Thiếu máu cơ tim- Chẩn đoán và điều trị

Một trong những nguyên nhân phổ biến gây đau ngực ở người trưởng thành là do thiếu máu cơ tim cục bộ. Biểu hiện này sẽ vô cùng nguy hiểm nếu là triệu chứng của nhồi máu cơ tim cấp hoặc đau thắt ngực không ổn định. Chẩn đoán và điều trị thiếu máu cơ tim nhanh chóng, chính xác sẽ giúp giảm biến chứng và tỉ lệ tử vong ở người bệnh.
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1. Đối tượng nào dễ mắc bệnh thiếu máu cơ tim?

Bất kỳ ai cũng có thể mắc phải bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ, đặc biệt những người có nhiều yếu tố nguy cơ: nam giới trên 45 tuổi, nữ giới trên 55 tuổi, có thói quen hút thuốc, những người bệnh tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa lipid máu, ít vận động, thừa cân béo phì, hay gặp phải lo lắng, stress trong cuộc sống hay gia đình có người bị bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ.

Khi mắc phải bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ, người bệnh thường có biểu hiện như cơ thể mệt mỏi, ngực đau thắt, như có đá đè nặng, bó chặt sau xương ức hoặc ngực trái khi gắng sức, khi lo lắng...Những biểu hiện này thường giảm khi người bệnh nghỉ ngơi hợp lý hoặc dùng thuốc điều trị thiếu máu cơ tim do bác sĩ kê đơn.

2. Chẩn đoán bệnh thiếu máu cơ tim Thiếu máu cơ tim- Chẩn đoán và điều trị - ảnh 1

Hình ảnh Siêu âm tim gắng sức tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec

Các Phương pháp chẩn đoán bệnh tim thiếu máu cục bộ bao gồm:

2.1 Điện tâm đồ

Điện tâm đồ là phương pháp bắt buộc phải thực hiện đầu tiên để chẩn đoán bệnh mạch vành. Trên điện tim có thể thấy các biến đổi các song ST-T hoặc song Q Hoại tử của nhồi máu cơ tim cũ. Nếu những biến đổi này thay đổi theo thời gian thì càng có giá trị chẩn đoán bệnh.

2.2 Điện tâm đồ gắng sức

Điện tâm đồ khi nghỉ chỉ phát hiện được 20-30% các trường hợp có bệnh mạch vành.

Điện tâm đồ gắng sức (bằng thảm chạy hoặc xe đạp lực kế): ghi điện tâm đồ liên tục trong lúc bệnh nhân gắng sức để phát hiện các biến đổi bất thường trên điện tim khi người bệnh gắng sức mạnh.

Biện pháp này có thể phát hiện 60-70% các trường hợp có bệnh lý mạch vành.

2.3 siêu âm tim và Siêu âm tim gắng sức

Trên hình ảnh siêu âm tim có thể phát hiện các rối loạn vận động vùng cơ tim: giảm vận động, không vận động hoặc vận động nghịch thường theo vùng cấp máu của động mạch vành.

Trong trường hợp siêu âm tim bình thường có thể tiến hành siêu âm tim gắng sức bằng thuốc (Dobutamin) hoặc xe đạp điện lực kế, là các biện pháp có giá trị phát hiện sớm các vùng cơ tim thiếu máu.

2.4 Chụp cắt lớp vi tính mạch vành

Đánh giá được hình ảnh động mạch vành, mức độ hẹp, vị trí hẹp. Tuy nhiên nếu Mạch vành bị vôi hóa nhiều độ chính xác sẽ giảm.

2.5 Chụp động Mạch vành qua ống thông

Chụp động mạch vành qua ống thông là biện pháp chính xác nhất tuy nhiên là một biện pháp xâm lấn, kỹ thuật cao.

Ống thông sẽ được đưa qua đường mạch máu (động mạch quay hoặc động mạch đùi) đến chụp các động mạch vành để xác định chính xác mức độ hẹp động mạch vành. Trong một số trường hợp không rõ ràng, có thể sử dụng thêm các kỹ thuật cao khác để đánh giá chính xác tổn thương mạch vành: đo lưu lượng dự trữ vành (FFR) hoặc siêu âm trong lòng động mạch vành (IVUS).

3. Cách điều trị thiếu máu cơ tim hiệu quả

Mục tiêu của các phương pháp điều trị thiếu máu cơ tim là tái thông mạch vành, giảm triệu chứng và giảm các biến chứng.

3.1 Thay đổi lối sống

  • Sống trong môi trường trong lành, yên tĩnh, hạn chế căng thẳng, stress, xúc động, cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi hợp lý.
  • Từ bỏ thói quen hút thuốc lá và hạn chế tối đa việc sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, cafe...
  • Hạn chế ăn các thực phẩm giàu cholesterol và tăng cường sử dụng rau xanh, thực phẩm giàu chất xơ.
  • Tăng cường hoạt động thể lực.
  • Kiểm soát tốt chỉ số huyết áp, chỉ số đường huyết, hạn chế đường.
Thiếu máu cơ tim- Chẩn đoán và điều trị - ảnh 2
Thay đổi lối sống lành mạnh, tăng cường hoạt động thể lực để sống khỏe mạnh hơn

3.2 Điều trị nội khoa

Một trong những cách chữa bệnh thiếu máu cơ tim được các bác sĩ chỉ định chính là sử dụng các loại thuốc có tác dụng làm giảm mức tiêu thụ oxy của cơ tim, giãn mạch từ đó giảm các cơn đau thắt ngực, giảm tỷ lệ nhồi máu cơ tim và tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch.

Người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối chỉ định về thời gian, liều lượng của bác sĩ. Không được tự ý dừng thuốc vì điều này có thể làm xuất hiện các triệu chứng của thiếu máu cơ tim với tần suất và mức độ nặng hơn. Trong những trường hợp cần thiết phải ngưng thuốc: phải tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa tim mạch.

Ngoài ra, người bệnh cũng cần thăm khám sức khỏe định kỳ tại các cơ sở y tế uy tín, chất lượng để theo dõi tình trạng sức khỏe cũng như tiến triển bệnh.

3.3 Tái thông mạch vành

Khi có chỉ định, bệnh nhân sẽ được tiến hành chụp mạch vành, từ đó tùy theo tổn thương mạch vành, các bác sĩ sẽ đề xuất can thiệp (đặt stent mạch vành) hoặc phẫu thuật. Bệnh nhân sẽ được tư vấn để lựa chọn Phương pháp điều trị tối ưu phù hợp với bản thân.

Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung