Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Bệnh thiếu máu cơ tim: Biểu hiện, nguyên nhân và cách điều trị

22/09/2020
Bệnh thiếu máu cơ tim: Biểu hiện, nguyên nhân và cách điều trị

Bệnh thiếu máu cơ tim là một trong những bệnh lý tim mạch phổ biến, nhiều khả năng dẫn đến nhồi máu cơ tim, khiến cơ tim bị hoại tử, đe dọa tính mạng bệnh nhân. Việc nhận thức sớm về bệnh thiếu máu cơ tim giúp cho người bệnh và gia đình giảm thiểu rủi ro mắc phải và góp phần điều trị hiệu quả.

1. Thiếu máu cơ tim là bệnh gì?

Bệnh thiếu máu cơ tim (hay còn gọi là thiếu máu cục bộ cơ tim) là bệnh lý xảy ra khi lưu lượng máu đến tim bị giảm, khiến cho tim không tiếp nhận đủ lượng oxy cần thiết cho hoạt động co bóp tống máu. Lượng máu đến tim giảm là hậu quả của sự tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ các nhánh của động mạch tim (động mạch vành). Thiếu máu cơ tim làm giảm khả năng bơm của tim, gây tổn thương cơ tim, nhiều trường hợp dẫn đến Loạn nhịp tim và nhồi máu cơ tim. Sự tắc nghẽn đột ngột của động Mạch vành có thể gây ra nhồi máu cơ tim.

2. Biểu hiện bệnh thiếu máu cơ tim

Một số bệnh nhân thiếu máu cục bộ cơ tim không biểu hiện thành triệu chứng. Tuy nhiên, khi các dấu hiệu và triệu chứng xuất hiện, phổ biến nhất là cơn đau ở vùng ngực, thường là phía bên trái của cơ thể (đau thắt ngực). Ở bệnh nhân nữ, người cao tuổi hoặc người bị đái tháo đường, những biểu hiện của bệnh thiếu máu cơ tim có thể dễ nhận biết hơn, bao gồm:

  • Đau vùng cổ hoặc hàm
  • Đau vai hoặc cánh tay
  • Nhịp tim nhanh
  • Khó thở khi vận động cơ thể
  • Buồn nôn và nôn
  • Đổ nhiều mồ hôi
  • Mệt mỏi

Một vài bệnh nhân có thể có các triệu chứng khác không được đề cập trên đây. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các triệu chứng và dấu hiệu của bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim, hãy tham khảo thêm ý kiến chuyên môn từ các bác sĩ tại Vinmec.

3. Nguyên nhân gây bệnh thiếu máu cơ tim

Tình trạng thiếu máu tại cơ tim xảy ra khi dòng máu di chuyển qua một hoặc nhiều động Mạch vành của bệnh nhân bị suy giảm hoặc cản trở. Chức năng chính của hồng cầu trong máu là vận chuyển oxy đến các bộ phận khác nhau trong cơ thể chúng ta, bao gồm cả tim. Chính bởi lưu lượng máu đến tim bị suy giảm đã làm giảm lượng oxy cung cấp cho cơ tim.

Thông thường, thiếu máu cục bộ cơ tim tiến triển chậm theo thời gian (do mảng xơ vữa tích tụ dần trong lòng động mạch). Tuy nhiên, bệnh có thể xảy ra nhanh ngay lập tức khi động mạch vành bị tắc đột ngột (do cục máu đông gây nghẽn mạch).

3.1. Những nguyên nhân gây thiếu máu cục bộ cơ tim

  • Bệnh động mạch vành (xơ vữa động mạch): Mảng xơ vữa được tạo thành chủ yếu từ cholesterol, tích tụ trên thành động mạch, cản trở sự lưu thông máu. Xơ vữa động mạch là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh thiếu máu cơ tim.
  • Cục máu đông: Các mảng xơ vữa có thể bị vỡ, tạo ra cục máu đông. Cục máu đông này di chuyển trong lòng mạch máu và gây tắc mạch khi đi đến những đoạn hẹp, dẫn đến thiếu máu cơ tim đột ngột và làm khởi phát nhồi máu cơ tim.
  • Co thắt động mạch vành: Sự co thắt tạm thời các cơ của động mạch vành làm suy giảm lưu lượng máu, thậm chí ngăn chặn dòng chảy của máu đến cung cấp oxy cho cơ tim. Tuy nhiên, co thắt động mạch vành không phải là nguyên nhân phổ biến gây ra thiếu máu cục bộ cơ tim.

