Mục lục:

Trào ngược dạ dày bị hôi miệng

Khi mắc bệnh trào ngược dạ dày, thức ăn đang tiêu hóa dở trong dạ dày và acid dịch vị sẽ bị trào ngược lên thực quản, vòm họng và cả miệng khiến người bệnh bị hôi miệng. Chính vì thế, hôi miệng là một triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân mắc bệnh trào ngược dạ dày.
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1. Trào ngược dạ dày gây hôi miệng vì sao?

Trào ngược dạ dày là tình trạng trào ngược từng dịch dạ dày lên thực quản. Bệnh nếu không được điều trị kịp thời có thể để lại những những biến chứng nguy hiểm như viêm thực quản, hẹp thực quản, ung thư biểu mô tuyến thực quản,... Bên cạnh các triệu chứng kinh điển như ợ hơi, ợ nóng, ợ chua, đau tức ngực, nóng dạ dày, ho, khàn giọng thì hôi miệng cũng là một triệu chứng khá thường gặp. Hôi miệng làm hơi thở luôn có mùi khó chịu, làm người bệnh mất tự tin khi giao tiếp.

Vì sao trào ngược dạ dày bị hôi miệng là vấn đề được rất nhiều người thắc mắc. Lý giải điều này, các bác sĩ chuyên khoa cho rằng, do là cơ quan tiêu hóa thức ăn, dạ dày là nơi trú ngụ của nhiều loại vi khuẩn. Khi mắc bệnh trào ngược dạ dày, thức ăn đang tiêu hóa dở trong dạ dày và acid dịch vị sẽ bị trào ngược lên thực quản, vòm họng và cả miệng khiến người bệnh bị hôi miệng. Ngoài ra, acid dịch vị khi trào ngược lên sẽ bào mòn lớp niêm mạc miệng và họng, vi khuẩn sinh mùi sẽ có điều kiện phát triển.

Khi triệu chứng hôi miệng xảy ra có thể bệnh trào ngược dạ dày của bệnh nhân đã ở mức độ nghiêm trọng. Để khắc phục tình trạng hôi miệng người bệnh cần được điều trị tận gốc bệnh lý trào ngược dạ dày.

Trào ngược dạ dày bị hôi miệng - ảnh 1
Trào ngược dạ dày tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh mùi phát triển và gây hôi miệng

2. Những cách khắc phục trào ngược dạ dày gây hôi miệng hiệu quả

Khi bệnh trào ngược dạ dày gây hôi miệng, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị. Các thuốc có thể được bác sĩ chỉ định là:

  • Nhóm thuốc ức chế bơm proton (PPI) như: Omeprazol, Esomeprazol, Lansoprazol, Pantoprazol, Rabeprazol,...Các thuốc ức chế bơm proton thường được sử dụng 1 viên trước ăn 30 phút, sử dụng hàng ngày trong 4-8 tuần. Nếu tình trạng bệnh không được cải thiện, có tăng liều gấp đôi trong 4 tuần hoặc thực hiện Nội soi để đánh giá. Nếu các triệu chứng được kiểm soát tốt sau 4-8 tuần, áp dụng các liệu pháp hạ bậc điều trị như giảm liều, chỉ sử dụng thuốc khi cần thiết hoặc ngừng sử dụng thuốc.
  • Nhóm thuốc ức chế thụ thể H2 như Cimetidin, Ranitidin, Famotidin, Nizatidin,...có tác dụng tốt với bệnh trào ngược dạ dày thể nhẹ và trung bình. Liều thường dùng là: 1 viên x2 lần/ ngày, uống trước ăn 15-30 phút.
  • Nhóm thuốc kháng acid dạ dày: dạng thuốc kháng acid được sử dụng phổ biến hiện nay là thuốc phối hợp nhôm và magie. Thuốc có nhiều dạng bào chế như dạng gel, viên nén, bột, thuốc cốm. Nên uống thuốc sau ăn 1-3 giờ hoặc trước khi đi ngủ, số lần sử dụng tùy theo tình trạng của bệnh nhân.

Bên cạnh điều trị hôi miệng bằng thuốc, thay đổi lối sống đóng vai trò rất quan trọng giúp cải thiện tình trạng bệnh. Các biện pháp thay đổi lối sống người bệnh cần thực hiện là:

  • Tránh dùng các thực phẩm và đồ uống như rượu, bia, cà phê, nước ngọt có ga, các loại nước cam, chanh, sôcôla, thức ăn cay và béo,...Đây là các thực phẩm có thể làm nặng thêm bệnh trào ngược dạ dày.
  • Tránh cúi người về phía trước, lao động hoặc tập luyện nặng ngay sau khi ăn.
  • Ăn thành nhiều bữa trong ngày, tránh ăn trước khi ngủ ít nhất 2 giờ, tránh nằm ngay sau khi ăn.
  • Nằm đầu cao khi ngủ, ngưng hút thuốc lá, giảm cân, không xiết hoặc mặc quần quá chật.
Trào ngược dạ dày bị hôi miệng - ảnh 2
Không sử dụng rượu, bia, Cà phê sẽ hạn chế tình trạng trào ngược dạ dày

Nếu điều trị nội khoa kết hợp thay đổi lối sống thất bại, bệnh nhân có thể được phẫu thuật chống trào ngược. Phẫu thuật có thể giúp cải thiện triệu chứng nóng xót và trào ngược, tuy nhiên có một số bệnh nhân sau phẫu thuật vẫn phải tiếp tục dùng thuốc.

Trong thời gian điều trị bệnh trào ngược dạ dày, để cải thiện triệu chứng hôi miệng, người bệnh có thể áp dụng một số cách như:

  • Đánh răng và làm sạch lưỡi thường xuyên, ngày 2 lần sáng và tối. Sử dụng chỉ nha khoa, nước súc miệng sau mỗi lần ăn để làm sạch mảng bám quanh Răng. Kết hợp nhai kẹo cao su không đường sau ăn để tăng cường khả năng làm sạch và tiết nước bọt của miệng.
  • Uống đủ nước: uống ít nhất 2 lít nước/ngày để giúp cơ chế sinh nước bọt của miệng hoạt động bình thường, hạn chế mùi hôi miệng.
  • Súc miệng bằng nước muối sinh lý là cách đơn giản, hiệu quả giúp ngăn ngừa mảng bám, diệt các vi khuẩn trong miệng, khắc phục hơi thở khó chịu do trào ngược dạ dày.
  • Sử dụng một số bài thuốc dân gian như dùng lá bạc hà, Gừng tươi, vỏ chanh tươi, cam thảo, muối hột và lá Ngò gai,... cũng rất có hiệu quả để loại bỏ mùi khó chịu trong hơi thở.
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung