Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Chẩn đoán rối loạn nuốt ở trẻ bại não

07/06/2021
Chẩn đoán rối loạn nuốt ở trẻ bại não

Rối loạn chức năng vận động vùng miệng, hầu họng do rối loạn về chức năng hệ thống thần kinh – cơ, rối loạn nuốt là một vấn đề khá phổ biến ở trẻ bại não, đặc biệt ở trẻ bại não nặng.

1. Đại cương về rối loạn nuốt ở trẻ bại não

Một số nghiên cứu trên thế giới báo cáo rằng, có đến 90% trẻ bại Não có vấn đề về rối loạn nuốt. Đây là một tình trạng nguy hiểm, vì nó không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân và người chăm sóc, rối loạn nuốt có thể dẫn đến viêm phổi tái diễn nhiều lần, suy dinh dưỡng, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người bị bệnh. Tuy nhiên, tình trạng này thường bị bỏ sót và chưa được quan tâm đúng mực.

2. Một số dấu hiệu ở trẻ rối loạn nuốt

Rối loạn nuốt ở trẻ bại não có thể rất rõ ràng, nhưng đôi khi cũng dễ bị bỏ sót vì sự quan tâm không đúng mực của người chăm sóc và thậm chí của cả những nhân viên y tế chưa có kinh nghiệm

Dưới đây là một số biểu hiện rối loạn nuốt ở trẻ bại não:

  • Nuốt nghẹn
  • Ho liên tục khi ăn, Ho mạn tính
  • Thay đổi giọng sau ăn
  • Chảy dãi
  • Khô miệng
  • Yếu, mệt, uể oải, chậm chạp, thiếu năng lượng
  • Ợ hơi, ợ chua
  • Trào ngược thức ăn lên mũi
Chẩn đoán rối loạn nuốt ở trẻ bại não - ảnh 1
Trẻ xuất hiện tình trạng ợ chua, ợ hơi sau khi ăn
  • Chống đối khi ăn
  • Đau họng do trào ngược dạ dày thực quản, viêm nhiễm do ứ đọng thức ăn
  • Thời gian ăn kéo dài
  • Thay đổi vị trí của lưỡi: là một tình trạng rối loạn vận động cơ vùng miệng, làm lưỡi đẩy ra trước, hoặc ra phía sau khoang miệng khi nuốt, làm việc nhai, nuốt trở nên khó khăn
  • Sụt cân hoặc chậm tăng cân không giải thích được

3. Chẩn đoán rối loạn nuốt

Với các bệnh nhân bại não, cần được kiểm tra một cách kỹ lưỡng để đánh giá tình trạng rối loạn nuốt để đưa ra các phương pháp điều trị thích hợp, kịp thời, tránh những hậu quả xấu do rối loạn nuốt gây ra

3.1 Khám lâm sàng

  • Khai thác tiền sử bệnh
  • Khám lâm sàng tình trạng, mức độ bại não: Có sự liên quan rất lớn giữa mức độ bại não và rối loạn nuốt. Tổn thương hệ thống thần kinh trung ương ở trẻ bại não không chỉ ảnh hưởng đến vận động, tư thế, trương lực cơ ở nhóm cơ tay, chân, thân mình, nó còn ảnh hưởng đến các dây Thần kinh sọ não, vận động miệng, lưỡi, hàm, trương lực cơ của các nhóm cơ vùng mặt, miệng, hầu, thậm chí là nhận thức, vì vậy các trẻ bại não càng nặng thường kèm theo rối loạn nuốt càng nặng.

Đánh giá tình trạng rối loạn nuốt:

  • Đánh giá tình trạng vận động miệng, lưỡi, hàm, hầu
  • Khám, đánh giá các dây thần kinh sọ
  • Đánh giá phản xạ nuốt
  • Đánh giá khả năng nuốt các loại thực phẩm với độ đặc – lỏng khác nhau: nước, sữa chua, đồ ăn đặc, rắn...
  • Đánh giá tồn đọng thức ăn sau nuốt
Chẩn đoán rối loạn nuốt ở trẻ bại não - ảnh 2
Trẻ được khám lâm sàng để đánh giá tình trạng rối loạn nuốt

3.2 Cận lâm sàng:

  • Đo áp lực thực quản: sử dụng một ống thông có cảm biến áp lực qua mũi xuống dạ dày qua thực quản. Ống thông này sẽ cảm nhận được co bóp thực quản khi vận chuyển thức ăn từ hầu xuống dạ dày
  • Nội soi họng, đánh giá thanh quản, tồn đọng thức ăn vùng miệng, họng, thanh quản
  • Đánh giá trào ngược dạ dày thực quản
  • Nội soi dạ dày thực quản: Để quan sát bất kỳ các bất thường về cấu trúc, chức năng của các cơ quan này
  • X-quang quay video quá trình nuốt có cản quang (Videofluoroscopic swallow study - VFSS).
  • Nội soi ống mềm lượng giá nuốt (Flexible endoscopic evaluation of swallowing - FEES).
Chẩn đoán rối loạn nuốt ở trẻ bại não - ảnh 3
Nội soi dạ dày - thực quản là một phương pháp chẩn đoán rối loạn nuốt

Hiện nay, ở Việt Nam, các phương pháp cận lâm sàng đánh giá tình trạng rối loạn nuốt chưa phổ biến. Phương pháp có thể hỗ trợ lâm sàng thường sử dụng là phương pháp nội soi họng, Nội soi dạ dày thực quản. Các phương pháp như VFSS và FEES là các phương pháp hiện đại, giúp phát hiện các triệu chứng khó xác định trên lâm sàng như hít sặc nhưng chưa được sử dụng rộng rãi.