1. Chấn thương thận kín là gì?
Chấn thương thận kín là tình trạng tổn thương thận nhưng thành bụng hay thành lưng không bị thủng, nguyên nhân thường gặp nhất là tai nạn giao thông, té, tai nạn thể thao và bị tấn công hành hung. Trong đó, tai nạn giao thông hoặc té cao có thể làm rách động mạch thận hoặc đứt hoàn toàn. Sau Chấn thương thận, có triệu chứng Tiểu máu nhiều, sốc, nguy cơ tổn thương mạch máu lớn của thận rất cao (khoảng 20%)
2. Dập thận có nguy hiểm hay không?
Dập thận được sử dụng để chỉ tình trạng Chấn thương thận độ 1, khi chỗ mô thận bị dập bị vỡ, thận còn nguyên vẹn kèm máu tụ dưới vỏ bao và quanh thận. Đây là tổn thương gặp nhiều nhất trong chấn thương thận, ngoài ra tổn thương thận còn được chia làm các mức độ như sau
- Độ 2: Vỡ vỏ bao cà chủ mô thận dưới 1cm, không ảnh hưởng đến đài, bể thận và phần tủy thận và nằm trong tổn thương nhỏ, nhẹ xảy ra trong 85% các trường hợp tổn thương thận
- Độ 3: Vỡ chủ mô thận trên 1 cm
- Độ 4: Vết vỡ lớn ăn tới đài, bể thận gây ra rò nước tiểu và tổn thương các mạch máu nhỏ được phân loại độ 4
- Độ 5: vỡ thận nhiều mảnh và tổn thương mạch máu thận lớn.
- Độ 3-5 được gọi là tổn thương lớn nặng ở thận, gặp trong 15% các trường hợp chấn thương thận kín. Tổn thương động mạch thận sẽ bao gồm tắc hoặc rách động mạch thận hoặc một trong những nhánh phụ. Thường xảy ra dưới 1% trong chấn thương thận kín. Lưu ý thận không thể phục hồi sau 1 giờ mất nguồn máu cung cấp hoàn toàn và việc định bệnh tổn thương mạch máu thận rất khó.
3. Chẩn đoán chấn thương thận kín như thế nào?
Chẩn đoán chấn thương thận kín cần dựa vào cả cơ chế chấn thương, lâm sàng của bệnh nhân và các Xét nghiệm hỗ trợ.
Triệu chứng toàn thân:
- Triệu chứng sốc gặp trong 40-50% các trường hợp chấn thương thận, đặc biệt xảy ra trong các trường hợp có tổn thương phối hợp
- Hội chứng nhiễm trùng: xảy ra khi bệnh nhân đến muộn dẫn tới bội nhiễm ổ dịch máu quanh thận
Triệu chứng tại chỗ:
- Đái máu toàn bãi đại thể hoặc vi thể: gặp trong 90-95% các trường hợp, cần lưu ý là mức độ đái máu không tương xứng với mức độ tổn thương Giải phẫu bệnh lý
- Đau vùng thắt lưng sau chấn thương: gặp ở tất cả các trường hợp, nhưng thường không đặc hiệu và có khi xuất hiện sau cơn đau quặn thận
- Khối căng gồ vùng mạng sườn thắt lưng: sự tiến triển của triệu chứng này có giá trị trong việc đánh giá tiên lượng
- Ngoài ra còn có thể gặp các triệu chứng tổn thương cơ quan kết hợp như Chấn thương ngực kín (tràn khí, tràn máu màng phổi), Chấn thương bụng kín (chấn thương vỡ gan, lách), thủng tạng rỗng hoặc các tổn thương chi thể, sọ não
Triệu chứng cận lâm sàng:
- Công thức máu: hồng cầu và huyết sắc tố giảm, đặc biệt trong các trường hợp tổn thương vừa và nặng, bạch cầu thường tăng
- Xét nghiệm nước tiểu: hồng cầu, bạch cầu tăng nhiều, protein niệu dương tính
- X-quang thận: khối mờ lan rộng vùng thận bị chấn thương, bờ ngoài cơ thắt lưng chậu bị xóa
- X-quang thận có dùng thuốc tĩnh mạch: vùng đài bể thận nhòe thuốc, thuốc cản qua đi qua các tổ chức quanh thận
- Siêu âm: hình ảnh đường nứt nhu mô và ổ dịch đọng trong hố thận
- CT scanner: là xét nghiệm tốt nhất trong chẩn đoán chấn thương thận kín, cho hình ảnh rõ nét của tổn thương nhu mô thận và các ổ đọng dịch quanh thận
- Chụp động mạch thận: cho biết vị trí và mức độ tổn thương đặc biệt là các nhánh mạch máu thận
4. Điều trị chấn thương thận kín
Bệnh nhân sẽ được điều trị bảo tồn trong các trường hợp như:
- Tình trạng không có sốc hoặc sốc nhanh chóng hồi phục sau điều trị
- Tình trạng đái máu, căng gồ vùng mạn sườn thắt lưng ổn định dần theo thời gian
Chỉ định điều trị phẫu thuật khi:
- Khối gồ vùng mạng sườn vượt quá đường trắng giữa
- Bệnh nhân có Sốt kéo dài không hồi phục mặc dù đã điều trị tích cực
- Đái máu, căng gồ vùng thận, đau diễn tiến nặng lên theo thời gian
- Nghi ngờ tổn thương các tạng trong ổ bụng
- Biến chứng áp-xe hố thận