thìa loại nhỏ để tránh đụng vào các vết loét ở đầu lưỡi và môi của trẻ.
Nếu trẻ đã từ chối, không muốn ăn thì không nên ép trẻ ăn nữa vì trẻ có thể quấy khóc, nôn ói. Thay vào đó, bố mẹ có thể bù vào bằng một ly sữa mát, bánh flan hoặc nước trái cây. Sau khi ăn xong, cho trẻ súc miệng sạch sẽ và để nghỉ (nhịn ăn hoàn toàn) trong khoảng 3 - 4 giờ, sau đó mới cho ăn bữa tiếp theo. Nên tăng cường uống bổ sung vitamin và khoáng chất (theo chỉ định bác sĩ).
Đa số những trường hợp bệnh tay chân miệng đều là nhẹ và chỉ gây triệu chứng sốt vài ngày. Tuy nhiên, bố mẹ cần lưu ý dấu hiệu bệnh tay chân miệng bội nhiễm, khi bóng nước chuyển từ trong sang đục, để đưa bé đi thăm khám, xử trí và chăm sóc phù hợp.