3.2. Những tác nhân gây khởi phát cơn đau thắt ngực

Ở bệnh nhân thiếu máu cục bộ cơ tim, những tác nhân sau đây nhiều khả năng sẽ gây khởi phát cơn đau thắt ngực:

  • Vận động gắng sức
  • Sự căng thẳng
  • Nhiệt độ lạnh
  • Sử dụng cocain

3.3. Những yếu tố nguy cơ của bệnh thiếu máu cơ tim

Các yếu tố sau đây có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim:

  • Thuốc lá: Một trong những nguyên nhân làm xơ cứng thành động mạch. Hút thuốc cũng làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.
  • Bệnh đái tháo đường: Đây là bệnh lý có liên quan mật thiết, làm tăng nguy cơ thiếu máu cục bộ cơ tim, nhồi máu cơ tim và hàng loạt các vấn đề về tim khác.
  • Bệnh tăng huyết áp: Theo thời gian, tăng huyết áp có thể dẫn đến xơ vữa động mạch, làm tổn thương các động mạch vành.
  • Mức Cholesterol và triglycerid trong máu tăng cao: Cholesterol và triglycerid là thành phần tạo ra mảng xơ vữa động mạch. Tình trạng tăng cao mức cholesterol xấu trong máu có thể do di truyền hoặc chế độ ăn uống giàu chất béo bão hòa.
  • Béo phì: Tình trạng thừa cân, Béo phì dễ dẫn đến tiểu đường, cao huyết áp và làm gia tăng mức cholesterol trong máu.
  • Lối sống tĩnh tại, lười vận động: Thiếu hoạt động thể chất, lười luyện tập thể dục thao tăng nguy cơ mắc bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim.

4. Phương pháp điều trị bệnh thiếu máu cơ tim

4.1. Thay đổi lối sống

Bệnh thiếu máu cơ tim: Biểu hiện, nguyên nhân và cách điều trị - ảnh 1
Tập thể dục hỗ trợ điều trị thiếu máu cơ tim

Không bao giờ là quá muộn để thay đổi những thói quen xấu và xây dựng một lối sống tích cực. Việc thay đổi lối sống góp phần không nhỏ vào sự thành công trong quá trình điều trị bệnh thiếu máu cơ tim. Sau đây là một số lời khuyên bác sĩ Tim mạch Đỗ Xuân Chiến dành riêng cho bạn:

  • Không hút thuốc
  • Kiểm soát các bệnh lý liên quan: chẳng hạn như tiểu đường, tăng Huyết áp cao và rối loạn mỡ máu.
  • Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh: Hạn chế chất béo bão hòa, ăn nhiều ngũ cốc, trái cây và rau quả.
  • Vận động cơ thể thường xuyên và đều đặn
  • Duy trì cân nặng lý tưởng: Một số người luôn gặp vấn đề khó khăn trong việc giảm cân. Hãy thẳng thắn trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn giảm cân đúng cách
  • Giảm căng thẳng, bớt mệt mỏi:

4.2. Sử dụng thuốc

Một số thuốc và nhóm thuốc thường được bác sĩ chỉ định điều trị thiếu máu cơ tim, bao gồm:

  • Aspirin
  • Nhóm nitrat
  • Nhóm chẹn beta
  • Nhóm chẹn kênh canxi
  • Nhóm ức chế men chuyển angiotensin (ACEi)
  • Ranolazine (Ranexa)

Việc sử dụng thuốc cần phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ và tuân thủ điều trị để mang lại hiệu quả cao nhất.

4.3. Phẫu thuật

Đôi khi, việc điều trị bằng thuốc không mang lại hiệu quả tối ưu cho bệnh nhân thiếu máu cơ tim nghiêm trọng. Trong trường hợp này, phẫu thuật sẽ là sự lựa chọn phù hợp hơn:

  • Nong và đặt stent: Bác sĩ sẽ đưa một đoạn ống thông rất mỏng vào phần hẹp trong động mạch bệnh nhân. Tiếp đó, một sợi dây và một quả bóng nhỏ được luồn vào khu vực hẹp này và bơm căng để mở rộng động mạch. Một cuộn dây lưới thép nhỏ (gọi là stent) được đưa vào bên trong để giữ cho động mạch mở.
  • Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành: Đây là một loại phẫu thuật tim hở, sử dụng một đoạn mạch từ một bộ phận khác trong cơ thể để tạo ra một cành ghép, cho phép máu lưu thông xung quanh động mạch vành bị tắc nghẽn.
  • Các phương pháp điều trị cơ học hiện đại: Đây là các phương pháp mới, được áp dụng khi tình trạng bệnh trở nên mãn tính, nghiêm trọng, các biện pháp khác không hiệu quả, bệnh nhân không đủ điều kiện tiến hành các thủ thuật.