Mục lục:

Tràn dịch màng bụng có nguy hiểm không?

Tràn dịch màng bụng là sự tích tụ bất thường của các chất lỏng bên trong ổ bụng. Ở giai đoạn đầu, bệnh nhân không có những biểu hiện rõ rệt nên rất khó phát hiện bệnh. Đến khi tình trạng tràn dịch nặng, khiến da bụng căng lên kèm theo các triệu chứng căng tức, khó chịu bệnh nhân mới đi khám và tiến hành các xét nghiệm chẩn đoán bệnh.
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1. Tràn dịch trong ổ bụng có nguy hiểm không?

Tràn dịch màng bụng nặng sẽ khiến da bụng căng lên, cảm giác nặng bụng và các triệu chứng như: khó thở, đau bụng, đầy hơi, nôn mửa, ợ nóng, rốn lồi ra... Mức độ nguy hiểm chủ yếu phụ thuốc nguyên nhân sinh ra nó.

Trường hợp tăng áp lực tĩnh mạch cửa do xơ gan, bệnh nhân bị tràn dịch màng bụng có thể bị phù chân, nam giới có hiện tượng vú lớn, nôn ra máu, mắc các bệnh lý Não hoặc rối loạn thần kinh.

Trường hợp tràn dịch màng bụng do ung thư hoặc do các yếu tố từ nơi khác di căn đến có thể khiến bệnh nhân bị suy nhược kéo dài, sụt cân nghiêm trọng.

Trường hợp tràn dịch màng bụng do suy tim, bệnh nhân có thể thấy khó thở hoặc thở khò khè.

Trong chẩn đoán tràn dịch màng bụng có 3 cấp độ:

  • Cấp độ 1: tràn dịch màng bụng nhẹ, chỉ nhìn thấy trên CT Scanner và siêu âm.
  • Cấp độ 2: có thể phát hiện thông qua khám bằng cách sờ và gõ.
  • Cấp độ 3: tràn dịch màng bụng nặng, có thể nhìn thấy trực tiếp, có tiếng sóng võ khi dịch thay đổi di chuyển.

Màu sắc của dịch cũng cho thấy mức độ nguy hiểm của bệnh:

  • Nếu dịch trong suốt, không có màu: Bệnh nhân mắc bệnh tim.
  • Nếu dịch màu hồng: Bệnh nhân bị lao màng bụng hoặc ung thư.
  • Nếu dịch màu vàng chanh: Bệnh nhân bị lao màng bụng hoặc xơ gan.
  • Nếu dịch có màu đục như có mủ: Bệnh nhân bị viêm màng bụng có mủ.
  • Nếu dịch có màu trắng như sữa và đông lại như thạch: Bệnh nhân có dịch dưỡng chấp, có thể bị giun chỉ hoặc có khối u trong ổ bụng.

2. Chẩn đoán tràn dịch màng bụng như thế nào?

2.1. Chẩn đoán triệu chứng

Nhìn:

Quan sát bệnh nhân ở tư thế đứng và tư thế nằm:

  • Ở tư thế đứng: bụng chảy xệ, nhìn thấy rõ tuần hoàn bàng hệ nếu do xơ gan.
  • Ở tư thế nằm ngửa: có thể quan sát thấy bụng to bè ra hai bên, dù nằm nhưng rốn vẫn lồi lên, có tuần hoàn bàng hệ nếu do xơ gan, bụng bệnh nhân không chuyển động theo nhịp thở. Dịch thường đọng vùng thấp.

Sờ:

  • Trường hợp tình trạng bệnh nhẹ, dịch ít, khi sờ sẽ không cảm nhận thấy gì khác thường.
  • Trường hợp dịch trung bình hoặc nhiều: sờ vào bụng thấy bụng mềm. Nếu dịch nhiều sẽ có cảm giác căng như quả bóng.
  • Dấu hiệu sóng vỗ: một người lấy rìa bàn tay chắn nhẹ lên đường giữa bụng. Trong khi đó, bác sĩ sẽ lấy một bàn tay áp vào một bên thành bụng, tay còn lại búng hoặc vỗ nhẹ vào bên thành bụng đối diện sẽ thấy cảm giác có sóng vỗ vào lòng bàn tay đối diện. Đây được gọi là dấu hiệu sóng vỗ.
  • Dấu hiệu cục đá nổi: trường hợp trong bụng có một khối u hoặc gan, lá Lách to sẽ thấy có dấu hiệu này. Khi lấy ngón tay ấn nhanh và bất ngờ vào thành bụng ở vị trí phía trên khối u sẽ thấy có cảm giác bị đụng trở lại ngón tay giống như một cục đá đang nổi trong nước.
Tràn dịch màng bụng có nguy hiểm không? - ảnh 1
Bụng to bất thường là dấu hiệu của tràn dịch màng bụng

Gõ:

Đây là phương pháp rất quan trọng trong chẩn đoán tràn dịch màng bụng.

