Triệu chứng
Khô miệng hoặc khô cổ họng; Thường xuyên khát nước; Nước bọt sệt và dính; Hơi thở hôi
Chẩn đoán
Bác sĩ hoặc nha sĩ có thể kiểm tra miệng, bệnh sử và tất cả các loại thuốc bạn đang dùng để xác định xem bạn có bị khô miệng hay không.
Điều trị
Thay đổi thuốc gây khô miệng. Nếu thuốc là nguyên nhân gây ra bệnh, bác sĩ có thể điều chỉnh liều lượng hoặc đổi sang một loại thuốc mà không gây khô miệng;
Tổng quan
Khô miệng là bệnh gì?
Khô miệng là tình trạng miệng khô một cách bất thường. Thông thường, Khô miệng là do tuyến nước bọt suy giảm bài tiết và tác dụng phụ của thuốc. Bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến tuyến nước bọt cũng có thể gây khô miệng, nhưng trường hợp này ít xảy ra hơn.
Bạn cần có nước bọt để nhai, nuốt, nếm và nói chuyện, tuy nhiên bạn có thể gặp khó khăn với các hoạt động trên khi bị khô miệng. Nước bọt cũng giúp ngăn ngừa Sâu răng bằng cách trung hòa axit của vi khuẩn, hạn chế vi khuẩn phát triển và rửa đi các mẩu thức ăn.
Nếu bạn không có đủ nước bọt và bị khô miệng thì sẽ gặp phải các tình trạng sau đây:
Tăng mảng bám, sâu răng và bệnh nướu răng;
Lở loét miệng;
Nhiễm nấm trong miệng;
Lưỡi dơ;
Lở các góc miệng;
Nứt môi;
Có Dinh dưỡng kém do gặp vấn đề khi nhai và nuốt.
Triệu chứng thường gặp
Những triệu chứng và dấu hiệu của khô miệng là gì?
Các triệu chứng phổ biến của bệnh khô miệng bao gồm:
Khô miệng hoặc khô cổ họng;
Thường xuyên khát nước;
Nước bọt sệt và dính;
Hơi thở hôi;
Khó nhai, nói và nuốt;
Cảm giác thay đổi của hương vị;
Thường xuyên sâu răng hơn;
Bệnh nướu răng.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.
Nguyên nhân
Những nguyên nhân nào gây ra bệnh khô miệng?
Nguyên nhân gây ra khô miệng bao gồm:
Tác dụng phụ của thuốc. Một số thuốc có thể gây khô miệng, bao gồm các loại thuốc dùng để điều trị trầm cảm, đau dây thần kinh, lo âu cũng như thuốc kháng histamin, thuốc thông mũi, thuốc giãn cơ và thuốc giảm đau;
Tác dụng phụ của một số bệnh và nhiễm trùng, bao gồm hội chứng Sjogren, HIV/AIDS, bệnh Alzheimer, tiểu đường, thiếu máu, xơ nang, viêm khớp dạng thấp, tăng huyết áp, bệnh Parkinson, đột quỵ và bệnh quai bị;
Tác dụng phụ của phương pháp điều trị. Thuốc hóa trị và xạ trị có thể thay đổi bản chất và lượng nước bọt được sản xuất;
Tổn thương thần kinh. Chấn thương hoặc phẫu thuật gây tổn thương thần kinh vùng đầu và cổ cũng có thể dẫn đến khô miệng.
Nguy cơ mắc phải
Những ai thường mắc bệnh khô miệng?
Khô miệng là tình trạng sức khỏe rất phổ biến. Bệnh có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi và thường xuất hiện nhiều hơn ở nữ giới. Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc chứng bệnh khô miệng?
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh khô miệng, chẳng hạn như:
Lão hóa: quá trình lão hóa không hẳn là nguyên nhân gây ra khô miệng. Tuy nhiên, những người lớn tuổi dùng thuốc có thể bị khô miệng và có nhiều khả năng mắc các bệnh khác gây ra khô miệng;
Lối sống: hút thuốc hoặc dùng thuốc lá nhai có thể tăng triệu chứng khô miệng;
Mất nước: một số tình trạng dẫn đến mất nước, như sốt, đổ mồ hôi quá nhiều, nôn mửa, tiêu chảy, mất máu và bỏng cũng có thể gây khô miệng.
Điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế, vậy nên tốt nhất là bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh không miệng?
Bác sĩ hoặc nha sĩ có thể kiểm tra miệng, bệnh sử và tất cả các loại thuốc bạn đang dùng để xác định xem bạn có bị khô miệng hay không.
Nếu nguyên nhân không phải là do thuốc, bạn cần phải xét nghiệm máu, quét hình ảnh các tuyến nước bọt hoặc xét nghiệm đo lường lượng nước bọt tiết ra để xác định nguyên nhân gây ra khô miệng. Nếu nghi ngờ tình trạng miệng khô là do hội chứng Sjogren, bác sĩ sẽ tiến hành sinh thiết tuyến nước bọt và đem đi xét nghiệm.
Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh khô miệng?
Bác sĩ sẽ điều trị khô miệng phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh, bao gồm:
Thay đổi thuốc gây khô miệng. Nếu thuốc là nguyên nhân gây ra bệnh, bác sĩ có thể điều chỉnh liều lượng hoặc đổi sang một loại thuốc mà không gây khô miệng;
Chỉ định các sản phẩm dưỡng ẩm miệng bao gồm thuốc theo toa hoặc không theo toa như nước súc miệng, nước bọt nhân tạo hoặc chất dưỡng ẩm để bôi trơn miệng.
Nếu bạn bị khô miệng nặng, bác sĩ hoặc nha sĩ có thể thực hiện các phương pháp sau:
Chỉ định thuốc kích thích tiết nước bọt. Bác sĩ có thể xem xét cho bạn sử dụng pilocarpine (Salagen®) hoặc cevimeline (Evoxac®) để kích thích quá trình sản xuất nước bọt;
Bảo vệ răng. Để ngăn ngừa sâu răng, nha sĩ có thể cho bạn đeo khay fluoride trong một vài phút vào ban đêm. Bạn cũng được khuyên nên sử dụng chlorhexidine hàng tuần để kiểm soát sâu răng.