  • Để bệnh nhân nằm ngửa: gõ từ rốn ra các vị trí xung quanh theo hình nan hoa, sẽ thấy vùng gần rốn và vùng cao có tiếng trong, vùng thấp có tiếng đục. Trường hợp cổ chướng ít thì vùng có tiếng đục chỉ ở hai bên mạn sườn. Nếu cổ chướng nhiều thì giữa hai vùng trong và vùng đục có một đường cong lõm.
  • Để bệnh nhân ở tư thế nằm nghiêng: làm tương tự như trên sẽ thấy vùng đục nhiều hơn ở bên thấp.

Kết hợp 3 phương pháp nhìn, sờ và gõ có thể nghĩ ngay đến cổ chướng nếu có các dấu hiệu nêu trên. Để xác định chính xác cần tiến hành chọc dò màng bụng.

2.2. Xét nghiệm dịch màng bụng

Nếu bệnh nhân bị tràn dịch màng bụng không rõ nguyên nhân thì cần lấy dịch màng bụng để xét nghiệm đếm tế bào, cấy vi sinh, đo lượng albumin, đo lượng protein toàn phần, kiểm tra tế bào học, nhuộm Gram. Quy trình Xét nghiệm dịch màng bụng như sau:

  • Quan sát

Hầu hết dịch báng sẽ có màu trong và hơi ngả vàng. Phải có ít nhất 10.000 hồng cầu/μL thì dịch báng mới ngả sang màu hồng. Có ít nhất 20.000 hồng cầu/μL thì dịch báng se có màu đỏ rõ của máu.

Dịch báng có máu có thể đã chạm vào mạch máu khi chọc dò hoặc có thể do một bệnh lý ác tính nào đó. Nếu dịch có máu do khi chọc chạm vào mạch sẽ khá đồng nhất và đông lại. Nếu dịch có máu không phải do chọc chạm mạch thì màu đỏ đồng nhất và không đông do trước đó máu đã đông lại và đã ly giải sau đó. Nếu dịch đục và có mủ thì chứng tỏ đã có nhiễm trùng xảy ra.

  • Xét nghiệm đếm tế bào

Trung bình dịch báng chứa khoảng

Nếu bạch cầu đa nhân > 250/μL thì có thể là Viêm phúc mạc do vi trùng. Bạch cầu lympho thường chiếm đa số trong Viêm phúc mạc do ung thư di căn hoặc lao.

  • Đo lượng Albumin chênh lệch trong dịch báng và huyết thanh

Đây là xét nghiệm đơn độc tốt nhất để có thể phân loại tràn dịch màng bụng do tăng áp lực tĩnh mạch cửa hay không do tăng áp lực tĩnh mạch cửa.

Lấy trị số Albumin trong Huyết thanh trừ đi trị số albumin trong dịch báng. Chú ý lấy mẫu thử cùng một thời điểm. Mức độ chính xác của xét nghiệm này trong phân loại dịch báng lên đến khoảng 97%.

Tràn dịch màng bụng có nguy hiểm không? - ảnh 2
Bệnh nhân cần đến gặp bác sĩ ngay khi thấy cơ thể có dấu hiệu bất thường
  • Protein toàn phần

Việc phân loại dịch báng bụng là dịch tiết khi lượng protein ≥2,5 g/dL chỉ có khoảng 56% chính xác trong xác định nguyên nhân gây dịch tiết. Lượng protein toàn phần kết hợp với đo lượng albumin chênh lệch trong dịch báng và Huyết thanh có thể giúp xác định nguyên nhân rõ ràng hơn.

  • Cấy và nhuộm Gram

Trong điều kiện mẫu bệnh được bơm ngay vào các chai cấy máu tại giường bệnh thì cấy có độ nhạy lên tới 92% trong phát hiện vi khuẩn trong dịch báng. Còn nhuộm Gram chỉ thấy vi trùng trong 10% các trường hợp nhiễm trùng dịch báng tự phát khi được phát hiện sớm. Để phát hiện được thông qua nhuộm Gram cần phải có khoảng 10.000 vi khuẩn/mL. Trong Viêm phúc mạc tự phát do vi khuẩn, mật độ trung bình của vi khuẩn là 1 vi khuẩn/mL.

  • Tế bào học

Trong chẩn đoán, xác định dịch báng do ung thư gây ra, các phết tế bào có độ nhạy khoảng 58 - 75%.

2.3. Chẩn đoán phân biệt

Chẩn đoán tràn dịch màng bụng phân biệt với các tình trạng như:

  • Bụng to do béo xệ: rốn lõm, da bụng dày, khi gõ không có hiện tượng trong ở trên, đục ở thấp.
  • Da bụng bị phù nề: da bụng bị phù nề có thể xác định bằng cách ấn ngón tay vào da sẽ thấy có vết lõm.
  • Bụng to do chướng hơi: gõ vào thành bụng không thấy có dấu hiệu sóng vỗ.
  • Bụng to do U nang buồng trứng: sờ vào bụng có thể thấy khối u. Bụng to nhô cao lên trên chứ không bè ra hai bên.
  • Bụng to do có thai: có các dấu hiệu thai nghén. siêu âm thấy hình ảnh thai.
  • Cầu bàng quang: có các triệu chứng bí đái, thông nước tiểu.
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung